MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đứa trẻ được 'giám sát' và 'không giám sát' từ nhỏ có sự khác biệt sau 12 tuổi

29-07-2023 - 22:58 PM | Sống

Những đứa trẻ được 'giám sát' và 'không giám sát' từ nhỏ có sự khác biệt sau 12 tuổi

Giáo sư Lý Mai Cẩn nhận định: Chỉ khi nắm bắt được đặc điểm phát triển của trẻ và làm tốt công tác giáo dục trong gia đình, con đường của trẻ mới có thể thuận lợi và suôn sẻ hơn.

Bà Lý Mai Cẩn là một giáo sư, chuyên gia rất nổi tiếng của Trung Quốc trong lĩnh vực Tâm lý tội phạm học và Tâm lý trẻ em. Bà từng kể câu chuyện: Một người cha ở Châu Hải (Quảng Đông - Trung Quốc) rất có năng lực, chỉ trong vài năm làm việc chăm chỉ, anh đã tiết kiệm được rất nhiều tiền. Khi về đến nhà, con trai anh đã lớn. 

Thấy con trai luôn trốn học và gây rối, anh muốn bắt đầu chăm sóc, quan tâm đứa trẻ kỹ hơn nhưng lại thấy mình không thể làm gì được. Đứa trẻ không chỉ ngỗ nghịch, không nghe lời mà thậm chí còn rất xa lạ với bố mình. 

Trên thực tế, có một khái niệm trong tâm lý học gọi là "thời kỳ quan trọng của sự phát triển" . Điều đó có nghĩa là sự thành thạo một số hành vi, kỹ năng và tri thức của con người phát triển nhanh nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất trong một thời kỳ nhất định. Một khi bỏ qua giai đoạn quan trọng, việc học sẽ tốn gấp nhiều lần nỗ lực và sẽ không bao giờ có thể bù đắp được.

Những đứa trẻ bị "giám sát" và "không giám sát" từ nhỏ có sự khác biệt sau 12 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nguyên tắc này cũng áp dụng cho sự phát triển tính cách của trẻ. Bà Lý Mai Cẩn từng nói: Sự trưởng thành của một đứa trẻ được chia thành các giai đoạn. Đứa trẻ có thể trở thành như kỳ vọng hay không còn phụ thuộc vào việc có "kỷ luật" ở mỗi giai đoạn trước 12 tuổi hay không.

Vì vậy, cha mẹ phải nắm bắt và giám sát con kỹ càng trong những giai đoạn phát triển quan trọng này trước khi con 12 tuổi. “Giám sát” ở đây không phải là theo sát, nắm quyền kiểm soát cuộc sống của con mà là dành sự quan tâm đúng mức cho con cái:

3 tuổi: Thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái 

Trước 3 tuổi, việc trẻ có thể thiết lập mối quan hệ gắn bó thân thiết với cha mẹ hay không sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ đối xử với cha mẹ trong phần lớn cuộc đời. Nguyên nhân khiến trẻ nổi loạn, trốn chạy, không chịu chấp hành kỷ luật là do cha mẹ chưa đáp ứng được nhu cầu tình cảm của trẻ nên thiếu sự ràng buộc và gắn kết.

Các nhà tâm lý học từng làm một thí nghiệm thú vị: Họ đặt một con đười ươi con mới sinh vào một căn phòng lớn có hai kệ sắt. Một chiếc để trần, không có bất kỳ đồ trang trí nào. Một chiếc giá được bọc trong vải nỉ, giống như một con đười ươi cái, và có thức ăn cùng đồ chơi trên mặt đất. 

Các nhà tâm lý muốn quan sát xem đười ươi con có ăn và chơi không? Kết quả, đối diện với căn phòng lạ, đười ươi con sợ hãi hét lên mấy lần rồi leo lên chiếc giá trông giống đười ươi mẹ, chỉ khi nào đói nó mới xuống ăn, rồi lại nhanh chóng leo lên, ôm chặt chiếc giá. 

Thí nghiệm này chứng minh rằng mặc dù một con vật nhỏ cần thức ăn nhưng nó gắn bó với người chăm sóc hơn là đồ chơi. Cũng như vậy, trước 3 tuổi, trẻ đầy tò mò và bất an về thế giới, chúng phụ thuộc 100% và tin tưởng 100% vào cha mẹ.

Sự đồng hành và chăm sóc của cha mẹ là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các em. Chỉ bằng cách cho trẻ cảm nhận đầy đủ tình yêu thương của cha mẹ, trẻ mới có thể có đủ cảm giác an toàn, thiết lập mối liên hệ tình cảm ổn định với cha mẹ và sẵn sàng lắng nghe, tin tưởng họ khi lớn lên.

Trước 6 tuổi, đặt ra các quy tắc cho trẻ

Giáo sư Lý Mai Cẩn từng nói: Trẻ 3-6 tuổi đã có chủ kiến riêng, nếu cha mẹ hết mực nuông chiều sẽ nuôi dạy một đứa trẻ độc đoán. Tâm lý học trẻ em cũng cho rằng 3-6 tuổi là giai đoạn quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của trẻ. 

Với những đứa trẻ ưu tú, nhiều thói quen tốt của chúng như tính tự giác, độc lập, làm việc có kế hoạch... đều bắt nguồn từ việc được vun đắp kịp thời ở giai đoạn này. Nếu đứa trẻ không hình thành những phẩm chất và thói quen tốt trong thời kỳ vàng son của nhân cách, nhiều vấn đề sẽ nảy sinh trên con đường trưởng thành trong tương lai. 

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Canada Jordan Peterson đã nói: "Trẻ em giống như người mù tìm kiếm bức tường. Chúng cần phải tiếp tục di chuyển và cố gắng trước khi có thể tìm ra ranh giới ở đâu".

Trẻ nhỏ chắc chắn sẽ có một số hành vi không phù hợp, nếu không có quy tắc kiềm chế, chúng sẽ không biết làm sao để tự đánh giá lời nói và việc làm của mình, rất có thể sẽ phạm sai lầm lặp đi lặp lại, thậm chí còn ảnh hưởng đến quan niệm đúng sai và giá trị sống của chúng. 

Vì vậy, trước 6 tuổi, chúng ta phải đặt ra những quy tắc cho trẻ. Bởi vì lúc này, trẻ vẫn còn rất phụ thuộc vào cha mẹ, nhiều trường hợp vẫn cần sự giúp đỡ, hướng dẫn, và đây là thời điểm tốt để cha mẹ đứng ra can thiệp. Đồng thời, trước 6 tuổi cũng là thời điểm tốt để trẻ tiếp thu rất nhiều khái niệm, trẻ sẽ nhớ kỹ những lời cha mẹ nói và hình thành nguyên tắc làm việc của bản thân. 

12 tuổi xác lập giá trị

Nhiều bậc cha mẹ sẽ thấy: Ngày càng gặp khó trong giao tiếp với con. Chúng thường nói với cha mẹ được vài từ, bắt đầu đòi hỏi không gian riêng, ghét việc cha mẹ xen vào chuyện riêng của mình, bắt đầu có những bí mật, không thích chia sẻ tâm tư...

Dù những điều này khiến cha mẹ đau đầu nhưng cũng là dấu hiệu cho thấy trẻ đang dần trở nên cứng cáp hơn. Bởi vì lúc này, ý thức tự chủ của chúng được nâng cao, sự phụ thuộc vào cha mẹ giảm đi, chúng ghét bị kiểm soát quá nhiều. Vì vậy để giáo dục con cái vị thành niên, cha mẹ phải học cách buông bỏ.

Điều chúng ta phải làm không còn là người chăm sóc mà là người lãnh đạo tinh thần cho trẻ. Những gì cha mẹ cần cung cấp cho trẻ là không gian để tự khám phá cùng cơ hội để thử và sai. Chỉ khi trẻ hiểu đúng sai, ý nghĩa hay hậu quả của việc mình làm, trẻ mới có khả năng phán đoán, biết điều gì nên và không nên làm. 

Do đó, hãy chú ý giúp trẻ học cách suy nghĩ về hai câu hỏi: Tại sao tôi phải làm điều này? Mục đích của tôi khi làm điều này là gì? Chỉ bằng cách này, trẻ mới có thể thiết lập các giá trị đúng đắn thông qua thử nghiệm, sai sót liên tục và tự kiểm soát, từ đó có thể chịu trách nhiệm về bản thân và cuộc sống của chính mình.

Bà Lý Mai Cẩn cho biết: "Hành vi bắt nguồn từ giai đoạn giáo dục mầm non, và thói quen được hình thành ở tuổi đi học". Chỉ khi nắm bắt được đặc điểm phát triển của trẻ và làm tốt công tác giáo dục trong gia đình, con đường của trẻ mới có thể thuận lợi và suôn sẻ hơn. Nói một cách đơn giản, chỉ khi hiểu được quy luật lớn lên của trẻ, biết chiều theo cảm xúc và nhịp điệu của trẻ, dạy dỗ cẩn thận, con cái chúng ta mới có thể có một tương lai tươi sáng.


Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên