Những đứa trẻ Hàn Quốc vừa chào đời đã dát đồ hiệu: Nỗi ám ảnh mang tên 'quyền lực địa vị'
Những đứa trẻ ngày càng ưa chuộng hàng hiệu, cộng với sự chi tiêu mạnh tay của cha mẹ chúng đã thúc đẩy doanh số bán quần áo hàng hiệu dành cho trẻ em.
- 19-03-2023Đặc quyền của tiếp viên hàng không trên phi cơ riêng cho giới siêu giàu: Kiếm 12 triệu đồng/ ngày, được tặng đồ hiệu là chuyện thường
- 14-03-2023Chiêm ngưỡng tủ đồ hiệu lớn nhất thế giới: Sở hữu hàng loạt item đắt đỏ đến từ các thương hiệu Gucci, Hermes,… danh tính của chủ nhân khiến nhiều người ngỡ ngàng
- 14-03-2023Khi ChatGPT lấn sân sang cả thời trang: Am hiểu hơn cả tín đồ hàng hiệu, chọn túi xách cũng sành sỏi không kém
3 năm gần đây, hầu hết các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đã phải chịu cú đòn mạnh mà tác động trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy chính là sự suy thoái kinh tế. Thế nhưng, thị trường hàng xa xỉ tại Hàn Quốc lại đang cho thấy một bối cảnh hoàn toàn khác biệt.
Doanh số hàng xa xỉ ở Hàn Quốc đã có cú "bùng nổ" bất ngờ khi mà người ta sẵn sàng vung số tiền lớn cho những món đồ hiệu như một cách để chứng minh đẳng cấp thời thượng, mức độ giàu có của bản thân. Mà không chỉ giới thượng lưu, thậm chí, người trẻ Hàn Quốc cũng sẵn sàng sử dụng thu nhập để mua những món đồ hàng hiệu giúp họ thấy tự tin và hạnh phúc .
Để rồi, "cơn sốt" hàng hiệu đã lan sang cả thế hệ mầm non của xứ kim chi.
Hình ảnh trong phim "The Glory".
Nỗi ám ảnh "vận" vào trẻ thơ
Những ngày gần đây, bộ phim Hàn Quốc " The Glory " đang "gây bão" trên nền tảng Netflix. Trong đó, có cảnh mẹ chồng của nhân vật phản diện, Yeon-jin, kẻ đứng đầu vụ bắt nạt nhân vật chính Dong-eun ở trường trung học, đã mặc cho đứa cháu gái mới sinh của bà một chiếc áo liền thân Gucci màu đỏ.
Bất chấp sự thật rằng chỉ vài tuần sau đó đứa bé sẽ lớn nhanh và không còn mặc vừa chiếc áo ấy, người phụ nữ vẫn nhất định mua cho cháu nội mình những bộ quần áo hàng hiệu sang trọng, đắt tiền, đi kèm một khẳng định chắc nịch: “Con cần phải đứng ở một vạch xuất phát khác để vượt lên trên những người khác”.
Mặc dù nhân vật trong phim chỉ là hư cấu, nhưng có một sự thật không thể phủ nhận là niềm tin rằng trang phục thể hiện quyền lực và địa vị của một người đang trở thành một phần nỗi ám ảnh của người Hàn Quốc đối với hàng thời trang cao cấp.
Theo báo cáo của Morgan Stanley (ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Mỹ), chỉ tính riêng năm 2022, mức tiêu thụ hàng xa xỉ bình quân đầu người của Hàn Quốc lên tới 325 USD, con số cao nhất thế giới.
Những món đồ hàng hiệu xa xỉ, từng được cho là chỉ dành riêng cho những người trung niên giàu có, giờ đang được giới trẻ Hàn Quốc (đặc biệt là những người ở độ tuổi 20), bất kể thu nhập, khao khát sở hữu.
Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu giao dịch của hệ thống thanh toán di động L.Pay và điểm thành viên L.Point cho thấy người tiêu dùng ở độ tuổi 20 tại Hàn Quốc có mức mua hàng xa xỉ tăng cao nhất trong giai đoạn 2018-2021 (70,1%), tiếp theo là những người ở độ tuổi 50 (62,8%) và độ tuổi 30 (54,8%). Và giờ đây, các cửa hàng chuyên bán đồ hiệu đang tập trung cho nhóm khách hàng trẻ hơn.
Vào một buổi sáng thứ Năm, tại một cửa hàng bán quần áo trẻ em cao cấp ở Cheongdam-dong, thường được coi là "Beverly Hills của Seoul", một số học sinh mẫu giáo đang mặc thử áo khoác dáng dài đặc trưng của Burberry và áo khoác có đệm Moncler. Giá của cả 2 bộ trang phục dao động trong khoảng 1 triệu đến 1,5 triệu won (tương đương 18-27 triệu VNĐ).
Một khách hàng nữ 39 tuổi tên Kang, người đã mua cho cô con gái 7 tuổi của mình chiếc áo khoác Burberry làm quà sinh nhật, cho biết: “Cơn sốt hàng hiệu xa xỉ của người lớn đã truyền sang trẻ nhỏ”.
“Con gái tôi và nhiều bạn bè của nó biết rất rõ về các thương hiệu xa xỉ. Có lẽ là do các ngôi sao K-pop quảng cáo cho họ. Chúng thậm chí còn thích khoe những món đồ hàng hiệu đắt tiền của mình trên mạng xã hội".
“Một số bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng mua quần áo sang trọng cho con cái là hơi lãng phí và không cần thiết, nhưng tôi nghĩ quần áo càng đắt tiền thì chất lượng càng cao”, cô Kang nói thêm.
Nỗi lo lắng có cơ sở
Những đứa trẻ ngày càng ưa chuộng hàng hiệu, cộng với sự chi tiêu mạnh tay của cha mẹ chúng đã thúc đẩy doanh số bán quần áo hàng hiệu dành cho trẻ em.
Theo Hyundai Department Store, mức tăng hàng năm của doanh số bán quần áo trẻ em sang trọng đang tăng lên, từ 29,5% vào năm 2020, 45,5% vào năm 2021, lên 35,4% vào năm 2022.
Sự phổ biến của các mặt hàng xa xỉ ở trẻ em cũng đã thúc đẩy thị trường túi Chanel mini và quần áo trẻ em có thiết kế tương tự Chanel.
Chỉ cần gõ từ khóa tìm kiếm “túi Chanel dành cho trẻ em” trên Naver, trang web cổng thông tin lớn nhất của Hàn Quốc, bạn sẽ nhận được kết quả là danh sách dài các trung tâm mua sắm trực tuyến bán túi xách bằng da hoặc vải tuýt giống sản phẩm của Chanel, thường có giá từ 30.000-50.000 won (tương đương khoảng 540.000 đến 900.000 VNĐ).
Để đáp lại sự quan tâm cuồng nhiệt của trẻ em đối với các thương hiệu xa xỉ, một số lớp học nghệ thuật tại các trường mẫu giáo địa phương thậm chí còn mở hẳn các lớp dạy DIY ("Do it yourself" là việc xây dựng, sửa đổi, hoặc sửa chữa một cái gì đó mà không có sự trợ giúp trực tiếp của các thợ lành nghề hoặc chuyên gia), trong đó chúng được học cách làm túi Chanel giả bằng giấy.
Những ý tưởng tương tự cũng được chia sẻ trên các cộng đồng trực tuyến của giáo viên mẫu giáo để kết hợp các thiết kế và mẫu túi sang trọng mang tính biểu tượng mà trẻ thích vào các hoạt động DIY khác nhau.
Một giáo viên đã chia sẻ hình ảnh chiếc túi Chanel bằng giấy mà một trong những học sinh của cô ấy làm quà tặng cho cha mẹ vào "Ngày Phụ huynh" lên tài khoản mạng xã hội với chú thích: “Cả trẻ em và phụ huynh đều thực sự thích chiếc túi này như thể nó là hàng thật vậy”.
Một số chuyên gia lo ngại về sở thích của trẻ nhỏ đối với những món đồ xa xỉ và những ảnh hưởng của nó đối với sức khỏe tâm thần của chúng.
Giáo sư Park Myung-sook tại khoa phúc lợi trẻ em của Đại học Sangji cho biết: “Cái gọi là 'văn hóa linh hoạt' trên mạng xã hội, trong đó mọi người khoe khoang sự giàu có của mình thông qua những hành động tiêu dùng xa hoa đã dẫn đến cơn sốt "chuộng" hàng xa xỉ ở trẻ em.
Nếu trẻ em bị ám ảnh bởi những món đồ xa xỉ do áp lực từ bạn bè, so sánh mình với người khác, chúng có thể bị căng thẳng cực độ. Trong khi đó, chúng có khả năng hình thành thói quen xấu là đánh giá người khác dựa trên ngoại hình hoặc đưa ra những quyết định mua sắm phi lý khi lớn lên”.
Phụ nữ Việt Nam