MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những karoshi làm việc cho tới chết và bi kịch đổi mạng sống lấy sự thịnh vượng ở hai nền kinh tế hàng đầu châu Á

16-12-2016 - 13:12 PM | Tài chính quốc tế

“Tạm biệt mẹ yêu quý của con. Cuộc sống, công việc và mọi thứ đều thật đớn đau”, thiếu nữ trẻ để lại tin nhắn tuyệt mệnh cho mẹ trước khi gieo mình xuống từ ký túc xá cao tầng tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Những dòng thông điệp đau đớn và tuyệt vọng trên mạng xã hội

Ngày 25/12/2015, nữ nhân viên văn phòng Matsuri Takahashi gieo mình tự tử sau khi nhắn tin cho mẹ. Cô nhảy xuống từ khu ký túc xá dành cho nhân viên của Dentsu, công ty quảng cáo lớn nhất của nước Nhật. Theo thỏa thuận, cô gái 24 tuổi chỉ phải làm tổng cộng 70 giờ mỗi tuần nhưng trên thực tế, cô đã phải làm tới 100 giờ/tuần.

Cô gái trẻ viết lại những ngày đau đớn trên mạng xã hội Twitter. “Người ta dùng những từ ngữ nặng nề để nói về tập tài liệu mà tôi dành cả ngày để soạn ra. Cơ thể và trái tim tôi hoàn toàn bị phá hủy”, một trong những dòng tweet của Takahashi nói về những áp lực thường ngày.

Trường hợp của Matsuri Takahashi đã được chính thức công nhận là Karoshi – làm việc tới chết.

Công ty Dentsu nổi tiếng với văn hóa làm việc đòi hỏi cao. Các nhân viên của công ty thường phải làm mọi thứ nhằm thỏa mãn các yêu cầu của khách hàng bởi tiêu chí của họ là “Khách hàng là trên hết”. Một nhân viên 50 tuổi, người từng làm việc ở Dentsu từ những năm 1980, chia sẻ: “Tôi dành hầu hết thời gian của mình ở văn phòng hay đài truyền hình. Tôi chẳng có nhiều thời gian về nhà”.


Làm việc quá sức là vấn nạn không chỉ ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Làm việc quá sức là vấn nạn không chỉ ở Nhật Bản. Ảnh: Kyodo

Dentsu là doanh nghiệp tiếng tăm hàng đầu ở Nhật Bản. Họ có mối liên kết với giới truyền thông và cả chính phủ. Đây cũng là công ty trả lương cao hàng đầu tại Nhật và là thỏi nam châm thu hút sinh viên tốt nghiệp từ những đại học danh tiếng nhất. Với khoảng 7.000 nhân viên, Dentsu có những ảnh hưởng lớn với xã hội Nhật Bản.

Tuy nhiên, sự ra đời của quảng cáo truyền thông mạng xã hội và Internet đã ảnh hưởng tiêu cực đến quảng cáo truyền thống. Việc sử dụng con người để phụ trách các khách hàng đã không còn mang lại lợi thế. Quảng cáo Internet cần sự tinh chỉnh và cập nhật liên tục để đáp ứng thị hiếu khách hàng thông qua những dữ liệu phản hồi. Nó kéo theo công sức rất lớn dù hiệu quả và lợi nhuận không thực sự cao như quảng cáo thông thường. Takahashi là nhân sự của bộ phận quảng cáo Internet của Dentsu.

Quảng cáo truyền hình vẫn là lĩnh vực chủ chốt của Dentsu với 44% doanh thu trong năm 2015. Chính vì thế, những người làm trong lĩnh vực này thường có tiếng nói lớn trong công ty dù họ cũng chẳng hiểu nhiều về quảng cáo kỹ thuật số và thường đưa ra những đòi hỏi không phù hợp hoặc không rõ ràng. Với những nhân viên luôn nỗ lực hết sức để đáp ứng kỳ vọng của ông chủ, làm việc tới kiệt sức là lựa chọn duy nhất của họ.

Sau khi mẹ của Takahashi công khai về vụ tự tử của con gái hồi tháng 10 vừa qua, Dentsu đã cấm nhân viên ở lại văn phòng sau 22h. Tuy nhiên, nỗ lực thay đổi văn hóa đã bén rễ sâu vào các hoạt động của Dentsu không dễ dàng thay đổi. Dù không ép nhân viên làm thêm giờ nhưng bản thân họ vẫn phải thực hiện những điều đó nhằm duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng.

Nhưng cái chết của Takahashi không hoàn toàn vô nghĩa. Những dòng tweet tuyệt vọng của cô trên mạng xã hội giúp tạo ra cái nhìn tốt hơn và thực trạng làm việc tới chết ở Nhật Bản dùng Karoshi không phải điều mới.

Chuyện không chỉ của Nhật Bản

Theo Bộ Lao động Nhật Bản, có 96 người thiệt mạng vì tình trạng được gọi là làm việc quá sức trong giai đoạn từ tháng 3/2015 đến tháng 3/2016. Trong số đó, có 93 người tự tử hoặc cố gắng tự tử được công nhận là Karoshi. Thuật ngữ này không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn được đưa vào từ điển tiếng Anh để chỉ tình trạng làm việc tới chết.

Dù về tình tiết có thể khác nhau nhưng các nước châu Âu cũng đang phải vật lộn với vấn đề làm việc quá sức. Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế, 32% người lao động Hàn Quốc làm việc hơn 49 giờ/tuần. Tỷ lệ này ở Hồng Kông là 30%, Singapore là 25% và Nhật Bản là 21%. Ở phương Tây, 16% người Mỹ và 10% người Pháp cũng đang phải đối mặt với tình trạng này.


Bản đồ mô tả số người phải làm việc trên 49 giờ/tuần ở một số quốc gia. Ảnh: Nikkei

Bản đồ mô tả số người phải làm việc trên 49 giờ/tuần ở một số quốc gia. Ảnh: Nikkei

Ngày 13/12/2015, Li, một chuyên viên cao cấp của Tập đoàn Tencent, đột ngột tử vong khi đang đi dạo với vợ gần nhà. Vài tuần trước khi qua đời, Li viết trên mạng xã hội về việc mình sắp trở thành cha. “Tôi sắp trở thành một người cha và tôi hi vọng con mình sẽ khỏe mạnh”, Li viết mà không ngờ mình không có cơ hội gặp con khi đứa trẻ chào đời.

Tencent là công ty tư nhân phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc. Nó nổi tiếng với ứng dụng WeChat và có giá trị vốn hóa 230 tỷ USD trên thị trường chứng khoán, vượt qua cả Toyota Motor, hãng xe lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Li là nhân vật trung tâm trong sự phát triển mạnh mẽ của Tencent. Các đồng nghiệp của Li đều tin rằng anh qua đời vì làm việc quá sức.

Cái chết của Li tạp ra một làn sóng tại Tencent, nơi các đồng nghiệp của anh cùng ký đơn nhằm yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc. Họ muốn công ty nghĩ nhiều hơn tới việc đáp ứng các nhu cầu cá nhân và chăm sóc tinh thần cho người lao động cũng như cho phép họ rời văn phòng về nhà lúc 20h.


Có tới 600.000 người chết vì làm việc quá sức ở Trung Quốc mỗi năm. Ảnh: Nikkei

Có tới 600.000 người chết vì làm việc quá sức ở Trung Quốc mỗi năm. Ảnh: Nikkei

Trên thực tế, tử vong vì làm việc quá sức cũng xảy ra tại nhiều công ty nổi tiếng khác ở Trung Quốc với tần số ngày càng tăng. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về sự việc một nhân viên Alibaba qua đời đột ngột hồi đầu năm 2014, ngay trước khi cô sinh con. Người phụ nữ yểu mệnh mới đảm trách cương vị quản lý một bộ phận của Alibaba vài tháng trước đó. Đồng nghiệp cũng tin rằng nghĩ người phụ nữ này tử vong vì làm việc quá sức.

Theo thống kê, mỗi năm, có khoảng 600.000 người Trung Quốc chết vì làm việc quá sức. Lu Shangbin, một giáo sư tại Đại học Vũ Hán, cho biết giới công nhân đang chịu áp lực lớn từ công việc khi giới chủ muốn họ làm hết sức để tối đa hóa lợi nhuận. Không ít người cảm thấy sợ đi làm, thậm chí còn nghĩ tới việc tự tử để giải thoát.

Ngoài áp lực từ phía các công ty, nhiều người lao động cũng mong muốn tranh thủ hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, điều giáo sư Lu nhận định là “quá nhanh”. Vị giao sư Đại học Vũ Hán cho rằng thực trạng này vô cùng nguy hiểm và gây tác động tới nhiều người.

Linh Anh

Nikkei

Trở lên trên