Những lãnh đạo tỉnh quan trọng tạo nên “kỳ tích Bắc Ninh”
Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và trước đó Bí thư Ngô Đình Loan, hiện nay là Bí thư Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND Nguyễn Tử Quỳnh… là những lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong “kỳ tích Bắc Ninh”.
- 15-02-2017Chỉ cần đổi mới định hướng, thu nhập bình quân người dân Bắc Ninh đã tăng 32 lần sau 16 năm, từ mức dưới trung bình lên top cao nhất cả nước
- 15-02-2017Vì sao Bắc Ninh “hút” cả chục tỷ USD của nhà đầu tư ngoại, giúp công nghiệp tăng 1.200 lần sau 20 năm?
- 14-02-2017Bắc Ninh thanh tra đất đai hàng loạt dự án
Năm 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập với kết cấu hạ tầng yếu kém và một vài cơ sở sản xuất nhỏ. Số vốn FDI đăng ký 117 triệu USD của 4 doanh nghiệp chỉ giúp giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 569 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị sản xuất bình quân của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ cấu công nghiệp-xây dựng 23,8% vào năm 1997 chỉ giúp Bắc Ninh thu về ngân sách vỏn vẹn 164 tỷ đồng.
Điểm đột phá được xác định ngay lúc tái lập là “Từng bước hình thành các khu công nghiệp tập trung có công nghệ cao, các cụm công nghiệp, đồng thời xúc tiến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”. Đây là hai định hướng quan trọng mang tính chiến lược, mà Bí thư Ngô Đình Loan cùng Chủ tịch UBND và đội ngũ cán bộ trong tỉnh quyết định.
Các quy hoạch ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải tạo phát triển lưới điện, quy hoạch giao thông, quy hoạch xây dựng thị xã Bắc Ninh được gấp rút hoàn thành. 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung đã được lãnh đạo tỉnh trình lên Chính phủ và được Thủ tướng chấp thuận. Ðến nay, 9 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích thu hồi đạt hơn 79%.
Giai đoạn 2001 – 2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bắc Ninh tăng bình quân 13,88%/năm. Quy mô GDP năm 2005 gấp 3,08 lần so với ngày đầu tái lập tỉnh. Bí thư Ngô Văn Luật và Chủ tịch UBND Nguyễn Thế Thảo là người để lại dấu ấn khi giúp Bắc Ninh thu hút hơn 150 dự án đầu tư của nhiều công ty lớn trên thế giới. Thậm chí, Tập đoàn Canon (Nhật Bản) đã đưa Bắc Ninh trở thành 1 trong 3 địa điểm sản xuất máy in cho toàn thế giới của hãng.
Ông Harry Zhuo, Tổng Giám đốc Công ty Foxconn Quế Võ đánh giá: “Bắc Ninh có môi trường đầu tư tốt, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm và trực tiếp đối thoại cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng và hoạt động của công ty. Đây là yếu tố quan trọng để Tập đoàn quyết định điều chỉnh tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô nhà xưởng và đầu tư thiết bị máy móc, nâng cao giá trị sản xuất tại Bắc Ninh”.
Tới giữa năm 2003, ở Bắc Ninh chỉ một số ngành có tính chất dịch vụ xã hội như ngân hàng, bưu chính viễn thông (BCVT), điện lực, tài chính có ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Thế nhưng, kể từ tháng 3/2005, ở ngay tại thôn, người nông dân bình thường đã có thể truy cập Internet, gửi nhận e-mail, khai thác thông tin, tìm kiếm kiến thức phục vụ cuộc sống, công việc.
Và nếu muốn, họ có thể gửi e-mail cho lãnh đạo tỉnh, xem diện tích đất của nhà hàng xóm. Tất cả những việc đó được thực hiện tại điểm bưu điện-nhà văn hoá (BĐ-NVH) của thôn. Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước phổ cập Internet về thôn, xã.
Làng quê quan họ có được điểm nhấn đặc biệt này nhờ 20 tháng “mở đường” kể từ khi ông Vũ Đức Đam về làm Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh (ông Đam sau đó là Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông nay là Bộ Thông tin Truyền thông và giờ giữ chức Phó Thủ tướng). Ngày đó, ông Đam ví việc ứng dụng phát triển CNTT ở Bắc Ninh khó như mở đường Trường Sơn, như xây dựng hệ thống thuỷ nông Bắc Hưng Hải: “Rất nhiều việc, mà trong tay mỗi người chỉ có một cái cuốc nhỏ!”. Sau này, Bắc Ninh không chỉ trở thành một hình mẫu trong việc phổ cập Internet cho người dân mà còn là hình mẫu về phát triển Chính phủ điện tử trên cả nước.
Thành phố Bắc Ninh là điểm nhất rõ nét nhất cho thấy sự chuyển mình của tỉnh. Sau 10 năm, một thị xã nhỏ bé đã trở thành đô thị loại 2 hiện đại. Ông Nguyễn Thế Thảo từ vị trí Chủ tịch lên Bí thư tỉnh rồi sau đó được Trung ương điều động về Hà Nội làm Chủ tịch UBND thành phố.
Để Bắc Ninh duy trì được mức tăng trưởng cao trong nhiều năm so với các tỉnh trong vùng và địa phương trong cả nước, giai đoạn 2011 – 2015, Bí thư Trần Văn Túy và Chủ tịch UBND Nguyễn Nhân Chiến cũng có nhiều quyết sách kịp thời nhằm biến tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao của cả nước. Theo đó, từng ngành, từng lĩnh vực phải rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của ngành mình theo phương châm "làm đến đâu chắc đến đó". Một trong những thành quả rõ nét là quyết định đầu tư hơn 4 tỷ USD vào tỉnh và dự kiến tăng thêm 2,5 tỷ USD của Tập đoàn Samsung.
Hiện nay, Bí thư Nguyễn Nhân Chiến và Chủ tịch UBND Nguyễn Tử Quỳnh đang chú trọng cải thiện nhanh hệ thống hạ tầng, phấn đấu đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh sẽ tiếp tục dành những ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, coi đây là động lực phát triển mới.
|