MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ

20-05-2020 - 12:04 PM | Sống

Những người hư vinh, giả tạo, dối trá có thể bước đi nhanh hơn nhưng tuyệt đối không thể bước đi xa hơn, bởi đó là "chướng ngại vật" cản trở bước tiến của họ.

01

Làm người làm việc bại bởi 10 kỵ

1. Ích kỷ, tự kiêu, tự mãn là "chướng ngại vật" khiến bạn "giậm chân tại chỗ"

"Mọi người đều cho rằng có được từ người khác mới là nhận mà không biết rằng cho đi cũng là một kiểu nhận".

Những người ích kỷ thường chỉ nghĩ cho mình, lấy mình làm trung tâm vũ trụ, thậm chí có lúc còn tính toán chi li, bày mưu tính kế sao cho bản thân là người được lợi nhất.

Người ích kỷ khiến người khác căm ghét, không có bạn bè. Mang tiếng là giúp người nhưng thực chất là đang giúp mình.

Tự kiêu và tự mãn là hai anh em sinh đôi. Bản chất đều là sự nhận thức mù quáng, nhận thức sai trái về chính mình, là tư duy và tâm lý khinh người, trọng mình.

"Hạt cát trong sa mạc xin chớ tự khoe khoang, kiêu ngạo tự mãn ắt thất bại". Tự kiêu, tự mãn là "chướng ngại vật", là "chất cấm" trong làm người, là dấu hiệu của sự tụt hậu và bất khả thành công.

2. Hư vinh, giả tạo, dối trá là "chướng ngại vật" khiến bạn không thể tiến bộ, hướng về phía trước

"Đạo Đức Kinh" có viết: Bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nhoáng.

Người hư vinh ham hố danh lợi hão huyền; Họ luôn hy vọng giành lấy những thứ mà mình muốn có một cách nhanh nhất, có lúc thậm chí còn bất chấp thủ đoạn.

Hư vinh, giả tạo, dối trá là sống trong thế giới không chân thực với điểm chung là nói những lời giả dối, làm những việc giả tạo và đeo mặt nạ giả.

Giả là giả, giả dối không thể chịu được thử thách trước thời gian và khó khăn. Những người hư vinh, giả tạo, dối trá có thể bước đi nhanh hơn nhưng tuyệt đối không thể bước đi xa hơn, bởi đó là "chướng ngại vật" cản trở bước tiến của họ.

 Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ  - Ảnh 1.

3. Nông nổi, nóng vội và hấp tấp là "máy gia tốc" khiến mọi việc "sắp thành lại bại"

Tật xấu mà con người dễ phạm phải nhất hiện nay là "nóng nảy" thiếu bĩnh tĩnh. Nhiều lúc chúng ta không thiếu cái tâm "thêm dầu vào lửa", chỉ thiếu cái tâm "lấy nước dập lửa";

Không thiếu tinh thần hăng hái nhưng lại thiếu tinh thần dẻo dai; Không thiếu nhiệt huyết nhưng lại thiếu trầm ổn. Nước nông ồn ã, nước sâu trầm tĩnh. Từ cổ chí kim muốn thành đại sự đầu tiên phải học tính trầm ổn.

Nông nổi, nóng vội thiếu lý tính, lý trí và sự trầm ổn. Rất nhiều việc chỉ vì không thể kiểm soát được chính mình, nắm bắt được chính mình mà gây hậu quả khôn lường, công lao đổ biển.

4. Suồng sã, phóng túng, buông thả là "vết thương chí mạng" khiến bạn thân bại danh liệt

Con người nếu kiềm chế được mình tất sẽ không gặp tai họa, làm việc không trái với lương tâm tất sẽ được ngủ ngon.

Bất chấp hoàn cảnh, bất chấp đối tượng, bất chấp tình huống, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm, sớm muộn cũng sẽ gặp họa.

Mỗi người chỉ nên nói 3 lời đó là: nói những lời đã nghĩ, nói những lời có chừng mực và nói những lời có sự lựa chọn. Nếu nói mà không nghĩ, ăn nói lung tung hay thậm chí nói năng ngông cuồng, trước khi nói bạn là chủ của lời nói, sau khi nói, lời nói làm chủ bạn, ắt sẽ gương vỡ khó lành.

Sự lười nhác lớn nhất của con người là ở buông thả. Nếu cứ phóng túng theo ý thích của mình, sớm muộn gì bạn cũng sẽ phải trả giá.

5. A dua, tầm thường là liều thuốc mê khiến bạn tự sa đọa

Mạnh Tử từng viết về đại trượng phu trên thế gian: giàu sang mà không hoang dâm, nghèo hèn mà không đổi chí khí, gặp uy vũ không chịu khuất phục.

Con người có thể tùy tục nhưng không được a dua. A dua là hành vi lấy lòng, nịnh bợ, dung túng. Tự mình đánh mất hoặc từ bỏ lòng tự trọng. Người a dua thiếu tư tưởng, lý trí cá nhân, chỉ biết thuận theo chiều gió.

Người thông minh trí tuệ biết gió chiều nào che chiều nấy nhưng tuyệt đối không thuận theo chiều gió, biết bày tỏ thiện ý nhưng tuyệt đối không lấy lòng một cách mù quáng.

Thế tục là những tập khí xấu còn tàn dư. Tham của, nịnh bợ, vong ân bội nghĩa…đều là những biểu hiện xấu của thế tục. Sống trong xã hội thế tục phải hiểu đời và không dung tục. Mặc dù không thể rũ bỏ thế tục nhưng không được bị tiêm nhiễm bởi những tầm thường của thế tục.

 Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ  - Ảnh 2.

6. Không biết đủ, không biết liêm sỉ, không biết sợ là "thẻ thông hành" khiến bạn thất bại

Quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời nói của thánh nhân.

Làm người phải biết đủ, nếu không biết đủ sẽ dẫn tới việc quá xem trọng lợi ích, sẽ phải lo lắng, phát cuồng, canh cánh trong lòng hay thậm chí không thể dứt ra được, khiến bản thân cảm thấy bị lạc lõng vì những lần không như ý muốn. Khiến giá trị nhân sinh bắt đầu tụt dốc sa đọa.

Người có thể vô tri nhưng không được vô liêm sỉ. Vô tri không đáng sợ, chỉ cần nỗ lực học tập là được. Đáng sợ nhất là vô liêm sỉ, đáng sợ hơn là không biết mình vô liêm sỉ.

Con người phải biết sợ, biết kính nể, làm người làm việc phải biết chừng mực, biết giới hạn ở đâu và ranh giới là gì. Cần phải hiểu rõ rằng ra khỏi ranh giới đồng nghĩa với "out", vượt quá giới hạn đồng nghĩa "lệch khỏi quỹ đạo".

7. Mù quáng, hùa theo, làm bừa khiến bạn sôi hỏng bỏng không

Mù quáng là chỉ những người không có phương hướng, không nhìn rõ mục tiêu; Hùa theo là chỉ những người không có chủ kiến, thiếu chính kiến. Quan một cũng ừ, quan tư cũng gật; Làm bừa là chỉ những người làm việc không có phép tắc, không có quy củ, nghịch lý và đi ngược với thời đại.

Những người mù quáng, hùa theo, làm bừa thường không làm nên trò trống gì, vỗ đầu là thói quen của họ, vỗ ngực là sở thích của họ còn phủi đít là thủ đoạn của họ. Chính vì mù quáng nên thường hùa theo hoặc làm liều, khiến mọi việc sôi hỏng bỏng không.

8. Nịnh hót, ham danh hám lợi là bức tranh tự họa của những kẻ có tầm nhìn hạn hẹp

Trang Tử từng viết: chúng nhân trọng lợi, liêm sĩ trọng danh, hiền nhân thượng chí, thánh nhân quý tinh.

"Nghèo giữa chợ đông ai thèm hỏi, giàu tại rừng sâu lắm kẻ thăm" là hình ảnh mô tả chân thực những người tham phú phụ bần, ham danh hám lợi.

Ra sức nịnh hót, khom lưng khuỵu gối với những người có tiền có quyền, miệt thị xa cách với những người nghèo khó là tật chung của những kẻ nịnh hót, ham danh lợi.

Những người hay nịnh bợ là những người có tâm tư lợi quá lớn. Việc gì cũng đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu, tính toán rõ ràng từng chút lợi ích một.

Những người coi trọng lợi lộc, muốn có được nhiều thường sẽ toàn tâm toàn ý theo đuổi danh lợi, chạy theo cái lợi trước mắt biến mình trở thành kẻ dung tục, tầm thường. Thậm chí còn bất chấp thủ đoạn, không màng liêm sỉ để đạt được mục đích danh lợi.

Công danh lợi lộc tất cả chỉ vì chữ "lợi", bạn có thể có "lợi", nhắc đến "lợi" nhưng đừng quá xem trọng. Nhiều người sở dĩ nhân phẩm không cao là bởi không nhìn thấu chữ "lợi". Trọng lợi phẩm bất cao, bị cuốn lấy bởi chữ "lợi" khiến tầm nhìn hạn hẹp.

 Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ  - Ảnh 3.

9. Buông lỏng, xả hơi là liều thuốc mê khiến bạn tự làm theo ý mình

Khỏe mạnh là nhờ vận động, vận động là nhờ tự giác.

Buông lỏng phần lớn là do tư tưởng, tâm lý, tinh thần và cảm xúc không tập trung, ý chí nghị lực không kiên định. Tư tưởng chỉ cần buông lỏng một li, hành động sai đi một dặm. Tư tưởng buông lỏng khiến tác phong rời rạc, làm việc không tập trung.

Tự do buông lỏng mà thành thói quen thực sự rất đáng sợ. Khiến một người trở nên tùy tiện, không nghiêm túc. Làm người cần phải có tinh thần và dũng khí "đi thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi". Lơ là một phút hối hận cả đời.

10. Láu cá, giảo hoạt là mặt nạ giả trong đối nhân xử thế

Thanh liêm: gốc "trị quốc", cương trực: "tu thân" cầu.

Khôn khéo và láu cá là anh em sinh đôi. Người khôn khéo thường mồm mép láu lỉnh, hay khua môi múa mép, không chân thực, không đứng đắn khiến người khác cảm thấy phù phiếm thậm chí là phản cảm. Giảo hoạt là cấp độ cao hơn so với láu cá. Người giảo hoạt thường quỷ kế đa đoan, gian trá xảo quyệt không thể kết giao.

Làm người tuyệt đối không láu cá xảo quyệt. Thông minh quá nhiều khi lại hại chính mình.

 Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ  - Ảnh 4.

02

Làm người làm việc, thành bởi 10 ngộ

1, Năng lực, động lực, định lực là "điểm tựa" giúp bạn đứng vững

Năng lực là cơ sở để làm việc, quyết định "bạn có thể làm gì"; Động lực là điều kiện làm việc, quyết định "bạn muốn làm gì"; Định lực là bảo đảm làm việc, quyết định "bạn dám hoặc không dám làm gì". Có đủ cả ba quyết định "bạn sẽ trở thành ai".

Hiện tại, quan trọng nhất là định lực. Định lực giúp bạn tránh khỏi mê hoặc, chịu được cô đơn, giữ mình trong sạch, không dao động trước mọi khó khăn và nguy hiểm.

Có năng lực không có động lực, năng lực giảm giá; Có năng lực, có động lực nhưng không có định lực, mọi việc sôi hỏng bỏng không. Năng lực, động lực và định lực giống như "kiềng ba chân" giúp bạn đứng vững, bay cao và đi xa.

2, Biết làm việc, biết đối nhân xử thế, biết nhẫn nhịn là nấc thang giúp bạn luôn tiến về phía trước

Đấng quân tử dùng sự học để dung hợp, dùng sự hỏi để phân biệt, dùng sự rộng rãi để ở, dùng điều nhân để thi hành.

Biết làm việc là một kiểu tố chất, biết đối nhân xử thế là kiểu cảnh giới, biết nhẫn nhịn thiệt thòi, bất công và đau khổ trước mắt là một kiểu tu luyện.

Biết làm việc là bởi không ngừng học hỏi, hăng say làm việc. Biết đối nhân xử thế là bởi có thể khoan nhượng, bao dung, thấu hiểu và tín nhiệm. Thế giới dù to đến mấy cũng không thể to bằng trái tim bao dung. Bao dung mới có thể dung hòa.

Biết nhẫn nhịn là bởi có tầm nhìn xa trông rộng. Chỉ khi nhìn đời bằng một con mắt thoáng thì mới kìm chế được cảm xúc, chịu được thiệt thòi trước mắt. "Việc không suy tư thường sẽ bại, người có thể nhịn tự nhiên sẽ vô lo".

Biết làm việc, biết đối nhân xử thế, biết nhẫn nhịn giống như 3 nấc thang lớn, chỉ cần bước qua là có thể thuận lợi tiến về phía trước.

 Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ  - Ảnh 5.

3, Suy nghĩ, cách nói và phương pháp là ba cấp đánh giá năng lực cao thấp

Tri thức phải đi đôi với hành động, biết nhưng không làm được bằng với không biết.

Trình độ năng lực của con người có thể nói thành hai cấp độ. Một là biến suy nghĩ trong lòng thành lời nói và một là biến lời nói thành phương pháp hành động thực tế.

Ai cũng có suy nghĩ riêng của mình, nhưng để biểu đạt nhưng suy nghĩ ấy một cách rõ ràng khiến người khác "nghe được, nhớ được, dùng được" không phải ai cũng làm được.

Có thể nói đi vào lòng người, khiến người khác ấm lòng, tâm phục khẩu phục đó gọi là bản lĩnh và trí tuệ thực sự. Nếu như có thể biến những suy nghĩ và cách nói đó thành phương pháp và hành động, thì đó là bản lĩnh lớn và trí tuệ lớn, tạo nên sự khác biệt giữa năng lực của mỗi người.

4, Học thức, kiến thức và sự sáng suốt là pháp bảo giúp bạn thành công

Tri giả bất hoặc, nhân giả bất ưu, dũng giả bất cụ. Người có kiến thức thì không nghi ngờ, người nhân từ thì không âu lo, người gan dạ thì không sợ hãi.

Học thức là lượng kiến thức của mỗi người, kiến thức là sự trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm. Có học thức nhưng không mở mang kiến thức sẽ dễ tự cho mình là nhất, bảo thủ, cố chấp, ếch ngồi đáy giếng, hay thậm chí là tự cao tự đại.

Tri thức và sự hiểu biết giúp bạn thay đổi một đời, vô tri vô giác khiến bạn uổng phí một đời. Con người sống ở đời hoặc là học kiến thức hai là ngao du thiên hạ mở rộng tri thức. Tâm hồn và thể xác một trong hai phải lên đường.

Gan dạ sáng suốt là mưu trí dũng cảm và khí phách. Có gan dạ sáng suốt mới có dũng có mưu. Gan dạ sáng suốt cũng chính là biểu hiện của học thức và kiến thức. Có tri thức, có văn hóa giống như có trong tay pháp bảo để làm việc lớn.

5, Biết đủ, biết không đủ, không biết đủ là "máy hiệu chỉnh" trên hành trình xa khơi của đời người

Người biết đủ là tiên, người không biết đủ là phàm.

Làm người, làm việc cốt yếu phải có khuynh hướng giá trị. Cuộc đời biết đủ, làm người biết không đủ, làm việc không biết đủ mới không bị vấp ngã, mê muội và dừng bước. Có như vậy mới lấy được "chìa khóa vàng" về giá trị cuộc đời.

Cuộc đời biết đủ là tỉnh táo; Làm người biết không đủ là kỷ luật và tự giác; Làm việc không biết đủ là một kiểu trách nhiệm.

Người biết đủ vui, người biết không đủ dũng, người không biết đủ tiến. Xử lý tốt 3 mối quan hệ trên, bạn sẽ bước ra khỏi bầu trời riêng của mình để bước vào bầu trời lớn của xã hội của thời đại, để tìm đúng định vị chính xác cho mình.

 Những đúc kết có giá trị nghìn năm về làm người, làm việc: Bại bởi 10 kỵ, thành bởi 10 ngộ  - Ảnh 6.

6, Tầm nhìn, quyết đoán và nghị lực là "đôi cánh cứng" giúp bạn thực hiện ước mơ

Những người coi trọng đại nghĩa tầm nhìn thường rộng mở, những người chú trọng lợi ích, tầm nhìn thường có hạn, tâm địa gian xảo.

Phải có con mắt tinh tường, sắc sảo, nhạy bén và độc đáo mới có kiến giải cao siêu, lập luận sâu sắc, nhìn thấu tương lai. Khi lầm lẫn và chân lý cuốn lấy nhau, thật giả đan xen, hiện tượng và bản chất khó bề phân biệt, tầm nhìn giúp chúng ta có con mắt tinh thường, không bị mê hoặc, không bị mông lung, nổi trội giữa đám đông.

Có tầm nhìn rồi nhưng vẫn cần phải có khí phách quả cảm và nghị lực kiên cường để nỗ lực phấn đấu.

7, Ôn hòa, nhã nhẵn và bình thường là bản tình ca vui vẻ và hạnh phúc

Niềm vui yên bình nhất trên thế gian này là lặng yên quan sát đất trời và nhân thế, rồi từ từ thưởng ngoạn sự hài hòa của chúng.

"Không màng hơn thua, ngắm hoa nở hoa tàn trước sân; Quên mình quên ta mặc ngoài kia mây cuộn mây vần". Đây là một cảnh giới, tâm thái và trạng thái. Làm thế nào để ôn hòa, nhã nhẵn và bình thường trở thành trạng thái thường nhật? Cần phải lắng đọng và tu luyện.

Không màng danh lợi, sống thanh tịnh để đi xa hơn. Đối với người thì ôn hòa, nhã nhặn, đối với danh thì yên lặng thủ thường, đối với lợi thì bình thường. Luôn giữ trạng thái ôn hòa và cái tâm thanh tịnh. Chỉ cần nhìn thấu, nghĩ thông, buông bỏ và quên đi những vật ngoài thân ắt sẽ yên bình, hạnh phúc.

Huy hoàng rực rỡ đến mấy cuối cùng cũng quay về bình thường, chỉ có bình bình thường thường mới là thật chất nhất.

8, Tự thức tỉnh, tự cảnh giác, tự kiểm điểm là "chuông báo" cho sức khỏe và bình an

Tâm như nguồn của nước, nguồn sạch thì nước sách, tâm chính thì sự chính.

Tự thức tỉnh, tự cảnh giác, tự kiểm điểm là cách để tự mình đánh thức mình. Thường xuyên đặt mình dưới kính hiển vi hoặc kính lúp để xem xét, kiểm tra chính mình. Như vậy mới có thể cẩn thận trước mọi việc, cẩn trọng mọi lúc mọi nơi, không dám lơ là trì hoãn.

Phải thường xuyên tự kiểm điểm chính mình mới có không ngừng hiệu chỉnh và sửa đổi bản thân, để không bị đi lệch hướng, đi sai hướng.

9, Tự tin, tự lập và tự cường là "gậy như ý" giúp bạn đạp gió rẽ sóng

Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường.

Người quý bởi tự tin. Những người tự tin thường có năng lực, xử lý mọi vấn đề một cách dễ dàng. Con người sống ở đời chỉ cần giương cao cánh buồn tự tin là có thể đạp gió rẽ sóng, tiến về phía trước. Tự tin được xây dựng trên cơ sở tự nhận thức đúng đắn, là biểu hiện bên ngoài của thực lực và khí phách.

Những người tự tin thường tự lập, tự chủ, tự cường. Dám làm chủ, tình nguyện làm chủ và có thể làm chủ khi gặp phải vấn đề khó khăn, quyết không thỏa hiệp và khuất phục trước mọi khó khăn trắc trở.

Tự tin, tự chủ và tự cường chính là định lực, chính là cây gậy như ý trên đường đời gian truân và đầy trắc trở.

10, Biết ơn, cảm ơn và báo ơn là gam màu nền trong đối nhân xử thế

"Chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng".

Đền ơn đáp nghĩa là đạo lý cơ bản trong văn hóa tuyền thống, là bản sắc tối thiểu trong đạo làm người làm việc. Đánh mất nó đồng nghĩa với việc đánh mất nền móng và điều kiện làm người, làm việc.

Con người ở đời, thường sẽ gặp những người có ơn với mình. Nhất là những người giúp đỡ mình trong những lúc khó khăn hoạn nạn.

Biết ơn, cảm ơn và báo ơn không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn phải được thể hiện trọng hành động. Hãy giúp đỡ người khác khi có thể, giúp người, giúp mình để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Ngọc Thủy

Báo Dân sinh

Trở lên trên