MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để "trồng rau, nuôi cá"

17-09-2020 - 11:28 AM | Sống

Thành An và Mỹ Thuận, cùng 25 tuổi, đã quyết định bỏ Sài Gòn phố thị về Đắk Nông, học làm người nông dân. Cuộc sống 1 năm qua tuy tiền ít hơn, da đen hơn, vất vả hơn nhưng 2 vợ chồng sống vui vẻ, cười nhiều và có mục tiêu sống rõ ràng.

1

"Nếu có ai hỏi em tình yêu màu gì? Em nghĩ nó là màu trắng"

Mình là Thành An còn vợ là Mỹ Thuận, cả 2 đều sinh năm 1995. Thuận thì gốc Lâm Đồng lên Sài Gòn học và làm việc. Còn mình quê Tây Ninh nhưng sống ở Sài Gòn từ nhỏ. Hiện cả 2 đang là... nông dân.

Năm 2018, tốt nghiệp Đại học, Thuận làm marketing, lương 15 triệu. Còn mình làm sale bất động sản, cũng được 10 triệu. 2 đứa còn nhận thêm công việc tự do, mỗi tháng kiếm thêm 8 triệu nữa.

Ngay từ những ngày đầu yêu nhau, Thuận nói với mình về ước mơ căn nhà gỗ nhỏ xung quanh thật nhiều hoa. Có em, anh và đàn chó vui đùa. Hằng ngày cùng nhau trồng cây, chúng mình sẽ có một nông trại hạnh phúc nhiều hoa màu.

Thuận nghĩ rằng ước mơ của em chắc khó với mình, vì ở Sài Gòn sung sướng bao nhiêu, về vườn sẽ phải thay đổi rất nhiều.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 1.

"Nếu có ai hỏi em tình yêu màu gì? Em nghĩ nó là màu trắng. Màu trắng không phải không màu mà nó hội tụ của tất cả các màu sắc. Tình yêu của mình cũng hội tụ đủ cả buồn vui, giận hờn, đau khổ để vẫn nắm tay cùng nhau đi qua mọi khó khăn".

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 2.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 3.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 4.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 5.

Sau khi kết hôn, An và Thuận đã tạm gác công việc và cuộc sống ở Sài Gòn, tìm một mảnh đất ở Đắk Nông, về rừng "nuôi cá và trồng thêm rau".

Đợt đó, Thuận có nhỏ bạn thân bán hạt macca, tụi mình hợp tác cùng làm. Bạn ấy lo việc thu mua, chế biến, sản xuất ở xưởng còn bọn mình ở Sài Gòn bán hàng và marketing. Việc kinh doanh thời gian đầu khá thuận lợi vì gần như lúc nào cũng trong tình trạng "cháy hàng". Bọn mình tính sẽ tìm đất làm trang trại, tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng.

Mình mở lời với ba mẹ về việc đầu tư trồng macca, cả 2 đều ngăn cản. Mình buồn, nhưng thôi, nghĩ lại kêu gọi đầu tư chưa được thì phải chứng minh. Những ngày sau macca tiếp tục "cháy hàng", nhiều trong số khách hàng là những người bạn của mẹ. Dần dần, bà có chút hy vọng, bọn mình được "đà" kể cho ba mẹ nghe về những ý định tương lai và có cam kết rõ ràng.

Đó là điều mình rất biết ơn vì ba mẹ đã tin tưởng và hỗ trợ, không sợ rằng người đời dị nghị sao con cái học Đại học xong mà về làm nông. Bọn mình đã có duyên với nông nghiệp và có sự quyết tâm trở về xây dựng trang trại nên "cả vũ trụ sẽ hiệp sức lại giúp bọn mình đạt được điều mong muốn".

2

Đất chọn người

Bọn mình bắt đầu tìm đất, tìm hiểu về nông nghiệp. Có hôm đi xe máy từ Sài Gòn rong ruổi khắp Tây Nguyên từ 3h sáng, đi qua những con đường chưa từng đi, hết xăng giữa đèo, bị huỷ kèo xem đất,... Tất cả là một hành trình đáng nhớ.

Với kế hoạch ban đầu là trồng cây macca, bọn mình xác định Lâm Đồng hoặc Đắk Nông là phù hợp nhất. Nhưng đất Lâm Đồng đắt "xắt ra miếng", bán theo sào vài trăm triệu là bình thường.

Chuyển hướng qua Đắk Nông, một tỉnh còn mới mẻ nên giá đất còn khá rẻ. Thông tin ít ỏi, bọn mình chỉ tìm được một miếng 10ha khá đẹp và giá cả hợp lý nên gọi điện ngay hẹn ngày đi xem.

3h sáng phóng xe máy từ Sài Gòn, nửa đường thì chủ đất báo họ ở xa, mua miếng đó đầu cơ thôi mà vợ chồng giờ cãi nhau nên chưa biết tính sao, cũng không có ai ở đó dẫn đi xem.

Bơ vơ giữa miền đất lạ, bọn mình cố gắng tìm đến thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông và kèm theo vài tấm hình miếng đất, chui vào từng hẻm, hỏi thăm mọi người nhưng vẫn không tìm ra.

6h tối quyết định chạy xe từ Đắk Nông về Lâm Đồng, bọn mình không ngờ con đèo dài như vậy nên không đổ xăng trước. Đến giữa đường, trời tối om, không đèn, không nhà, xe thì hết xăng. Chẳng đứa nào nói ra nhưng trong lòng ngập tràn nỗi sợ hãi, chỉ biết thầm cầu nguyện và may mắn đi một đoạn gặp được căn nhà sáng đèn.

Chủ nhật nọ ngồi cafe vô tình thấy tin bán đất, cũng là 10ha tại xã Quảng Sơn, lúc ấy chỉ có dòng tin ngắn ngủi. Liên hệ với người bán, họ gửi hình mảnh đất có ngôi nhà gỗ xinh xắn bên cạnh hồ nước, mình cảm thấy đó chính xác là nơi bọn mình tìm kiếm. Bao nhiêu viễn cảnh mơ mộng hiện ra trong đầu.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 6.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 7.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 8.

Căn nhà như trong "vườn địa đàng" của đôi vợ chồng trẻ.

Ngày về xem đất, lái xe chở ba mẹ đi cùng, từ trung tâm xã vào sâu tầm 10 cây số, hai bên chủ yếu là rừng và rừng. Mình nghĩ có thể đất chọn người chứ chẳng hiểu sao có thể tìm được đến nơi xa xôi rừng rú này nữa.

Có một chút hoang mang, một chút phấn khích, một chút lo sợ. Rồi khi vào đến nhà thì chỉ cảm thấy bình yên, không khí thật dễ chịu.

Ở đây không có điện lưới mà xài điện nước nên chủ yếu chỉ có thể thắp sáng, nước dẫn từ suối trong rừng về để dùng, hàng xóm cách xa cả quả đồi, sóng điện thoại chập chờn, không có 3G, ba bữa gặp rắn, bọ cạp một lần,...

3

Bên kia nỗi sợ

Đêm đầu tiên, không có tiện nghi, bọn mình ngủ đất. Mùa đông vì thế càng trở nên lạnh lẽo, chó lâu lâu lại cất tiếng sủa. Hãy nhắm mắt và tưởng tưởng bạn đang ở trong một căn nhà gỗ giữa rừng sâu, xung quanh chỉ toàn cây cối. Lâu lâu thấy rắn ở kệ sách, rồi mới vài hôm trước rắn hổ mang chui vào góc nhà. Nơi ấy nếu có trộm cướp, bạn cũng chẳng biết gọi ai, nơi buổi tối xa xăm lắm mới thấy ánh đèn.

Đó là cuộc sống của bọn mình.

Khu vườn rộng 10ha, 2ha dành để trồng cafe, 2ha macca, 1.000 gốc chuối, 100 cây mít ta hơn 10 năm, còn ít bơ, sầu riêng và cây ăn trái, còn cây rừng trồng khắp nơi. Hiện nay, bọn mình bán cà phê rang xay cũng tương đối ổn định, tạm gọi là đủ ăn.

Mỗi ngày, bọn mình bắt đầu làm việc trễ hơn nông dân bình thường. Làm rẫy khoảng 4-5 tiếng/ngày, thời gian còn lại dành chăm vườn rau hoa quanh nhà. Để quen việc, mình cứ làm tới đâu học tới đó, hỏi thêm hàng xóm và bạn bè có kinh nghiệm, đọc sách rồi làm theo.

Có những lúc mồ hôi ướt hết áo, đau nhức hết người, tay chân chai sần, hai đứa ngồi bệt xuống đất chả nói với nhau câu nào.

Lao động chân tay chưa quen, làm một nghỉ hai. Có lúc ngồi nghĩ nếu giờ này ở Sài Gòn, bọn mình chắc đang nhâm nhi ly trà sữa mát lạnh. Vậy tại sao lại ở đây, kéo 300 bao phân chuồng đi rải khắp vườn, người vừa hôi vừa bẩn thế này.

Vẫn có những lúc hoài nghi và yếu lòng như thế, không phải lúc nào cũng thơ mộng như mọi người vẫn nghĩ.

Nằm bệt dưới gốc sung, nhìn trời xanh, nghe tiếng suối róc rách rồi xuống rửa mặt, nghĩ đến khu vườn xanh mát thay vì dải đất trống. Lòng như được tưới mát. Nay thấy những hạt đậu nảy mầm, mình đã hét to giữa cánh đồng. Niềm vui của người nông dân đơn giản thế thôi. Hành trình trồng cây là vừa ngắm nhìn cái cây lớn lên vừa rèn luyện bản thân vững chãi, trưởng thành hơn.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 9.

Cuộc sống giản dị, hạnh phúc của An và Thuận bên "đàn con thơ".

4

Những thứ "được" khi là nông dân

Là nông dân, bọn mình tự do về thời gian. Thứ 2 mệt thì nghỉ, sáng lạnh quá ngủ nướng thêm chút cũng không sợ trễ giờ. Đi làm không phải chấm công, miễn sao công việc được đảm bảo. Hứng lên đi chơi chẳng phải xin phép ai. Một năm người ta có 12 ngày phép còn nông dân thì làm một mùa, ăn cả năm. Thời gian còn lại tận hưởng cuộc sống, suy ngẫm về cuộc đời, vui chơi bên gia đình. Giống như Đen Vâu có hát: "Thà làm con kiến tự do còn hơn làm chúa sơn lâm ở trong cũi".

Là nông dân, bọn mình tự tay trồng thực phẩm tươi ngon. Rau củ quả từ vườn đến bàn ăn, hái lúc nào ăn lúc đó. Thực phẩm tự tay làm ra ăn nó "đã gì đâu".

Là nông dân, bọn mình được gần gũi thiên nhiên, không khí trong lành, ngày ngày tiếp xúc với cây cối, hoa cỏ thay vì ngồi trong bốn bức tường xi măng. Tinh thần nhờ đó dễ chịu, nhẹ nhàng, ít bị stress hay áp lực, không bị hỗn loạn bởi tiếng ồn xe cộ mà được thư giãn bởi tiếng chim, tiếng suối.

Là nông dân, bọn mình chăm vận động tay chân giúp cơ thể dẻo dai. Chỉ cần ngày ra vườn dạo hai vòng là khoẻ, không cần đi tập gym. Từ hồi về đây, mình giảm hầu hết mỡ, người gầy nhưng săn chắc, sức bền cũng tăng, ăn được ngủ được, ít bị cảm vặt. Ngoài ra còn tiết kiệm chi phí ăn uống, tiền nhà tiền điện. Rồi thoải mái nghịch đất, tắm mưa như hồi nhỏ mà chẳng ai nói gì.

Tuổi trẻ có gì để mất đâu, chỉ sợ không làm gì sẽ đánh mất tuổi trẻ. Cứ hết mình, ngốc nghếch một chút, điên rồ khác người một chút mới đáng nhớ.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 10.

Là nông dân cũng thật vui, vì chẳng phải bận tâm đến những ồn ào và xô bồ phố thị.

5

Cuộc đối thoại với bạn hiền

- Động lực gì khiến mày về vườn nhanh như vậy, mày không sợ gì sao?

- Lúc quyết định, tao chỉ nghĩ nếu còn rất ít thời gian để sống, nếu bỗng nhiên có biến cố gì đó với cuộc sống này, điều khiến tao hối hận nhất là sáng vẫn uể oải bước vào công ty chấm công cho đúng giờ, tối mệt mỏi tan ca kẹt xe giữa dòng người tất bật.

Tao sẽ hối hận vì lâu rồi tao không còn biết cuộc sống này tươi đẹp ra sao, sáng bình minh rực rỡ thế nào, hoàng hôn êm dịu lãng mạn cùng người mình thương hạnh phúc biết bao nhiêu.

Tao sẽ hối hận vì đã lâu không dành thời gian cho sở thích cá nhân khiến cuộc sống tẻ nhạt trong những bức tường khô khan.

Tao sợ trở thành người máy không còn cảm xúc. Không còn biết đồng cảm với nỗi đau của người khác, không biết cho đi.

Tao sẽ hối hận vì quên ước mơ của mình là gì. Tao sợ sống tới cuối đời mà cũng chẳng hiểu tại sao mình tồn tại trên đời này.

Nên tao muốn trở về. Có lẽ tao hèn nhát nên giữa guồng quay cuộc sống thành thị, tao dễ bị cuốn đi. Tao tìm cho mình một không gian yên tĩnh đủ để sáng tạo cuộc sống của riêng mình.

Tao nghĩ lúc chết đi. Nếu có cơ hội xem lại đoạn phim cuộc đời mình, tao mong mình sẽ không phải hối tiếc quá nhiều.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 11.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 12.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 13.

Cuộc sống ý nghĩa là khi được ở cùng người mình yêu, làm công việc yêu thích, không phải "sống chồng lên nhau", ngày đối mặt với 4 bức tường bê tông công sở.

6

"Ở đây, mày giải trí thế nào?"

Ngày còn ở phố, mình làm việc 8 tiếng trong mệt mỏi, mắt dán vào màn hình trong bốn bức tường, đến nỗi vai và cổ đau nhức, người ê ẩm, luôn căng thẳng. Muốn tiếp tục làm việc mình phải dành thời gian để nghỉ ngơi đầu óc bằng cách đi xem phim, gặp bạn bè nói chuyện phiếm, đọc sách, mua sắm, lướt Facebook hằng giờ để sáng mai tiếp tục làm việc. Cứ thế ngày qua ngày.

Nếu không giải trí đủ, chắc mình sớm thành con robot, không cảm xúc, dễ stress và manh động.

Về vườn, mỗi ngày mình lao động chân tay như cầm cuốc, bốc phân, lôi ống, hái cà phê,... Nói thật là rất mệt, nắng nôi, vất vả,... nhưng vô gốc cây nghỉ, uống miếng nước, ăn miếng bánh độ 10 phút là khoẻ lại bình thường.

Lâu rồi mình không bị stress áp lực công việc, nhẹ nhàng đầu óc. Tối mình thường đọc sách, lướt Facebook, lâu lâu xem phim,... và đôi khi còn cảm thấy lãng phí thời gian quá, chắc còn phải giảm bớt lại.

Với mình, trồng cây, chăm sóc cây, loanh quanh ngoài vườn là một thú giải trí hay ho. Mình thích công việc thì chẳng có gì là áp lực hay stress.

Khi nào chúng ta không thực sự đam mê, yêu thích công việc thì sau mỗi lần tan ca, đều phải tìm chỗ để giải toả vì quá mệt mỏi. Làm được công việc mình thích chính là một công đôi chuyện, vừa kiếm tiền cho đầy ví mà vừa được "chill".

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 14.

Khu vườn 10ha, 2ha dành để trồng cafe, 2ha macca, 1.000 gốc chuối, 100 cây mít ta hơn 10 năm, còn ít bơ, sầu riêng và cây ăn trái linh tinh, cây rừng trồng khắp nơi.

7

Tấm bằng quan trọng nhất trên đời, có lẽ là "bằng lòng"

Lần đầu lên thăm, mẹ khóc và thuyết phục về lại Sài Gòn cho cuộc sống tiện nghi và đầy đủ. Thứ suy nghĩ cũng đôi lần ập đến trong những lúc hết tiền hay khó khăn. Về lại phố thị, mình cũng có tấm bằng, vẫn đi xin việc kiếm cơm được thôi, nhưng chỉ có điều chắc mình không "bằng lòng" được.

Lần sau, mẹ ra vườn nhổ cỏ, ngắm hoa, trồng rau, sống chậm lại, cảm nhận cuộc sống. Mẹ bảo về đây quên hết mệt mỏi, chẳng phải bon chen với ai nữa. Rồi bắt đầu trở thành nông thương, gom thùng xốp trồng hoa trái trên sân thượng chật hẹp, thiếu ánh sáng.

Dần dần thấy cuộc sống thật ra rất đơn giản, đến tuổi này cũng chẳng mong cầu điều gì, chỉ cần có thực phẩm tươi ngon, không khí mát mẻ, tự trồng rau củ, tự do tự tại, dành thời gian ngồi thiền, tu dưỡng.

Và rồi mẹ quyết định sẽ bỏ phố về vườn cùng tụi mình luôn.

8

"Hay mình không ở đây nữa"

Vài lần bọn mình đã nói với nhau như vậy.

Lần đầu tiên là khi có người phá hàng rào vườn. Bất an, mất ngủ và bỏ về Sài Gòn để lấy lại cân bằng. Chuyện hàng xóm không thiện lành, chặt mấy cây ngay hàng ranh để lấn đất. Mùa khô hạn mà bị ai đó lỡ tay đốt vườn, cháy mất đoạn ống.

Lúc mới về vườn, bọn mình nhận nuôi Lucky - một chú chó bị bỏ trong thùng rác ở Sài Gòn. Lucky đẻ được 4 đứa nữa. Khi cả đàn chó bị bệnh, rồi một em bị dính pravo, bệnh viện lại cách xa 40km. Con chó mất, lúc ấy bọn mình cảm thấy cô đơn, lỡ may cả đàn cũng bỏ bọn mình đi hết thì biết phải làm sao?

Rồi nằm suy nghĩ năm sau lấy tiền đâu duy trì vườn, lấy nguồn thu từ đâu để cải tạo vì vài năm nữa cây mới cho thu, đôi khi cũng rơi vào bế tắc.

Về vườn hay ở đâu cũng sẽ có những chuyện không như ý. Ban đầu mình căng thẳng, "bù lu bù loa" như trời sập. Giờ học cách chấp nhận, bình tĩnh hơn để giải quyết vấn đề.

Mọi chuyện xảy ra đều có lí do cả, có những người mình gặp để học được là "Đừng làm những chuyện giống họ làm". Nhìn thấy sự hoàn hảo trong thế giới bất hảo, đó là cả một nghệ thuật sống cần học cả đời.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 15.
Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 16.

9

"Chắc có vấn đề gì đó mới chui tận vào rừng ở"

Có mấy anh thanh niên tầm 20 tuổi làm vườn thuê ngạc nhiên bảo "Cho em tiền em cũng không dám ở đây, vừa buồn vừa sợ, đã vậy chẳng quen biết ai".

Rồi anh chị bán giống chuối cách chỗ bọn mình tầm 7 cây số cũng thắc mắc sao không mua đất chỗ nào ngoài lộ, ở trong này lâu chắc bị "ngố" rừng mất. Gặp ai hỏi thăm họ cũng rất ngạc nhiên và nghĩ chắc có vấn đề gì đó mới chui tận vào rừng ở.

Lúc chuẩn bị khăn gói từ Sài Gòn về Đắk Nông, ai biết cũng cảnh báo nhẹ "khổ lắm đó nha, nghe sợ quá, nhắm chừng làm được không đó hay làm ba bữa là bỏ, trồng cây giờ sợ đầu ra lắm,... ". Cũng may lúc đó bọn mình rất quyết tâm và "lì", đi theo tiếng gọi con tim mặc kệ ai nói gì.

Mình là đứa dám chịu trách nhiệm 100% về cuộc đời, về những lựa chọn của bản thân, không đổ lỗi, sướng khổ thế nào cũng là do mình chọn.

Thật ra khi làm bất cứ việc gì, thì bên ngoài cũng sẽ có ý kiến trái chiều, mình lắng nghe và xem đó như một điều phải lưu ý để cuộc sống bền vững hơn.

Người ta không tin tưởng mình, đó là việc của người ta. Gió vùi dập mình, cũng là việc của gió. Còn mình thất bại, vấp ngã, lung lay thì hoàn toàn là do bản thân. Mình nhận ra nếu nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc đời, mình đang làm chủ vận mệnh. Khi nào mình còn đổ lỗi tại sếp, tại ba mẹ, tại hoàn cảnh,... thì vẫn còn giao cho người khác nắm lấy cuộc đời.

10

Không phải ai sinh ra cũng để "trồng rau, nuôi cá"

Không có nghề nghiệp nào phù hợp với tất cả mọi người. Không phải ai sinh ra cũng để "trồng rau, nuôi cá".

Và đương nhiên chẳng có nơi nào là phù hợp với tất cả. Tính cách của bạn thích đông vui, sôi nổi, nếu về quê, không bạn bè, không tiện ích thì sống sao? Đừng nghe người ta bảo cứ về quê là bình yên, cứ sống ở thành phố nếu vẫn thấy vui.

Bọn mình hay bảo với nhau, bây giờ trẻ sống ở đây, nếu già mà chán thì xuống Sài Gòn đi... nhảy đầm cho vui. Ngược đời vậy có sao, miễn là mình vui với lựa chọn của bản thân.

Con đường mỗi người mỗi khác, sứ mệnh nào có giống nhau. Đừng lên án người không chọn giống mình. Và tự ngẫm nghĩ con đường của riêng mình, đừng chạy theo người khác.

Mình không khuyên cụ thể vì mọi người sẽ có câu chuyện của riêng mình. Với cá nhân, cho dù "trồng rau, nuôi cá" hay bất kể vấn đề gì, nếu bạn trẻ và có khát khao, hoài bão thì hãy cứ làm đi, đừng ngại ngần gì cả. Cứ thử dấn thân và trải nghiệm. Nếu sai làm lại từ đầu trên một con đường khác, còn trẻ nghĩa là còn thời gian quay lại.

Và hơn thế, bớt vẽ những nỗi sợ hãi, vì chúng đa phần không thực tế mà do mình tưởng tượng ra, cứ bám lấy nó sẽ bị chìm xuống. Mọi khó khăn đều là thử thách, bạn dũng cảm vượt qua thì mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn.

Chúng ta dù trong bất kỳ lĩnh vực hay việc gì cũng nên có bản lĩnh, là để làm gì? Để chịu trách nhiệm với những gì chúng ta lựa chọn.

Những mẩu chuyện chưa kể của đôi vợ chồng trẻ bỏ phố về rừng: Không phải ai sinh ra cũng để trồng rau, nuôi cá - Ảnh 17.

11

Nhà nên có hai người

Dịch Covid-19 khiến bọn mình hoãn đám cưới 2 lần, dự định sẽ có em bé, nhưng khoảng 3-4 năm sau cưới. Sinh ra và lớn lên ở trang trại không hẳn là trở ngại mà nó còn thuận lợi vì con được gần thiên nhiên.

Mỗi năm qua đi, bọn mình thường nhìn lại và hỏi rằng: "Liệu mình có đang tốt lên hay không?"

Chúng ta thường hay nghĩ rằng tốt hơn chính là lương cao hơn, chức to hơn, dáng đẹp hơn, nhà cao hơn, xe sang hơn. Đúng nhưng chưa trọn vẹn. Cảm thấy tốt hơn xuất phát từ bên trong hơn là sự công nhận bên ngoài.

Có người tốt hơn là đi du lịch, đi phượt khám phá nhiều hơn hoặc nấu ăn ngon hơn, học ngoại ngữ tốt hơn, đọc sách nhiều hơn,... Chẳng ai giống ai nhưng có lẽ điểm chung sẽ là chúng ta thấy hạnh phúc hơn, yêu đời hơn, bao dung hơn, trưởng thành hơn, tử tế hơn.

Như bọn mình, một năm qua: tiền ít hơn, da đen hơn, vất vả hơn nhưng mình có thấy tốt hơn không? Với mình là có, mình trồng được nhiều cây hơn, sống vui vẻ hơn, cười nhiều hơn, bớt phán xét mọi người, bao dung hơn, có mục tiêu sống rõ ràng hơn.

Trở nên tốt hơn, phát triển hơn chính là động lực khiến chúng ta sống và sống hạnh phúc.

Nhà nên có hai người

Một người pha trà, một người ngâm thơ

Một người tinh tế, một người như trẻ nhỏ

Một người không bao giờ từ bỏ

Và người kia cũng không bao giờ buông tay

Dẫu thế gian đổi thay, thật may, vì nhà luôn có hai người.

(Thơ: Sưu tầm)


Theo Minh Nhân

Báo dân sinh

Trở lên trên