MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những kế hoạch của EU nhằm đối phó với mùa đông lạnh giá

11-09-2022 - 10:20 AM | Tài chính quốc tế

Những kế hoạch của EU nhằm đối phó với mùa đông lạnh giá

Các bước đi tưởng chừng như không thể xảy ra trước đây, hiện đã được cân nhắc, theo các quan chức EU.

Châu Âu đang trong "vùng đỏ"

Vừa qua, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom vào phút chót đã đưa ra quyết định không đưa tuyến đường ống Nord Stream trở lại hoạt động sau khi hoàn thành bảo dưỡng.

Các quan chức Đức vào cuối tuần trước nhấn mạnh hiện nguồn cung năng lượng vẫn được đảm bảo, ít nhất là vào lúc này. Hiện Đức vẫn đang nỗ lực làm đầy các kho chứa, cũng như tìm kiếm thêm các nguồn cung khác. Các kho chứa tại Đức hiện đang ở mức 85% làm đầy.

Nhưng Klaus Mueller, chủ tịch Cơ quan Năng lượng quốc gia Đức, đưa ra cảnh báo vào tháng trước kể cả khi các kho chứa được bơm đầy ở mức 95%, khối lượng này cũng chỉ đủ cho khoảng 2 tháng nhu cầu trong nước, nếu Nga dừng nguồn cung.

" EU hiện đang ở vùng đỏ và cần thiết phải giảm nhu cầu tiêu thụ", Thierry Bros, giáo sư về năng lượng quốc tế tại Sciences Po, Paris, nói. Ông cũng ước tính khoảng 3% tổng lượng nhu cầu sẽ phải cắt giảm.

Hội đồng châu Âu tháng 7 cảnh báo một mùa đông đặc biệt khắc nghiệt hay việc thiếu hụt nguồn cung nhập khẩu khí đốt từ các nguồn ngoài Nga có thể sẽ khiến châu Âu phải tiến hành cắt giảm mạnh nguồn tiêu thụ.

Giá khí đốt đã giảm trong tuần trước khi thị trường kì vọng Gazprom sẽ đưa tuyến đường ống hoạt động trở lại. Nhưng vào phút cuối, chỉ vài giờ sau khi G7 thống nhất việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, Gazprom cho biết sẽ tiếp tục dừng hoạt động đường ống khi phát hiện một sai sót trong quá trình bảo dưỡng.

Hiện giá khí đốt đã cao gấp 4 lần so với một năm trước, dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng, và qua đó gây thêm áp lực lên các ngành công nghiệp và hộ gia đình.

Các biện pháp của EU

Việc dừng hoạt động hoàn toàn tuyến đường ống Nord Stream, vốn chạy qua biển Baltic tới Đức, khiến chỉ còn 2 tuyến đường cung cấp khí đốt chính cho EU: hoặc đi qua Ukraine hoặc qua TurkStream từ Biển Đen. Hiện các tuyến khí đốt từ Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột Nga-Ukraine.

Việc một tuyến đường ống cung cấp khí đốt chính dừng hoạt động cũng làm tăng áp lực lên Đức để duy trì các nhà máy điện hạt nhân, vốn đã nằm trong kế hoạch đóng cửa trong năm nay.

Chính phủ Đức cho biết vẫn tiếp tục đánh giá tình hình trước khi đưa ra quyết định, nhưng khả năng trên đang ngày càng trở nên rõ ràng.

Việc kéo dài hoạt động của 2 nhà máy hạt nhân sẽ giúp đáp ứng 2,3% nguồn cung khí đốt, tương đương 5,4 triệu m3/ngày.

"Việc kéo dài hoạt động các nhà máy hạt nhân là giải pháp khả thi với Đức và sẽ giúp thay đổi tình hình", Kesavarthiniy Savarimuthu, chuyên gia phân tích tại Bloomberg NEF nói.

Với việc Nord Stream dừng hoạt động và tuyến đường ống qua Ukraine bị ảnh hưởng, tình hình sẽ phụ thuộc lớn vào thời tiết.

Hiện EU đã đặt mục tiêu cắt giảm tự nguyện 15% đối với khí đốt, và để ngỏ phương án sẽ đưa phương án này trở thành bắt buộc khi cần. Trong bối cảnh các bộ trưởng năng lượng đang chuẩn bị cho cuộc họp khẩn cấp vào ngày 9/9 tới, các bước đi tưởng chừng như không thể xảy ra trước đây, hiện đã được cân nhắc, theo các quan chức EU.

Việc phải tính toán phân bổ năng lượng ở các nước châu Âu đang dần trở thành một viễn cảnh không thể tránh khỏi.

Đức hiện đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp cho bản thân nước này. Và giai đoạn cuối, dù chưa được công bố chính thức, sẽ bao gồm phân bổ năng lượng.

Các chính trị gia EU đang lường trước khả năng nguồn cung sẽ bị cắt trong nhiều tuần, và nỗ lực tìm phương án cắt giảm nhu cầu tiêu thụ. Ngành công nghiệp hiện đã giảm dần hoạt động sản xuất và giá đồng Euro thì giảm do tác động kinh tế từ cuộc chiến năng lượng với Matxcova. Khi mùa đông đang tới gần, quyết tâm của châu Âu nhằm tiếp tục hậu thuẫn Ukraine trước Nga có thể sẽ bị thử thách.

Trong khi mức giảm nhu cầu tiêu thu khí đốt vào khoảng 15% mà EU đang hướng tới có thể giúp khối này không phải áp dụng giải pháp phân bổ năng lượng, các chính phủ dường như đang phản ứng một cách chậm chạp để giảm nhu cầu tiêu thụ.

Đến khi thời tiết chuyển lạnh sẽ là yếu tố chính để đánh giá châu Âu sẽ tiêu thụ mức khí đốt dự trữ nhanh thế nào.

Cả châu Á và châu Âu đều cạnh tranh để mua khí tự nhiên hoá lỏng nếu mùa đông trở nên khắc nghiệt ở cả hai châu lục, và đang có lo ngại nguồn dự trữ khí đốt tại châu Âu có thể sẽ không còn vào cuối mùa đông.

Các chính trị gia đang kì vọng mùa xuân sẽ đến sớm. "Đức sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ để vượt qua mùa đông, và điều này rõ ràng sẽ dẫn tới việc hạn chế tiêu thụ năng lượng", Penny Leake, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Wood Mackenzie nói.

Theo Minh Khôi

Tổ Quốc

Trở lên trên