Những khủng hoảng khi thất nghiệp gần tuổi 30: Không thể vay tiền ai, phải sống nhờ bố mẹ
Thất nghiệp ở độ tuổi gần 30 là trải nghiệm không người trẻ nào muốn trải qua.
- 16-11-2023Gã thất nghiệp đóng giả nữ sinh để lừa tình ông lão lấy hơn 330 triệu đồng
- 13-11-2023Cách vợ chồng tháo gỡ áp lực tiền bạc khi thất nghiệp gần ngày cưới và đang mang thai
- 06-11-2023Nhà báo Lại Văn Sâm hơn 30 tuổi vẫn thất nghiệp: 'Sống không hy vọng thì quá vô vị, đáng buồn'
Cú sốc khi thất nghiệp ở tuổi gần 30
Đó là câu chuyện của Khánh Ly (30 tuổi) - cô nàng từng làm trong lĩnh vực du lịch, đã thất nghiệp khoảng 2 năm. Thời điểm Khánh Ly nghỉ việc là do hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến ngành du lịch hoàn toàn đóng băng. Bấy giờ, cô nàng không kiếm ra thu nhập dù chưa có nhiều sự chuẩn bị về nền tảng tài chính.
"Lúc đó mình có khoảng vài chục triệu đồng tiết kiệm phòng thân. Sau chỉ tầm nửa năm, dù chi tiêu rất tiết kiệm nhưng mình đã tiêu hết số tiền này. Sau đó, mình chỉ có thể về quê ở cùng bố mẹ để đợi hết dịch", Khánh Ly chia sẻ.
Thời gian dài thất nghiệp gây ra khó khăn cho Khánh Ly về mọi mặt. Việc không có thu nhập là một chuyện nhưng khó hơn nữa là tinh thần, tâm trạng rất hoang mang, lo lắng, mơ hồ.
Khánh Ly cho hay: "Ba mẹ vẫn hỗ trợ và nuôi mình, dù giải quyết được khó khăn về vật chất nhưng về tinh thần thì chỉ càng khiến mình thấy chật vật thêm. Ở độ tuổi này mà thu nhập không có, vẫn phải nhận sự trợ giúp của gia đình khiến mình cũng ngại khi gặp bạn bè".
Ảnh minh hoạ
Một trường hợp khác là Bùi Quỳnh (30 tuổi, blogger). Cách đây 2 năm, chỉ trong 2 tháng, cô từng liên tiếp thất bại 10 lần khi đi phỏng vấn xin việc. Trước đó, cô nàng nghỉ công việc cũ để theo đuổi đam mê trở thành blogger và điều hành công ty nhỏ. Tuy nhiên, một vài biến cố ập đến khiến Bùi Quỳnh nhanh chóng tiêu gần hết tiền tiết kiệm, trong khi chưa có thu nhập ổn định.
Cũng vì thế, Bùi Quỳnh đã quyết định quay trở lại con đường làm nhân viên văn phòng. "Trước khi nghỉ việc, mình cứ đinh ninh rằng với khả năng và kinh nghiệm đã tích lũy trước đó, mình thừa sức kiếm được công việc tốt hơn trong vòng 2 tháng. Nhưng đời không như mơ.
Lý do là mình cũng không còn trẻ, phải quyết tâm tìm được vị trí lương vừa cao vừa ổn định, nên không thể cứ nhắm mắt chọn bừa. Sự kén chọn đó khiến mình lâm vào tình trạng rất kẹt tiền", Bùi Quỳnh kể.
Không muốn gọi điện nhờ vả bố mẹ, cũng chẳng có ai đủ thân để vay tiền nên cô gái đã quyết định chi tiêu tiết kiệm, đồng thời tìm cách gia tăng thu nhập để vượt qua khó khăn.
Tiết kiệm thế nào để sống tốt giữa thời gian thất nghiệp?
Với Khánh Ly, cắt giảm chi tiêu tối đa là nguyên tắc quan trọng của cô nàng khi lâm vào cảnh thất nghiệp. Cô không có các cuộc đi chơi, đi ăn hay mua quần áo, đồ mỹ phẩm mới. Có thể nói, toàn bộ chi tiêu của cô rút gọn xuống còn mua đồ thiết yếu và tiền ăn.
Trong thời gian đầu, vẫn còn tiền tiết kiệm, Khánh Ly cũng chi tiêu tối thiểu như vậy để cầm cự. "Hoàn cảnh của mình là nghỉ việc do lý do khách quan nên không thể nói là hối hận hay không. Thế nhưng mình vẫn hơi hối tiếc vì đã thất nghiệp quá lâu nên khi bắt đầu tìm việc lại sẽ rất khó khăn".
Còn về phía Bùi Quỳnh, cô cho hay chỉ đến khi tìm được công việc phù hợp, "tiết kiệm và chỉ tiêu cho nhu cầu thiết yếu" vẫn là tôn chỉ của cô nàng. Một số thói quen tiết kiệm của Bùi Quỳnh trong thời gian này:
- Giảm chi phí ăn uống: 1 ngày ăn của Bùi Quỳnh không được vượt quá 100 ngàn đồng, nếu đi chơi với bạn thân thì cùng lắm chỉ 300 ngàn đồng "quay đầu".
"Vốn dĩ không phải nhân vật ưa tiệc tùng nên điều này được thực hiện khá thoải mái. Hát hò nhậu nhẹt gì đó với mình là điều xa xỉ", Bùi Quỳnh bày tỏ.
- Mua sắm đồ hiệu: Từ khi nghỉ việc, cô gái nói không với mua đồ cao cấp, chỉ chọn đồ tối giản để mặc.
- Ghi chép lại từng khoản chi nhỏ nhất: Bấy giờ, mức chi tiêu của Bùi Quỳnh bị giới hạn xuống chỉ còn 1/2 so với ngày còn đi làm. Hàng ngày, cô nàng đều thống kê lại hết tất cả khoản chi, để xem còn có thể cắt bỏ khoản nào. "Sau đó, mình nhận ra rằng, những khoản tiền tiêu pha nhiều nhất nằm ở: tiền ăn vặt như trà sữa, kem, ăn ngoài, mua những đồ linh tinh, mua đồ khuyến mại theo lô,... Và thế là, phải chấm dứt kiểu chi tiêu này thôi, nếu không muốn chẳng còn đồng nào dính túi".
Ảnh minh hoạ
Sau khi loại bỏ đi các khoản chi tiền lãng phí, Bùi Quỳnh đã bắt đầu chi tiêu thông minh hơn bằng cách học nấu ăn tại nhà thay vì ăn ngoài, cân nhắc ngân sách để đủ tiền sống đến cuối tháng. Bên cạnh đó, cô "nói không" với tiệc tùng, gần như cách ly với việc vui chơi trong thời gian chưa tìm được việc,...
"Khi làm được những điều đó, số tiền mình tiêu trong 1 tháng được cộng dồn lại chỉ khoảng hơn 4 triệu đồng một chút. Mình bất ngờ nhận ra rằng, hóa ra việc tiết kiệm là một sự thách thức, có mệt mỏi nhưng cũng học được rất nhiều điều.
Nhờ có những ngày tháng sống như thế, mình mới hiểu ra, chỉ khi chuyện cơm áo gạo tiền ép đến cùng, con người ta thì mới có khả năng thức tỉnh giữa cuộc sống xa hoa hàng ngày. Và rồi biết rằng nếu không tìm hiểu về tài chính cá nhân, thì tất cả số tiền bạn kiếm được đều sẽ hóa vào hư vô.
Một người có thể sống với chi phí thấp, cần phải có những suy nghĩ, tư duy nhanh và mạnh, hành động dứt khoát và kỷ luật cao. Những đức tính này sau này giúp mình quản lý tiền ngày một tốt hơn. 'Liệu cơm gắp mắm' chính xác là cụm từ dành cho mình trong những ngày chẳng có nguồn thu ổn định", Bùi Quỳnh cho hay.
Đến tuổi 30, cô nàng vẫn rất trân trọng quãng thời gian thất nghiệp cách đây 2 năm vì chúng đã dạy cho Bùi Quỳnh nhiều bài học. "Nếu năm 28 tuổi, bản thân không tự vực dậy tài chính, thì làm sao có tuổi 30 rực rỡ. Chính vì có những lúc khó khăn như thế, khiến mình của hiện tại càng trân trọng hơn cơ hội học cách kiếm tiền và giữ tiền gần như hoàn hảo", Bùi Quỳnh tâm sự.
Trí thức trẻ