Những hệ luỵ đến từ lạm phát dưới góc nhìn của bất động sản
Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, bình quân 2 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 1,68% so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ba nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát trong năm 2022 bao gồm tổng cầu tăng đột biến trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi sau đại dịch; sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nguyên vật liệu nhập khẩu; và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2022, Quốc hội Việt Nam đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%. Vào thời điểm tháng 1, đây được là mục tiêu được đánh giá hoàn toàn "trong tầm tay" của Việt Nam. Tuy nhiên, sau những biến động bất ngờ của tình hình kinh tế - chính trị thế giới, mục tiêu này trở thành một sức ép không hề nhỏ.
Theo ông Lê Quốc Kiên, nhà đầu tư kì cựu tại Tp.HCM, trong 2022 nguồn cung nhà xây sẵn sẽ giảm, cộng với lạm phát thì giá nhà liền thổ tại các khu vực dân cư ổn định sẽ tăng khó dưới 20%, nhu cầu mua đất bỏ không sẽ cao hơn nhu cầu mua nhà xây sẵn. Nhà đất xây sẵn nếu muốn thu hút được người mua cần phải có những điểm nhấn thật sự khác biệt về vị trí, tiềm năng tăng giá, thiết kế đẹp lạ đẳng cấp, chất lượng xây dựng, khả năng kinh doanh tạo thu nhập,..
Việc các chi phí đầu vào tăng, khiến giá BĐS tiếp tục đà tăng cũng là hệ luỵ dễ nhìn thấy. Giá tăng mạnh khiến nhu cầu sở hữu BĐS của người dân ngày càng xa vời, đồng thời tác động đến nhu cầu của một nhóm nhà đầu tư trên thị trường. Một chuyên gia trong ngành cho hay, không riêng gì nhà thầu, các chủ đầu tư cũng đang phải vật lộn với nỗi lo tăng giá trước bối cảnh lạm phát. Suy cho cùng, gánh nặng về giá sẽ bị đẩy sang người mua bằng cách định hình đơn giá mới.
Còn theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, Ở góc độ vĩ mô, giá bất động sản tăng quá cao cũng làm ảnh hưởng đến sự hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài trong việc mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Khi lạm phát, phân khúc bất động sản thương mại cũng phải đẩy giá dịch vụ, trong khi khả năng chi trả của doanh nghiệp còn hạn chế sau đại dịch Covid-19.
"Trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam được đánh giá sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát", TS Khương nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, khi lạm phát diễn ra, mặc dù giá bất động sản tăng lên nhưng thị trường không có khả năng mua, tính thanh khoản không có. Đồng thời, nhiều nhà đầu tư cũng dùng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, khiến tài sản có thanh khoản thấp trở thành một gánh nặng lớn cho họ cũng như gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.
Theo đó, đối với các nhà đầu tư, TS Khương cho rằng, trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.
Theo các chuyên gia trong ngành, nếu giá nguyên vật liệu xây dựng tăng thì người mua sẽ là người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự lạm phát. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất để kết luận rằng nếu có lạm phát thì giá nhà sẽ tăng. Nếu Ngân hàng Nhà nước tăng nguồn cung tiền cho nền kinh tế của một quốc gia, một trong những nguyên nhân lớn gây ra lạm phát, giá nhà cũng sẽ tăng theo.
Cùng với đó, lạm phát cũng sẽ ảnh hưởng đến các khoản nợ. Cụ thể, nếu tỷ lệ lạm phát tăng, việc vay tiền sẽ khó hơn. Khi lãi suất tăng, nhiều người có thể không vay được tiền, vì vậy số lượng nhà đất được mua thông qua những khoản vay thế chấp sẽ ít hơn. Điều này ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của một nền kinh tế.
Giá thuê bất động sản có xu hướng tăng theo tỷ lệ lạm phát cũng là một trong hệ luỵ dễ thấy. Nhìn chung, theo các chuyên gia, lạm phát sẽ gây ra cả những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến thị trường bất động sản.