Những lý do này sẽ khiến Upcom thành vùng trũng hút tiền thời gian tới
Không chỉ hưởng lợi từ các chính sách như cấp margin, biên độ giao dịch rộng mà sàn Upcom còn có rất nhiều “mỏ vàng” cổ phiếu chưa được khai phá.
- 01-06-2016UPCoM đã có 300 doanh nghiệp, vốn hóa hơn 5 tỷ đô
- 28-05-2016Những cổ phiếu nào sẽ được giao dịch ký quỹ trên Upcom?
- 21-05-2016Những cổ phiếu nào sẽ lọt vào bảng Upcom Premium để có cơ hội được vay margin?
Trước đây, Upcom thường không được đánh giá cao bởi phần lớn các cổ phiếu trên sàn này có tính cơ bản cũng như thanh khoản thấp hoặc là những cổ phiếu bị hủy niêm yết. Bởi lý do đó, cổ phiếu Upcom cũng gần như không xuất hiện trong danh mục theo dõi của giới đầu tư.
Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện hơn 1 năm về trước. Còn hiện tại, thị trường Upcom đang sống trong những ngày tháng sôi động nhất kể từ khi thành lập. Mới đây, Upcom đã đón nhận doanh nghiệp thứ 300 lên sàn và vốn hóa thị trường hiện đạt 112 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD). So với vốn hóa HNX khoảng 150 nghìn tỷ đồng (7 tỷ USD) thì quy mô sàn Upcom hiện chẳng thua kém là bao.
Vì sao một thị trường vốn bị nhà đầu tư “bỏ rơi” lại bỗng chốc nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư? Dưới đây là một số nguyên nhân chính giải thích cho cơn sóng mang tên Upcom.
Sự hiện diện của nhiều tên tuổi lớn
Năm 2009, Upcom được ra đời với mục đích thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, quản lý và là nơi quy tụ cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa niêm yết. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít doanh nghiệp muốn tiến hành giao dịch trên Upcom bởi những quy định về công bố thông tin, nộp các khoản phí hay bởi việc huy động vốn không thực sự hiệu quả.
Để khắc phục tình trạng này, thông tư 180 ra đời đã quy định tất cả các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1/1/2016 mà không niêm yết trên SGDCK sẽ phải đăng ký giao dịch trên Upcom trong vòng 1 năm.
Đối với các công ty đại chúng hình thành sau ngày 1/1/2016, thời hạn để đăng ký giao dịch là trong vòng 30 ngày kể từ khi UBCK có công văn hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng hoặc kể từ khi diễn ra đợt IPO.
Điều này đã khiến số lượng doanh nghiệp tiến hành giao dịch trên Upcom tăng vọt lên 300 mã, xấp xỉ với số lượng cổ phiếu trên Hose và HNX. Không những vậy, nhiều tên tuổi lớn hiện diện trên Upcom đã khiến sân chơi này được nâng tầm đáng kể. Có thể kể tới như Sasco (SAS), Masan Resources (MSR), May Việt Tiến (VGG), Viglacera (VGC), TCT Chăn Nuôi (VLC), VnSteel (TVN), Gelex (GEX), Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF), Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS)….
Hiện tại, chỉ tính riêng 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã có vốn hóa hơn 66 nghìn tỷ đồng, tương đương 60% vốn hóa toàn thị trường Upcom.
10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Upcom
Chuẩn bị cấp margin, biên độ giao dịch cao
Hiện tại, nhà đầu tư giao dịch trên Upcom chủ yếu sử dụng vốn tự có do quy định chưa cho phép thực hiện giao dịch ký quỹ và yếu tố này phần nào khiến giao dịch trên thị trường Upcom ảm đạm.
Tuy vậy, việc chuẩn bị công bố bảng Upcom Premium vào ngày 24/6 tới đây sẽ là tiền đề cho việc thực hiện giao dịch ký quỹ với các cổ phiếu trên Upcom. Yếu tố này đang được kỳ vọng sẽ giúp thị trường Upcom trở nên sôi động hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, biên độ giao dịch cũng là một yếu tố hấp dẫn của Upcom so với 2 sàn niêm yết. Theo quy định hiện hành, biên độ giao dịch Upcom đã được nâng lên ±15% kể từ tháng 7/2015. Trong khi đó, biên độ giao dịch của Hose, HNX lần lượt chỉ là ±7% và ±10%.
Nhiều cổ phiếu “vàng” chưa được khám phá
Dù không được nhà nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng trên Upcom vẫn tồn tại rất nhiều “mỏ vàng” chưa được khai phá. Hiện có rất nhiều cổ phiếu trên Upcom trả cổ tức vài chục phần trăm mỗi năm như PSL (Chăn nuôi Phú Sơn), HDM (Huegatex), IME (Imeco), CEC (Ceco)….
Thậm chí có những cổ phiếu có cổ tức còn cao hơn cả thị giá như trường hợp MEF và KSC. Tuy nhiên, trên thực tế, để sở hữu những cổ phiếu này không hề đơn giản khi thanh khoản chúng quá thấp. Nếu loại trừ những cổ phiếu có phần “khó mua” kể trên, Upcom vẫn còn rất nhiều cổ phiếu tăng trưởng ổn định, chi trả cổ tức cao và có thanh khoản như SGN (SAGS), WSB (Bia Sài Gòn- Miền Tây), SDK (Sadakim), NCS (Suất ăn hàng không Nội Bài)….
TLT tăng trưởng ấn tượng sau khủng hoảng
Không những vậy, thị trường Upcom cũng mở ra cơ hội cho nhà đầu tư với những doanh nghiệp “hồi sinh” sau khủng hoảng như trường hợp Viglacera Thăng Long (TLT)….
Với sự quan tâm ngày càng sát sao của cơ quan quản lý, thị trường Upcom được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh margin chuẩn bị kích hoạt và nhiều “ông lớn” sẽ phải lên sàn theo thông tư 180 từ Bộ tài chính.
Trí Thức Trẻ