MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những lĩnh vực được khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài

Điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao, kinh tế số… sẽ là những lĩnh vực Việt Nam khuyến khích đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 trong bối cảnh kinh tế khó khăn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sụt giảm, nhưng thu hút FDI của Việt Nam đã đạt được kết quả khá ấn tượng. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký đạt mức cao kỷ lục 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Con số này cho thấy các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam và là điểm đến đầu tư ổn định, hấp dẫn và tiềm năng.

Cùng với vốn đăng ký, vốn FDI giải ngân đạt kết quả ấn tượng với 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay.

“Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2023 gặp nhiều khó khăn thì đây là tín hiệu tốt cho thấy khối doanh nghiệp FDI vẫn duy trì tốt hoạt động đầu tư, kinh doanh” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Những lĩnh vực được khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài- Ảnh 1.

Việt Nam được đánh giá là điểm điến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử (Ảnh minh hoạ)

Đặc biệt, năm 2023, vốn đầu tư FDI mới tăng mạnh cả về vốn đầu tư (tăng 62,2%) cũng như số dự án đầu tư mới (tăng 56,6%), cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Về chất lượng dự án đầu tư nước ngoài, theo đánh giá cũng có sự cải thiện, phần lớn các dự án tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 64,2%). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng công nghệ tiên tiến…

“Việt Nam được đánh giá là điểm điến hấp dẫn và an toàn nên đang có làn sóng đầu tư vào Việt Nam với các dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghệ, điện tử,…” – đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả thu hút FDI có được là do thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động doanh nghiệp thông qua các biện pháp cụ thể như: Chủ động tiếp cận các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực ưu tiên để mời vào đầu tư tại Việt Nam. Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư triển khai và thực hiện dự án tại Việt Nam.

Việt Nam cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giai đoạn Covid-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh thông qua việc ưu tiên tiêm vắc xin; cho phép chuyên gia vào Việt Nam; hỗ trợ lao động đi lại, giấy phép lao động, thủ tục thông quan thuận lợi; hỗ trợ các biện pháp về giãn, hoãn thuế, phí, trợ cấp cho người lao động…. Điều này đã gây ấn tượng tốt, được các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, an toàn.

Đặc biệt, Việt Nam đã khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 với sự liên kết và hợp tác của các Trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới và các Tập đoàn công nghệ lớn, tạo hiệu ứng cho các nhà đầu tư công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam.

Những lĩnh vực được khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài- Ảnh 2.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường (Ảnh minh hoạ)

Về định hướng thu hút FDI trong năm 2024 và thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, các lĩnh vực khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời gian tới là: Điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo, nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; trung tâm tài chính.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để thu hút đầu tư nước ngoài đạt được hiệu quả, bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy đà phục hồi và phát triển trong tình hình mới; phát huy ngoại lực, tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh, trí tuệ để chủ động thích ứng, kịp thời nắm bắt cơ hội, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 1/2024, Việt Nam thu hút được 39.377 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 471,9 tỷ USD đến từ 144 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo Nguyễn Hòa

Công thương

Trở lên trên