MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những hiệp định, chính sách nào gắn kết kinh tế Việt Nam - Nhật Bản?

Việc Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước dịch chuyển sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc phát triển chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Hiệp định thương mại

Với quan hệ ngoại giao bền chặt, tiếp đà của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA có hiệu lực năm 2013), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA có hiệu lực từ T10/2009), Hiệp định đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (ẠCEP có hiệu lực từ năm 2007) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019) quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được thúc đẩy mạnh mẽ, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong năm 2019 đạt 39,9 tỷ USD.

Năm 2019 là năm hiệp định CPTPP có hiệu lực, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay khi có hiệu lực đối với 86% dòng thuế (tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản), 90% dòng thuế sau 5 năm, Nhật Bản sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của nước ta. Xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt 20,4 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm 2018, nhập khẩu của Việt Nam sang Nhật năm 2019 đạt 19,5 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2018. Việt Nam xuất siêu sang Nhật bản khoảng 722 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nhật đều tăng so với năm 2018. Cụ thể Hàng dệt may (đạt 4 tỷ USD, tăng 4,7%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (đạt 2,6 tỷ USD, tăng 4.1%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (đạt 1,94 tỷ USD, tăng 5,6%); Hàng thủy sản (đạt 1,46 tỷ USD, tăng 5,8%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (đạt 1,33 tỷ USD, tăng 15,6%); Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 1,03 tỷ USD, tăng 26,5%); Giày dép các loại (đạt 973,5 triệu USD, tăng 14,2%).

Thống kê sơ bộ 9 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật đạt 28,6 tỷ USD. Nhật Bản cũng là một trong 4 thị trường có kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 10 tỷ USD. Dư địa để tăng trưởng vẫn còn khi nhập khẩu Việt Nam từ Nhật Bản chỉ chiếm 7,71% tổng kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu chỉ chiếm 7,69% tổng xuất khẩu.

Chính sách đầu tư

Chính phủ Nhật Bản đang có xu hướng thay đổi chính sách đầu tư để thu hút số vốn 300 tỷ USD vào năm 2020. Do đó, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam bắt đầu hiện diện tại thị trường lâu đời này.

Đáng chú ý là FPT Việt Nam - công ty khoa học công nghệ đã và đang hoạt động hiệu quả tại Nhật Bản. Tương tự, các công ty có vốn đầu tư của Việt Nam cũng cố gắng tích cực mở rộng quy mô.

Ở chiều ngược lại, theo khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) vào tháng 2/2020, có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản được hỏi mong muốn đầu tư vào Việt Nam và 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vào tháng 4 Chính phủ Nhật Bản triển khai chương trình trị giá 23,5 tỷ Yên (220 triệu USD) "Hỗ trợ đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ngoài" và kết thúc vào tháng 6/2020. Trong số 30 doanh nghiệp đầu tiên được chọn có đến 15 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế như găng tay, mặt nạ, áo choàng y tế, vải y tế, linh kiện động cơ. Chương trình nhằm khuyến khích các nhà sản xuất Nhật Bản chuyển cơ sở sản xuất từ nước ngoài đến Đông Nam Á, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn bởi đại dịch Covid-19.

Theo Nikkei, tới đây Nhật Bản sẽ trợ cấp doanh nghiệp sang Đông Nam Á lần 2. Đối tượng hướng đến là những doanh nghiệp có xu hướng tập trung sản xuất ở một quốc gia cụ thể, với mục đích giúp các công ty đa dạng hóa hoạt động ở nước ngoài. 

Thủ tướng Yoshihide Suga đang có chuyến công du ASEAN (đang thăm Việt Nam), được sử dụng để kêu gọi các biện pháp thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á, các kế hoạch liên quan đến việc rút khỏi một quốc gia sẽ bị loại trừ. Chính phủ sẽ có thể dành một khoản tiền đáng kể để hỗ trợ các doanh nghiệp, đánh dấu tầm quan trọng của Việt Nam

Việc Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước dịch chuyển sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng sản xuất tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào việc phát triển chuỗi cung ứng của Việt Nam. 

Việt Nam ngày càng hoàn thiện và thu hút đầu tư hơn trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là ngành điện tử và ngành sản xuất ô tô và là bước đầu trong việc nội địa hóa hai ngành này. Có thể nói, các doanh nghiệp Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Liên Nguyễn

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên