MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những gam màu sáng tối đan xen bức tranh kinh tế toàn cầu

16-08-2024 - 17:13 PM | Tài chính quốc tế

Lần đầu tiên sau 3 năm, nền kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 đạt ngưỡng ổn định.

Kinh tế Mỹ đón nhận những tín hiệu lạc quan

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu công bố ngày 11/6/2024, World Bank dự báo nền kinh tế toàn cầu duy trì mức tăng trưởng ổn định 2,6% vào năm 2024, không thay đổi so với năm 2023. Con số này tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 của World Bank, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

CPI tháng 5 - chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ chỉ tăng có 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả hàng hoá chi tiêu sinh hoạt tại Mỹ đã hạ nhiệt. Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 5 của Mỹ cũng giảm 0,2% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0,1% từ các chuyên gia kinh tế.

Ngay cả lạm phát không bao gồm giá nhiên liệu và thực phẩm cũng đã hạ nhiệt. Nhưng nói như Chủ tịch FED thì "dữ liệu tháng 5 là 1 viên gạch trên đường đi đúng". Song đó chỉ là một bước chân đơn lẻ và người ta không thể ăn mừng vì đi đúng hướng một bước được".

Kinh tế châu Âu trên đà phục hồi

Sau năm 2023 đầy biến động, các chuyên gia kinh tế tin rằng năm 2024-2025 sẽ là giai đoạn chuyển mình cho nền kinh tế châu Âu, khi các thách thức lớn như lạm phát hay lãi suất đều giảm mạnh.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), tốc độ lạm phát hàng năm ở Eurozone sẽ giảm một nửa còn 2,7% trong năm 2024, từ mức 5,4% trong năm trước. Trong năm 2025, dự báo nền kinh tế châu Âu sẽ tăng tốc với mức tăng 1,5% ở Eurozone và 1,7% ở EU.

Những gam màu sáng tối đan xen bức tranh kinh tế toàn cầu- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: AP)

Ông Paolo Gentiloni – Cao Uỷ phụ trách vấn đề kinh tế của EU, nhận định: "Tốc độ tăng trưởng vào đầu năm 2024 sẽ chưa ổn định. Tuy nhiên, đà phục hồi sẽ mạnh dần lên nhờ giá cả tăng chậm lại, tiền lương thực tế tăng, và thị trường lao động khá mạnh. Lạm phát cũng sẽ giảm do giá năng lượng và các hàng hoá cơ bản khác giảm nhanh hơn so với sự kiến".

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP năm 2024 của khu vực Eurozone dự báo đạt 0,7%, cao hơn mức 0,4% của năm 2023. Giảm áp lực về giá giúp tăng tiền lương thực tế và nâng thu nhập khả dụng. Tuy nhiên, khu vực sẽ có thể chịu ảnh hưởng từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ trước.

Kinh tế Nga tăng trưởng bất chấp việc bị phương Tây cô lập

Ngày 19/5/2024, đài RT dẫn báo cáo của Cơ quan thống kê Liên bang Nga (Rosstat) cho biết, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng ấn tượng trong quý đầu tiên của năm 2024, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2024 của Nga tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nga chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu bán lẻ (tăng 10,5%), sản xuất (tăng 8,8%) và xây dựng (3,5%) trong 3 tháng đầu năm nay.

Dữ liệu của Rosstat phù hợp với ước tính trước đó của Bộ Kinh tế, nhưng vượt quá ước tính của Ngân hàng Trung ương Nga (tăng trưởng 4,6%) và kỳ vọng của các nhà phân tích (5,3%). Trước đó, hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả nền kinh tế tiên tiến trong năm 2024. GDP của Nga được dự đoán sẽ tăng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).

Những thách thức đối với kinh tế toàn cầu

Nhưng trong báo cáo của World Bank cũng chỉ ra rằng kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng rất chậm. Cụ thể, con số tăng trưởng GDP toàn cầu 2,6% dự kiến của năm nay thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,1% trong thập kỷ trước đại dịch. Trong đó, kinh tế Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, nền kinh tế nước này trong quý II đã đạt mức tăng trưởng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vẫn khá tích cực, con số này thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,3% trong quý I và mức dự báo 5,1% được các chuyên gia đưa ra. Sự giảm tốc này cho thấy, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều sức ép, trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong cả năm nay.

Nhu cầu nội địa vẫn còn yếu, đang là thách thức lớn với nền kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã chậm lại đáng kể, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức dự báo trong khi lạm phát vẫn ở mức thấp. Những khó khăn trên thị trường bất động sản đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

Những gam màu sáng tối đan xen bức tranh kinh tế toàn cầu- Ảnh 2.

Trung Quốc – nền kinh tế thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại - (Ảnh: AFP)

Từ tình hình thực tế của nền kinh tế thứ hai thế giới, có thể thấy các nền kinh tế khác nhau cũng sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau, sau một giai đoạn kinh tế toàn cầu bị chững lại.

Giới chức World Bank cảnh báo có thể thế giới đang đi trên làn chậm của con đường phục hồi, không phải đường cao tốc. Ngay cả trong câu chuyện hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế, các ngân hàng trung ương lớn cũng không có quá nhiều cơ hội để làm điều đó trong năm nay.

Ngoài ra, còn một mối nguy cơ nữa mang tên cuộc chiến thương mại, mà mới nhất có thể là nổ ra giữa Trung Quốc và EU. Đây đang là những cơn gió ngược lớn nhất đối với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức 3,5% trong năm nay và 2,9% vào năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ giảm là không đều và chậm hơn so với dự báo đưa ra cách đây 6 tháng, cản trở đáng kể nỗ lực cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Một thách thức lớn khác là căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng. Chính phủ Mỹ hồi tháng trước đã tuyên bố tăng thuế đối với 18 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) mới đây cũng tuyên bố áp dụng các mức thuế bổ sung lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Các động thái này nhiều khả năng sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa từ phía Bắc Kinh.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sự gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, đặc biệt là giữa Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ gây tổn hại lớn cho kinh tế toàn cầu. Trong trường hợp xấu nhất, xung đột thương mại có thể khiến kinh tế thế giới thiệt hại 7% GDP.

Theo Đàm Linh

VTV

Trở lên trên