Những gương mặt bí ẩn phía sau chương trình tên lửa của Triều Tiên
Sau mỗi lần thử nghiệm tên lửa thành công, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thường cười và ôm ba người đàn ông để ăn mừng, hé lộ những gương mặt bí ẩn phía sau chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
- 22-05-2017Toàn cảnh vụ thử tên lửa đạn đạo lần thứ 2 liên tiếp của Triều Tiên
- 21-05-2017NÓNG: Triều Tiên thử tên lửa, có thể là ICBM, tân Tổng thống Hàn Quốc triệu tập họp khẩn
- 20-05-2017Triều Tiên cảnh báo Nhật Bản sẽ phải gánh chịu hậu quả khủng khiếp
- 20-05-2017Triều Tiên công bố video về âm mưu sát hại ông Kim Jong-un
- 19-05-2017Triều Tiên duy trì nền kinh tế như thế nào trước các lệnh trừng phạt của thế giới trong nhiều năm liền?
Bộ ba bí ẩn bị tình báo phương Tây theo sát
Ba người đàn ông được nhà lãnh đạo Kim Jong Un sủng ái chính là những nhân vật góp vai trò quan trọng nhất trong nỗ lực đẩy nhanh chương trình tên lửa của Triều Tiên. Họ là Ri Pyong Chol, cựu tướng không quân cấp cao; Kim Jong Sik, một nhà khoa học tên lửa kỳ cựu và Jang Chang Ha, người đứng đầu trung tâm mua sắm và phát triển vũ khí.
Ảnh trên báo chí và những đoạn video phát trên truyền hình cho thấy đây là những người rất được nhà lãnh đạo Triều Tiên sủng ái. Họ được tiếp cận gần với nhà lãnh đạo và tư thế cũng rất khác so với phần còn lại của đất nước bí ẩn - hầu hết là cúi đầu và nắm tay khi được gặp gỡ hay nói chuyện với nhà lãnh đạo trẻ tuổi.
Thậm chí, đài truyền hình quốc gia Triều Tiên còn phát đi hình ảnh hai trong số 3 nhân vật bí ẩn này có vinh dự bay cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trên chiếc chuyên cơ Goshawk-1, được đặt theo tên Quốc điểu của Triều Tiên. Ngoài ra, bộ ba này còn sở hữu tất cả những loại bằng khen trong lĩnh vực khoa học và quân sự bởi vai trò không thể thiếu của họ với chương trình vũ khí của Triều Tiên.
Bộ ba bí ẩn gồm Ri Pyong Chol (thứ 2 từ trái), Kim Jong Sik (giữa) và Jang Chang Ha (thứ 2 từ phải).
Tuy nhiên, ngoài những ân sủng lớn của nhà lãnh đạo, bộ ba này cũng là trọng tâm theo dõi, giám sát của tình báo và các cơ quan an ninh của Hàn Quốc và phương Tây.
Một sĩ quan đào ngũ sang Hàn Quốc cho biết: “Thay vì các quan chức, Kim Jong Un giữ các chuyên gia kỹ thuật bên mình để có thể liên hệ trực tiếp, thúc giục họ đẩy nhanh các chương trình vũ khí. Điều này phản ánh sự cấp bách của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong việc thúc đẩy phát triển chương trình tên lửa”.
Trong khi đó, thông tin tình báo cũng cho thấy Kim Jong Sik và Jang Chang Ha không xuất thân từ các gia đình danh giá ở Triều Tiên như một số nhà lãnh đạo cấp cao khác. Trong khi đó, Ri Pyong Chol được coi trọng hơn ở trường lớp nhưng đích thân nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã chọn ông và hai người còn lại để đẩy nhanh chương trình tên lửa.
Một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đang xây dựng một thế hệ mới, khác biệt với những gì cha ông đã làm.
Chân dung lãnh đạo của bộ ba bí ẩn
Theo các chuyên gia về Triều Tiên, Ri Pyong Chol là người nổi bật nhất trong bộ ba. Hàn Quốc và Bộ tài chính Mỹ cho rằng Ri Pyong Chol là người đứng sau Bộ Công nghiệp Quân nhu của đảng Lao động Triều Tiên, cơ quan giám sát việc phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của đất nước. Ri được bổ nhiệm vào vị trí này cuối năm ngoái.
Ri Pyong Chol (trái) được sự ưu ái từ nhà lãnh đạo kim Jong Un (giữa).
Năm 2010, Bộ Tài chính Mỹ đưa tên của cơ quan này vào danh sách đen.
Sinh năm 1948, Ri Pyong Chol từng được đào tạo ở Nga. Trước khi được nhà lãnh đạo Kim Jong Un thăng chức, Ri bắt đầu sự nghiệp bằng việc vượt qua những cấp bậc thấp khác trước khi phụ trách không quân. Nhân vật này cũng từ thăm Nga hai lần và thăm Trung Quốc một lần, trong đó có cuộc gặp năm 2008 với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong tư cách chỉ huy không quân. Năm 2011, Ri từng tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Il tới thăm nhà máy sản xuất chiến đấu cơ của Nga.
Ông Kim Jin-moo, chuyên gia phân tích về chính phủ Triều Tiên, nhấn mạnh: “Ri giống như một linh hồn của chương trình tên lửa Triều Tiên”. Trong khi đó, Michael Madden, chuyên gia về giới lãnh đạo Triều Tiên, cũng cho rằng Ri là người đứng đầu trong bộ ba bí ẩn.
Những gương mặt còn lại
Kim Jong Sik là nhà khoa học tên lửa. Theo các chuyên gia và chính phủ Hàn Quốc, Kim Jong Sik bắt đầu sự nghiệp trong vai trò một kỹ thuật viên hàng không dân dụng. Hiện tại, Kim Jong Sik đang khoác trên mình bộ quân phục cấp tướng của Bộ Công nghiệp Đạn dược Triều Tiên. Sau vụ phóng tên lửa thành công năm 2012, vai trò của Kim Jong Sik chính thức được công nhận.
Khi quả tên lửa đầu tiên bay lên tới quỹ đạo trái đất cũng là lúc Kim Jong Sik nhận được sự tin tưởng từ giới lãnh đạo Triều Tiên. Từ đó tới nay, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên tiếp tục được phát triển dưới sự tin tưởng của nhà lãnh đạo trẻ tuổi.
Năm ngoái, Kim Jong Sik đã tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un qua phòng điều khiển trước thời điểm phóng tên lửa tầm xa. Nhân vật này còn bay cùng chuyên cơ với nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng như đi phía sau ông trên thảm đỏ và nhận hoa chúc mừng từ các quan chức cấp cao khác.
Tuy nhiên, đó là những gì thế giới biết về Kim Jong Sik. Những thông tin khác, kể cả năm sinh của ông, vẫn nằm trong bí mật.
Nhân vật còn lại nhưng ít được nhắc tới hơn trong bộ ba là Jang Chang Ha, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng, trước đây gọi là Học viện Khoa học Tự nhiên số 2 của Triều Tiên. Cơ quan này phụ trách nghiên cứu và phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa và vũ khí hạt nhân. Học viện này có 15.000 nhân viên, trong đó có khoảng 3.000 kỹ sư tên lửa.
Năm 2010, cơ quan này cũng bị đưa vào danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ. Theo phía Mỹ, nhiệm vụ của cơ quan này là nhận công nghệ, thiết bị và thông tin từ nước ngoài để phát triển chương trình vũ khí của Triều Tiên. Theo phía Hàn Quốc, Jang cũng nằm trong danh sách đen của Mỹ từ tháng 12/2016.
Năm 2000, Triều Tiên cũng xây dựng bộ ba nhằm phát triển chương trình vũ khí sau khi bị cấm vận. Tuy nhiên, một trong 3 người đã chết. Hai người còn lại già yếu và đã không xuất hiện từ lâu. Vai trò của họ đượng bộ ba mới của nhà lãnh đạo Kim Jong Un thay thế.