Những mánh khóe của thợ sửa điều hòa trong cao điểm nắng nóng
Mấy ngày qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội, nắng nóng kéo dài khiến nhu cầu sử dụng điều hòa, quạt làm mát của các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp tăng lên đáng kể. Thời điểm này cũng là “mùa vụ” làm ăn của cánh thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa trên địa bàn. PV Báo CAND đã ghi nhận thực tế, tìm hiểu những mánh khóe “chặt chém” khách hàng của thợ sửa điều hòa.
- 05-06-2017Cảnh báo bệnh nguy hiểm mùa nóng: Nếu không làm điều này, máy lạnh điều hòa có thể hại chết gia đình bạn
- 05-06-2017Nắng nóng: Nhu cầu gọi thợ sửa điều hòa tăng gấp 20 lần ngày thường
“Cháy” thợ sửa điều hòa
Những ngày này, khảo sát tại nhiều cơ sở điện máy chuyên cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa, chúng tôi được biết, các nhân viên của những cơ sở này đang vào “mùa vụ”, phải làm hết năng suất. Năm nay là năm thứ 3, anh Tô Ngọc Huy, 25 tuổi, quê ở huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) làm nhân viên lắp đặt, sửa chữa máy điều hòa của Công ty TNHH L.P – đơn vị chuyên cung cấp, sửa chữa điện máy ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Những ngày qua, do nắng nóng kéo dài, khách hàng gọi điện thoại đến công ty đề nghị được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa tăng đột biến, anh cùng 4 nhân viên chính của công ty phải làm việc hết công suất. Trò chuyện với anh Huy, chúng tôi được biết, nếu như ngày thường - vắng khách, cùng đi với anh còn có một thợ phụ, nhưng những ngày nắng nóng này, số thợ phụ trên cũng đều tối mặt với các đơn hàng sửa chữa điều hòa, nên anh phải một mình đi sửa chữa.
Người tiêu dùng cần tìm tới các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa uy tín để tránh bị “chặt chém” - (Ảnh minh họa).
Cũng theo anh Huy, trong đợt nắng nóng này, mỗi ngày, số máy điều hòa anh đảm nhận công việc bảo dưỡng, sửa chữa lên đến 6-8 chiếc. Hằng ngày, cũng như đồng nghiệp khác, anh phải làm việc từ 8h cho đến 22h mới về tới khu trọ. Và buổi trưa, anh cũng chỉ tranh thủ nghỉ khoảng 30 phút rồi lại tiếp tục công việc của mình.
Không riêng gì thợ sửa điều hòa, bản thân chủ các cơ sở cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa mấy ngày qua cũng đang tất bật với công việc điều hành của mình. Lẽ vì, nếu như không điều hành khéo léo, sẽ rất dễ mất mối khách hàng thân thiết. Anh Văn Thành - chủ một cơ sở chuyên lắp đặt, sửa chữa điện máy trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội) tâm sự, 4 nhân viên lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa của cơ sở do anh làm chủ đang phải làm tăng ca.
Ngày thường, những nhân viên này chỉ làm việc 3-4 tiếng thì nay, vào thời điểm nắng nóng, khách hàng liên tục gọi điện thoại đến cơ sở, do đó, khung giờ làm việc kéo dài từ 7h30 đến 21h hằng ngày. “Để động viên nhân viên, ngoài khoản tiền lương cố định 5-6 triệu đồng/nhân viên, cơ sở mình còn bồi dưỡng cho anh em mỗi người 100-200 ngàn đồng/ngày, tùy theo năng suất làm việc của từng người”, anh Thành tiếp lời.
Cũng chính vì nhân viên của cơ sở phải làm việc hết công suất, nên những đơn đặt hàng – lắp đặt mới điều hòa cũng như khách lạ có nhu cầu sửa chữa điều hòa gọi điện thoại tới, anh đành phải gác lại, do nhân viên không có ở nhà.
Đúng như lời chia sẻ của anh Văn Thành, khi liên hệ với một số trung tâm sửa chữa điện máy có tiếng như: B.K., Q.M., Đ.L.… để đặt vấn đề cần một nhân viên đến nhà bảo dưỡng máy điều hòa của gia đình, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Hiện nhân viên của trung tâm đang bận. Để khi khác anh nhé!”. Đáng chú ý, có trường hợp còn cho biết: “Nếu nhà anh gần điểm tôi đang bảo dưỡng điều hòa, thì tôi mới đến giúp cho anh được!”.
Cảnh giác trước những mánh khóe tinh vi
Nắng nóng kéo dài, nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa của người tiêu dùng gia tăng, điều này dẫn đến tình trạng, một số thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa “chặt chém” khách hàng. Chị Thu Thảo, nhà ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, hôm 3-6, tiết trời nắng nóng, điều hòa không nhả khí mát nên chị gọi điện thoại tới một cơ sở sửa chữa điện máy trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Sau ít phút kiểm tra, nhân viên sửa chữa cho biết, máy điều hòa hiệu LG loại 9.000 BTU của gia đình chị bị hết sạch gas và chi phí cho việc nạp đầy bình gas là 500 ngàn đồng. “Lúc này, mình chỉ muốn máy điều hòa mát trở lại, chứ mình có biết đâu là cách đây ít bữa, chồng mình mới gọi thợ đến nạp đầy gas. Để rồi, hôm sau, chồng đi công tác về, mới hay chi phí 500 ngàn đồng cho việc thay gas mới là không đúng”, chị Thảo bức xúc nhớ lại.
Chị Thảo chỉ là một trong số nhiều khách hàng đã và đang bị một số thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa “chặt chém” trong những ngày nắng nóng vừa qua. Anh Văn Thành cho hay, một trong những mánh khóe “móc túi” khách hàng của thợ sửa chữa điều hòa là việc đưa ra “bệnh” hết sạch gas hoặc hỏng tụ, hỏng lốc máy trong khi máy điều hòa không làm mát được chỉ là do lỗi vi mạch.
Và tất nhiên, chi phí sửa vi mạch rẻ hơn rất nhiều so với việc thay tụ, thay lốc máy. Đối với các trường hợp nạp gas, hầu hết khi thuê thợ sửa chữa trôi nổi trên thị trường, khách hàng thường bị số thợ này yêu cầu phải trả số tiền ứng với việc nạp đầy gas, trong khi chỉ cần sạc thêm ít gas là đủ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, thợ sửa chữa sẽ đút túi một khoản tiền không nhỏ, thông thường từ 100-200 ngàn đồng đối với loại gas R22 và từ 400-600 ngàn đồng đối với loại gas R410A cho một lần nạp.
Là người có thâm niên trong lĩnh vực sửa chữa, bảo dưỡng, lắp đặt máy điều hòa, nên anh Tô Ngọc Huy hiểu những mánh khóe của thợ sửa chữa điều hòa hơn bao giờ hết. Anh Huy chia sẻ, đối với các khách hàng không phải là người am hiểu các thông số thiết bị máy điều hòa, một số thợ sửa, lắp đặt sẽ “lập lờ đánh lận con đen” bằng cách thay thế một số thiết bị chính hãng bằng thiết bị có giá thành rẻ, kém chất lượng hơn.
Ví như, thay dây điện dẫn lõi đồng (mỗi mét khoảng 14-15 ngàn đồng/m) bằng dây điện lõi nhôm (mỗi mét chỉ có giá 1-2 ngàn đồng/m); rồi số mét dài của ống đồng (có giá khoảng 130-150 ngàn đồng/m) dẫn từ giàn lạnh đến cục nóng được “khai” tăng lên so với thực tế sử dụng. Bên cạnh đó, một số trường hợp nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng còn viện ra những lý do thiếu máy móc, cần đem máy điều hòa của khách hàng về xưởng để kiểm tra. Lúc này, khả năng bị đánh tráo thiết bị kém chất lượng hơn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo anh Văn Thành, anh Huy cũng như một số kỹ sư chuyên về điện máy, để không “tiền mất, chuốc bực vào thân” cũng như hạn chế tình trạng nhân viên sửa chữa “chặt chém”, người tiêu dùng cần tìm tới các công ty, cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng có trụ sở cố định, uy tín có bảng giá dịch vụ rõ ràng thay vì liên hệ tới các số điện thoại quảng cáo rao vặt, không rõ địa điểm cơ sở hoạt động.
Khi nhân viên tới, chúng ta nên hỏi lý do dẫn đến hiện tượng máy điều hòa bị hỏng, đồng thời yêu cầu nhân viên này cung cấp biên bản bảo hành việc sửa chữa, thay mới các thiết bị sau khi đã sửa chữa xong. Từ đấy, nếu có phát sinh hỏng hóc trong quá trình sử dụng sau này, người tiêu dùng sẽ có cơ sở pháp lý để khiếu nại, giải quyết.
Công an Nhân dân