Những dự báo táo bạo cho thị trường bất động sản
Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2017 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định khả năng xảy ra bong bóng bất động sản năm nay là thấp nhưng giá nhà đất nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt.
- 16-12-2016Thị trường bất động sản 2017: Có khả năng tụ "bong bóng", sốt giá vào cuối năm?
- 21-10-2016TP.HCM: Thị trường địa ốc đang lệch pha nhưng khó xảy ra tình trạng "bong bóng"
- 17-10-2016Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa: "Bong bóng BĐS lần này nếu có sẽ vô cùng ghê gớm và hậu quả cao"
- 22-09-2016Bong bóng bất động sản Trung Quốc không ngừng phình to
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng vừa đưa ra những dự báo về thị trường bất động sản 2017 và giai đoạn 5 năm tới.
Theo HoREA, thời gian tới thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng có thể sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016. Thị trường sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc thị trường bất động sản có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu thật của đa số người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Làn sóng M&A, xu hướng hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh…
Bên cạnh đó, Hiệp hội cho rằng, hiện nay cũng đã xuất hiện một số yếu tố tiềm ẩn rủi ro trên thị trường bất động sản như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp, hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng...
“Tình hình đảm bảo an toàn, xử lý các tranh chấp trong chung cư còn diễn biến phức tạp. Trước hết là an toàn phòng cháy, chữa cháy, và các tranh chấp trong chung cư hầu hết xảy ra tại các chung cư bình dân, các chung cư cũ”, HoREA đưa ra cảnh báo.
Trong khi đó, theo BSC, bong bóng bất động sản trong 2 năm 2007 và 2010 đã gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Việt Nam. Với đặc thù có đến 65% tài sản đảm bảo vay vốn là bất động sản, thị trường tài chính và bất động sản luôn liên thông, tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Khi bong bóng BĐS bị vỡ, giá tài sản đảm bảo giảm mạnh, nợ xấu tăng cao là viễn cảnh ít mong muốn nhất của các nhà đầu tư.
Theo đó, nền kinh tế hiện nay vẫn trong giai đoạn phục hồi, ước tính chỉ tăng trưởng 6,2% trong năm 2016 và 6,6% trong năm 2017, và tăng trưởng tín dụng trong các năm qua thấp và khá ổn định. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2016 ước tính ở mức 18% và trong năm 2017 sẽ được giữ ở mức 18 – 20%. Kinh tế vĩ mô hiện đang chưa có dấu hiệu tăng nóng.
Mặt khác, tín dụng chảy vào BĐS đã có dấu hiệu chững lại đáng kể, đặc biệt là vào những tháng cuối năm 2016. Dự báo, tín dụng chảy vào kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục không tăng trưởng nóng trong năm 2017. Đặc biệt, với Thông tư 06 sửa đổi bổ sung Thông tư 36 (tăng hệ số rủi ro các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS từ 150% lên 200% từ ngày 01/01/2017) và giảm có lộ trình tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Lãi suất tín dụng cho vay BĐS trong năm 2010 rất cao, ở mức 15% thậm chí có lúc leo lên tới 20% khiến cho các doanh nghiệp không ký được hợp đồng tín dụng mới và các hợp đồng cũ cũng không được giải ngân. Yếu tố này trong năm 2017 nhiều khả năng sẽ không xảy ra khi chính sách tiền tệ hiện nay cũng như mặt bằng lãi suất đang ổn định, chưa có dấu hiệu leo thang.
Song song đó, BSC nhận định rằng thị trường BĐS hiện nay đang tự điều chỉnh, nhiều chủ đầu tư triển khai dự án phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Từ đó giúp cho thị trường tiến đền cân bằng cung - cầu, nhà ở cao cấp không bị đẩy giá quá cao và thời gian tới nhà ở túi tiền sẽ có nguồn cung dồi dào hơn...
Theo báo cáo của JLL, trong năm 2017, thị trường BĐS sẽ không có những cú “bứt phá” mang tính bước ngoặt, tốc độ như những năm trước, mà thay vào đó là sự ổn định, phát triển theo chiều sâu và sinh lời bền vững.
JLL Việt Nam cho biết, năm 2016, BĐS thế giới đã đón nhận hàng loạt nguồn vốn đầu tư, trong đó châu Á đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới, các quỹ đầu tư lớn, quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm Trung Quốc. Lượng vốn đáng kể từ những nhà đầu tư này sẽ tác động đến thị trường BĐS Việt Nam năm 2017 bằng những cách khác nhau.