MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những 'gã khổng lồ' TMĐT đã hồi sinh ngành bán lẻ tại Trung Quốc như thế nào?

Theo dữ liệu tháng 6/2020 từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) tại Trung Quốc, doanh số bán lẻ đã giảm 1,8% so với năm trước, đạt mức 485,30 tỷ USD (3,33 nghìn tỷ RMB), tăng 1 điểm phần trăm so với tháng trước. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Trung Quốc không chỉ cần chuyển đổi cơ cấu hoạt động mà còn phải liên tục tạo ra những mô hình mua sắm trực tuyến mới, thân thiện với người dùng.

Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số và các nhà bán lẻ tại Trung Quốc đã liên tục tận dụng các nền tảng trực tuyến để kết nối với người tiêu dùng cũng như tập trung trong công cuộc phục hồi kinh tế.

Những tháng vừa qua, 'gã khổng lồ' thương mại điện tử JD.com đã hợp tác với một số thương hiệu như Budweiser, Gree tìm ra các sáng kiến nhằm mục đích thúc đẩy doanh số thông qua các trải nghiệm mua sắm trực tuyến.

Đồng thời, JD.com cũng hợp tác với các bảo tàng để cung cấp các tour du lịch trực tuyến, đi kèm với các cửa hành quà tặng trực tuyến khác.

Những gã khổng lồ TMĐT đã hồi sinh ngành bán lẻ tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 1.

Mới đây nhất, WeChat - ứng dụng do gã khổng lồ Tencent sở hữu đã ra mắt Minishop, cho phép mọi người thiết lập một cửa hàng trực tuyến mà không cần dựa vào bên thứ ba. Dịch vụ mới có thể giúp hợp lý hóa chi phí, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, đây cũng là công cụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động vận chuyển và logistic.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang làm rất tốt trong việc chuyển đổi hoạt động thương mại điện tử. Do thị trường Trung Quốc là một thị trường có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi sự đổi mới liên tục đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước cũng liên tục tạo ra các giao diện mới và thân thiện với người dùng, thúc đẩy người tiêu dùng tham gia vào thương mại điện tử.

Các 'gã khổng lồ' như Alibaba và Tencent cũng đã tạo ra các sáng kiến về kỹ thuật số, điển hình như các công cụ thanh toán kỹ thuật số hàng đầu. Điều này đã góp phần tăng trưởng trong thương mại điện tử, thúc đẩy mối quan hệ giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp phát triển kinh tế số.

Ước tính trong năm nay, 88,3% người dùng Internet tại Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ mua sắm trực tuyến, 41,2% tổng doanh số bán lẻ thuộc về các giao dịch trực tuyến. Khi so sánh với Hoa Kỳ, 82,4% người dùng internet ở Hoa Kỳ tham gia vào thương mại điện tử, tuy nhiên chỉ có 14,5% doanh số bán lẻ thuộc về các giao dịch trực tuyến. Nói cách khác, người tiêu dùng ở Trung Quốc ngày càng ưa chuộng việc mua sắm trực tuyến.

Những gã khổng lồ TMĐT đã hồi sinh ngành bán lẻ tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 2.

Bùng nổ về siêu thị trực tuyến và cơ hội việc làm

Tình hình các doanh nghiệp truyền thống tại Trung Quốc đang hết sức khó khăn. Tuy nhiên, thương mại điện tử, điển hình là các cửa hành tạp hóa, trái cây, rau quả đang bùng nổ; nhiều công việc liên quan mới đã xuất hiện trên thị trường.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối tháng 1, Li Xuejia, 35 tuổi, biên tập viên tạp chí tài chính ở Bắc Kinh, cho biết cô hầu như không đi đến các siêu thị xung quanh nhà để mua thực phẩm tươi sống. Tương tự như các mặt hàng khác, thực phẩm tươi sống có thể dễ dàng mua trực tuyến tại Trung Quốc.

Li giải thích: "Tôi hạn chế đi ra ngoài (để duy trì giãn cách xã hội) trong thời gian gần đây. Vì vậy khi cần mua rau, trái cây, sữa, thịt và gạo tươi, tôi chọn các nền tảng thực phẩm tươi trực tuyến như JD Daojia và Miss Fresh. Đồng thời, tôi cũng sử dụng dịch vụ giao hàng nhanh của họ, đây là tính năng giao hàng trong vòng 1 tiếng".

Tương tự như Li Xuejia, hàng trăm triệu người tiêu dùng Trung Quốc đã tin vào hiệu quả cũng như độ tin cậy của ngành dịch vụ trực tuyến mới nổi. Trong những tháng gần đây, nhu cầu giao hàng thực phẩm tươi tại Trung Quốc tăng mạnh.

Trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn Dada, nền tảng giao hàng và bán lẻ theo yêu cầu hàng đầu của Trung Quốc đã ghi nhận sự gia tăng nhu cầu về dịch vụ về các nhu yếu phẩm hàng ngày, bao gồm cửa hàng tạp hóa, sản phẩm tươi sống, chăm sóc sức khỏe và các sản phẩm gia dụng.

Từ đầu tháng 2, Dada đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm thiết yếu trên toàn quốc thông qua các đối tác với gần 40 thương hiệu bán lẻ như Walmart, Yonghui, Better Life, Aeon, Lotus, 7Fresh, Century Mart và 16 chuỗi bán lẻ sản phẩm tươi sống.

Dada cũng triển khai dịch vụ giao hàng không thông qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc thả các gói thức ăn hoặc các gói hàng khác tại một điểm, sau đó hẹn khách hàng xuống lấy hàng.

Giám đốc điều hành của JD Daojia - nền tảng bán lẻ theo yêu cầu của Dada, cho biết doanh thu bán hàng đã tăng đáng kinh ngạc, đạt 470% vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, với mức tiêu thụ rau quả tăng vọt 510%, trái cây tăng 300%, trứng tăng 770% và các sản phẩm sữa tăng 370%.

JD Daojia cũng đã mở rộng dịch vụ đến gần 20 thành phố trong năm nay, như Thiệu Hưng ở tỉnh Chiết Giang, Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam và Lệ Giang ở tỉnh Vân Nam. Người tiêu dùng ở các thành phố hạng ba và bốn hiện nay có thể sử dụng gói dịch vụ giao hàng trong một giờ được cung cấp bởi các doanh nghiệp bán lẻ theo yêu cầu.

Đồng thời, Dada cũng cho biết về kế hoạch tuyển dụng 17.000 người giao hàng và người nhận hàng. Vòng tuyển dụng đầu tiên sẽ bao gồm 10.000 giao hàng trong hơn 2.400 thành phố và quận trên cả nước.

Theo đó, JD Daojia sẽ hỗ trợ các đối tác bán lẻ, như Walmart, Yonghui, Better Life và các chuỗi siêu thị khác, tuyển dụng hơn 7.000 người nhận hàng, đóng gói sản phẩm và nhân viên cửa hàng khác tại hơn 30 thành phố trên toàn quốc.

Hợp tác TMĐT giữa Trung Quốc và ASEAN

Kinh doanh sầu riêng trên các nền tảng thương mại điện tử là một trong những câu chuyện thành công nhờ sự hợp tác kinh tế kỹ thuật số giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Thời gian qua, nền kinh tế số trong các nước ASEAN đã trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ giai đoạn đại dịch Covid-19 và dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục trong quá trình phục hồi sau đại dịch.

Những gã khổng lồ TMĐT đã hồi sinh ngành bán lẻ tại Trung Quốc như thế nào? - Ảnh 3.

Papai Mongkonkeaw, 62 tuổi, chủ trang trại sầu riêng ở Thái Lan, tỉnh Ray Ray, đã rất lo sợ về tình hình kinh doanh kể từ khi đại dịch bùng nổ vào đầu năm nay. Tuy nhiên, ông cho biết doanh số hiện tại thậm chí còn tốt hơn bình thường.

Ông nói thêm, sự bùng nổ bất ngờ trong hoạt động kinh doanh là do nhu cầu cao từ Trung Quốc, khi các 'gã khổng lồ' thương mại điện tử như Alibaba và JD.com đã mua hàng với số lượng lớn trong thời kỳ đại dịch.

Ông Papai chia sẽ với Tân Hoa Xã: "Giá sầu riêng tăng từ 60 đến 80 bahts (1,9 đến 2,5 đô la) mỗi kg vài năm trước lên 100 đến 130 bahts (3,2 đến 4,1 đô la) mỗi kg thời điểm hiện tại, nhờ các nền tảng thương mại điện tử. Công cụ này đã giúp sầu riêng Thái Lan phát triển sang thị trường Trung Quốc".

Câu chuyện về sầu riêng tại Thái Lan là một trong số rất nhiều các câu chuyện hợp tác thành công trên nền tảng kinh tế số giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Tại lễ khai mạc trực tuyến vào ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, ông Miao Wei cho biết Trung Quốc và ASEAN sẽ mở rộng hợp tác trong 5G, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như phòng chống dịch bệnh trên nền tảng kỹ thuật số hơn nữa.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên