Những kịch bản tiếp theo Anh phải đối mặt trong cơn khủng hoảng Brexit
Thủ tướng Anh có thể bị truy tố vì không tuân thủ luật, chính phủ Anh có thể tan rã để cho một chính phủ tạm thời lên thay là những kịch bản xấu nhất.
Tiến trình đàm phán Brexit xuất hiện những tín hiệu tích cực khi cuối tuần qua, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier gặp Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay, tại Brussels (Bỉ).
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Reuters.
Sau cuộc gặp, Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay khẳng định cả Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều phát đi thông điệp rõ ràng rằng Anh và EU có thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn 31/10 tới. Theo kế hoạch, trong tuần này, các đoàn đàm phán kỹ thuật của hai bên sẽ nhóm họp và bên lề kỳ họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Tháo gỡ thế bế tắc trong đàm phán Brexit
Trong tuần này sẽ diễn ra 2 sự kiện rất đáng chú ý liên quan đến Brexit. Đầu tiên, vào ngày hôm nay (23/9), có một sự kiện rất đáng chú ý liên quan đến Brexit diễn ra. Theo dự kiến thì sau nhiều ngày nghiên cứu và thảo luận, 11 thẩm phán của Toà án tối cao Vương quốc Anh trong ngày 23/9 sẽ đưa ra phán quyết về vụ việc Thủ tướng Anh Boris Johnson quyết định treo Nghị viện Anh trong 5 tuần, từ ngày 10/9 đến ngày 14/10. Đây sẽ là phán quyết có tính pháp lý cao nhất tại Vương quốc Anh và nếu phán quyết này cho rằng ông Boris Johnson đã phạm luật thì Thủ tướng Anh sẽ buộc phải cho phép Nghị viện Anh hoạt động trở lại.
Khi đó chắc chắn cục diện chính trường Anh sẽ rất khác và với sự giám sát liên tục của các nghị sĩ Anh, cộng thêm điều luật đã được Nghị viện Anh thông qua trước khi buộc phải tạm đóng cửa, là ông Johnson phải yêu cầu EU gia hạn Brexit đến 31/01/2020 nếu không có thoả thuận, thì chính phủ Anh sẽ rất khó toan tính các kịch bản gây sốc. Nói cách khác là nếu Nghị viện Anh được mở cửa trở lại thì nguy cơ nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10/2019 mà không có thoả thuận sẽ giảm đi rất nhiều.
Sự kiện quan trọng thứ hai trong những ngày tới, đó là các đảng phái chính trị tại Anh sẽ tổ chức đại hội thường niên, trong đó có đảng Bảo thủ cầm quyền. Đại hội này là dịp để Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm dò và thống nhất các quan điểm trong nội bộ đảng Bảo thủ trước khi đưa ra các hành động tiếp theo, đặc biệt là việc đưa ra các đề xuất cụ thể bằng văn bản với EU. Hiện nay thì chính phủ của ông Johnson vẫn đang do dự, chưa chính thức đưa ra đề xuất với EU vì lo ngại là các đề xuất này có thể không nhận được sự đồng thuận của các phe nhóm khác nhau trong nội bộ đảng Bảo thủ. Sau khi kết thúc đại hội thường niên của đảng Bảo thủ thì chúng ta sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về chiến lược của chính phủ Anh trong những tuần lễ quyết định sắp tới. Tương tự, các đảng đối lập như Công đảng hay đảng Dân chủ-tự do (Lib-Dem) cũng sẽ phải đưa ra quan điểm rõ ràng hơn, đặc biệt là công đảng của ông Jeremy Corbyn.
Đối với các đàm phán Brexit hiện tại thì chưa có đột phá nào được, mà nguyên nhân, là do sự lưỡng lự từ phía chính phủ Anh. Tuy nhiên, cũng có thể ghi nhận một số điểm tích cực, đó là chính phủ Anh và phía EU đã nâng cấp các đàm phán, từ cấp độ kỹ thuật 2 tuần/lần lên cấp độ chính trị, trực tiếp do Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh là Stephen Barclay và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là Michel Barnier tiến hành. Các đàm phán này cũng diễn ra liên tục cho đến khi có thoả thuận. Mặc dù giới ngoại giao châu Âu vẫn hoài nghi chính phủ Anh, cho rằng chính phủ Anh không thực tâm mà chỉ đang kéo dài thời gian, nhưng cũng vẫn có thể coi đây là các nỗ lực của phía chính phủ Anh trong việc hướng đến một thoả thuận với EU.
EU đưa ra tín hiệu tích cực
Trên thực tế thì cho đến nay, vẫn chưa có bất cứ đề xuất chính thức bằng văn bản nào của chính phủ Anh gửi đến EU liên quan đến việc tìm giải pháp thay thế cho vấn đề “chốt chặn- backstop”. Trong tuần trước thì phía EU cho biết là họ có nhận được 3 tài liệu từ phía Anh nhưng trong đó chủ yếu mang tính liệt kê lại các đòi hỏi mà phía Anh đã từng đưa ra trong nhiều tuần đàm phán vừa qua, chứ không phải là đề xuất chính thức của chính phủ Anh. Vì vậy, khi chưa có đề xuất chính thức từ Anh thì khó có thể nói liệu EU sẽ chấp nhận các thay đổi liên quan đến điều khoản backstop như thế nào.
Ở đây có 2 điều cần ghi nhận. Thứ nhất, là qua tất cả các tuyên bố của các lãnh đạo EU cũng như thực tế thảo luận giữa EU và Anh trong thời gian qua thì khả năng EU chấp nhận yêu cầu của chính phủ Anh về việc từ bỏ điều khoản backstop là chắc chắn không xảy ra. Trong bất cứ thoả thuận nào về Brexit, EU vẫn sẽ kiên quyết giữ điều khoản backstop bởi nó không chỉ liên quan đến lợi ích chính trị quan trọng của Cộng hòa Ireland, quốc gia thành viên của EU, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của khối thị trường chung châu Âu. Nếu không có điều khoản backstop đó thì thị trường chung châu Âu sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạnh tranh không công bằng từ hàng hoá các nơi khác xâm nhập qua con đường Bắc Ireland và Anh. Vì vậy, EU không thể từ bỏ điều khoản này.
Tuy nhiên, do EU cũng không hề muốn Brexit diễn ra mà không có thoả thuận nên phía EU cũng tạm thời đưa ra các nhượng bộ khi cho phép Anh đưa ra một giải pháp khả thi khác, không phải để thay thế điều khoản backstop mà là để thực hiện điều khoản này theo cách thức mà cả Anh và EU đều chấp nhận được.
Theo điều khoản backstop nguyên bản trước đây thì EU kiên quyết muốn tạm giữ cả Bắc Ireland và Vương quốc Anh ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu trong thời gian quá độ để tìm giải pháp dứt điểm nhưng nay thì EU có thể cho phép nước Anh ra khỏi liên minh thuế quan nhưng với điều kiện là phải đảm bảo kiểm soát được hàng hoá qua biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland mà lại không tái lập biên giới cứng. Đó là một bài toán kỹ thuật cực kỳ phức tạp mà phía Anh chưa đề xuất được lời giải với phía EU. Vì thế, dù EU có đưa ra một số tín hiệu tích cực và mềm dẻo hơn với Anh nhưng về tổng thể thì EU cũng đang rất cứng rắn với các nguyên tắc của mình và cũng đã sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất là Anh rời EU mà không có thoả thuận Brexit.
Những kịch bản Anh phải đối mặt
Trước mắt thì chúng ta cần xem cuộc chiến pháp lý tại Anh sẽ có kết cục ra sao. Nếu Toà án tối cao Vương quốc Anh ra phán quyết chống lại ông Boris Johnson thì Thủ tướng Anh sẽ buộc phải để Nghị viện Anh hoạt động trở lại và khi đó thì các diễn biến sẽ lại vô cùng phức tạp và khó lường. Những gì diễn ra trong hơn 3 năm qua trên chính trường Anh cho thấy là không có bất cứ một kịch bản nào được coi là chắc chắn khi các nhánh quyền lực đối đầu nhau một cách bế tắc như hiện nay. Trước kia thì chỉ có nhánh hành pháp và lập pháp, và nay thêm cả nhánh tư pháp cũng bị lôi vào cuộc.
Về tổng thể, kịch bản tốt nhất là từ nay cho đến trước khi EU họp Thượng đỉnh tại Brussels vào ngày 17/10 thì Anh và EU đạt được thoả thuận và Nghị viện Anh chấp nhận thoả thuận đó để kịp cho Anh rời EU vào ngày 31/10/2019 trong trật tự. Nhưng thời gian còn lại là rất ít mà chính phủ Anh thậm chí còn chưa đưa ra đề xuất, nên khả năng đạt thoả thuận cũng không cao, do bất cứ thoả thuận nào cũng cần phải được 27 nước thành viên EU chấp nhận.
Trong trường hợp hai bên không có thoả thuận trước ngày 19/10 thì lúc đó, theo luật, Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải đề nghị EU lùi Brexit đến 31/01/2020. Nhưng ông Johnson đã khẳng định nhiều lần là ông sẽ không bao giờ làm điều này. Lúc đó thì chính trường Anh sẽ rơi vào tình thế hỗn loạn đỉnh điểm.
Thủ tướng Anh có thể bị truy tố vì không tuân thủ luật, chính phủ Anh có thể tan rã để cho một chính phủ tạm thời lên thay, hoặc cũng có thể ông Boris Johnson vẫn tiếp tục làm Thủ tướng và đưa nước Anh rời EU vào 31/10/2019 mà bất chấp quyền lực của Nghị viện Anh. Thế bế tắc lúc đó chỉ có thể được giải quyết bằng cách tổng tuyển cử sớm, điều mà Nghị viện Anh phản đối, hoặc tạm treo tất cả để tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit. Cho đến lúc này, không có bất cứ kịch bản nào là chắc chắn và mọi điều đều có thể xảy ra.
VOV