Những hàng hóa nguyên liệu nào là "nạn nhân" chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19?
Dịch COVID-19 liên tiếp lan rộng trên khắp toàn cầu đã tác động mạnh lên hầu hết các mặt hàng khoáng sản.
- 16-03-2020Giá dầu tiếp tục trượt dốc, xuống sát 30 USD/thùng khi dịch bệnh đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu
- 15-03-2020Vàng vừa trải qua tuần giảm mạnh nhất 37 năm, nhưng đây là 3 lý do sẽ kéo tài sản này sớm tăng giá trở lại
- 14-03-2020Giá dầu sẽ xuống dưới 30 USD/thùng?
Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới (COVID-19) đang lan nhanh ở các nước ngoài Trung Quốc, đến hết ngày 18/3 đã có hơn 198.000 người nhiễm, trong đó gần 8.000 ca tử vong.
Với sự lan rộng trên phạm vi toàn cầu, COVID-19 đang làm ‘rung chuyển’ thị trường tài chính và dầu mỏ, các nhà đầu tư đã đổ xô đi mua vàng vì xem đây là một nơi trú ẩn an toàn. Mặc dù thị trường vàng cũng lắm thăng trầm, song rõ ràng mặt hàng bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại chính là dầu mỏ, bởi nó khiến cho cung vượt cầu.
Dầu mỏ
Nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu sụt giảm do COVID-19 buộc nhiều Chính phủ phải ra lệnh cấm hoặc hạn chế việc đi lại, đồng thời khiến cho hoạt động sản xuất bị gián đoạn ở nhiều nơi, thậm chí bị ngừng hoàn toàn trong thời gian dài.
Giữa bối cảnh đó, Saudi Arabia và Nga – hai nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới – bắt đầu ‘cuộc chiến dầu mỏ’ sau khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu (OPEC) và Nga không đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ.
Hậu quả là giá dầu đã giảm hơn 30% trong phiên 9/3/2020, ngay khi thị trường vừa mở cửa, với hợp đồng dầu thô Brent xuống chỉ 31,02 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng hơn 4 năm. Tỷ lệ giảm giá ở phiên này là lớn nhất kể từ cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Những phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu biến động rất mạnh, tăng hơn 10% ở phiên sau đó (10/3) nhưng giảm tổng cộng 11% trong hai phiên 11 và 12/3 để kết thúc tuần 9-13/3 mất tổng cộng 25% đối với dầu Brent và 23% đối với dầu WTI; chốt tuần ở lần lượt 33,85 USD/thùng và 31,73 USD/thùng. Sang 2 phiên đầu tuần này giá dầu tiếp tục rớt sâu và về dưới 30 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2003.
Vàng
Trong khi các thị trường dầu và chứng khoán lao dốc thì vàng lại trở nên ‘lấp lánh’ trong mắt nhà đầu tư vì là nơi trú ẩn an toàn giữa ‘bão COVID-19’.
Suốt từ tháng 9 đến đầu tháng 11/2019, giá vàng quanh quẩn ở mức 1.490 – 1.500 USD/ounce, sau đó giảm xuống khoảng 1.450 USD/ounce vào tháng 11/2020, duy trì ở mức đó cho tới tháng 1/2020.
Tuy nhiên, kể từ tháng 1/2020, dịch COVID-19 đã khiến giá vàng lao vụt lên nhanh chóng, đạt đỉnh cao 1.702,56 USD/ounce trong phiên 9/3/2020.
Mặc dù sau đó giá đã giảm trở lại, nhưng lý do chủ yếu vì nhà đầu tư bán chốt lời, hoặc bán để bù lỗ ở những thị trường khác, giữa bối cảnh thanh khoản của thị trường vàng đang rất tốt nên việc bán vàng là cách nhanh chóng nhất để tăng tiền mặt trong những lúc cần thiết.
Bạc
Bạc thường được coi là kim loại ‘chị em’ của vàng, khi thường có diễn biến cùng chiều nhau. Giá bạc đã tăng từ mức 16,6 USD/ounce tháng 12/2019 lên 18,62 USD/ounce vào cuối tháng 2/2020. Cũng giống như vàng, giá bạc sau đó đã có sự điều chỉnh đến phiên 17/3 chỉ còn 12,7 USD/ounce.
Đồng
Bước sang năm 2020, giá đồng được dự báo là sẽ hồi phục mạnh mẽ. Nhưng thực tế hoàn toàn khác do sự lây lan của COVID-19 khiến các nhà máy ở khắp Trung Quốc phải nghỉ kéo dài sau Tết cổ truyền, giữa bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu cũng chậm lại do dịch bệnh này.
Lượng đồng lưu kho trên sàn London đã tăng từ 125.000 tấn vào giữa tháng 1/2020 lên 190.000 tấn gần đây. Tồn kho tăng và số người nhiễm virus cũng tăng đã ép giá đồng xuống mức 5.482 USD/tấn trong phiên 9/3/2020, thấp nhất trong vòng gần 3 năm và tiếp tục giảm trong những phiên sau đó.
Trong mấy năm gần đây, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến giá đồng bị ép giảm một cách ‘giả tạo’, giống một số kim loại cơ bản khác như nickel. Thỏa thuận giai đoạn 1 giữa 2 nước được ký kết đem lại kỳ vọng năm 2020 thị trường này sẽ khởi sắc. Giá đồng do đó đã hồi phục lên 6.275,5 USD/tấn vào giữa tháng 1/2020, trước khi lại bị COVID-19 nhấn chìm một lần nữa.
Nickel
Giá nickel cũng được hy vọng sẽ khởi sắc trong năm 2020 khi nguồn cung sụt giảm mà nhu cầu lại tăng. Tuy nhiên, mặc dù nguồn cung vẫn khan hiếm, song việc các sơ sở sản xuất ngừng hoạt động do COVID-19 đã khiến tiêu thụ giảm sút và triển vọng thị trường trở nên thiếu sự chắc chắn. Kết quả là lượng nickel lưu kho trên sàn London tăng từ 156.378 tấn vào đầu tháng 1/2020 lên 235.368 tấn trong tháng 2/2020.
Do đó, giá nickel đã giảm từ 14.285 USD/tấn vào giữa tháng 1/2020 xuống chỉ 12.155 USD/tấn trong ngày 28/2/2020.
Vài ngày gần đây, thị trường nickel có dấu hiệu khan hiếm trở lại khi lượng lưu kho ở LME giảm nhẹ xuống 234.666 tấn, có thể do các nhà máy ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại.
Kẽm
Nhu cầu kẽm cũng chịu tác động từ COVID-19 nhưng có độ trễ hơn so với các kim loại khác nên lượng kẽm lưu kho trên sàn London giảm từ 51.125 tấn vào ngày 2/1/2020 xuống còn 49.625 tấn vào đầu tháng 2/2020. Tuy nhiên, sau đó lượng lưu khó bắt đầu tăng mạnh, lên 75.275 tấn vào cuối tháng 2/2020 trước khi giảm nhẹ xuống 75.225 tấn trong tuần này.
Cũng giống các kim loại cơ bản khác, giá kẽm giảm từ 2.466 USD/tấn ngày 22/1/2020 xuống 1.925 USD/tấn ngày 9/3/2020 và vẫn giảm tiếp đến nay.
Chì
Không nằm ngoài xu hướng chung, lượng chì lưu kho trên sàn LME tăng đều từ 66.100 tấn vào đầu tháng 1/2020 lên 68.100 tấn vào cuối tháng 2/2020 và ngày 11/3 đạt 70.300 tấn.
Về diễn biến giá, sau khi nhích dần lên ở đầu năm 2020, kim loại này đạt 2.026 USD/tấn vào ngày 16/1/2020, nhưng đã lao dốc xuống 1.809,5 USD/tấn vào giữa tháng 2/2020. Kể từ đó, giá không ngừng biến động, phiên 13/3 ở mức 1.743 USD/tấn.
Là một khoáng sản dùng trong sản xuất ắc quy, cobalt được giao dịch trên sàn London và có xu hướng biến động riêng trong 2 tháng qua.
Bất chấp ‘cơn gió ngược COVID-19’ lượng cobalt lưu kho trên sàn London giảm từ 668 tấn ngày 2/1 xuống 645 tấn ngày 12/3, cho thấy nhu cầu đối với kim loại này vẫn được duy trì.
Tuy nhiên, giá cobalt lại không phản ánh điều đó, khi ở mức 31.000 USD/tấn vào ngày 12/3/2020, so với mức 34.250 USD/tấn hồi đầu tháng 2/2020. Mặc dù vậy, mức 31.000 USD/tấn là đúng bằng giá hồi đầu năm 2020.
Đây là 2 kim loại cũng dùng trong sản xuất ắc quy, được mua và bán dựa trên thỏa thuận cá nhân giữa người sản xuất và các bên liên quan.
LME hiện đang sử dụng giá Fastmarkets cho hóa chất lithium để tham khảo. Giá đó từ tháng 2 tới nay chưa có sự thay đổi nào, hiện ở mức 8,75 USD/kg. Tương tự, giá tham chiếu Fastmarkets của mặt hàng hydroxit lithium cũng không thay đổi kể từ thời điểm đó, là 10,25 USD/kg.
Tham khảo: Smallcaps, World Economic Forum