Những năm 20 tuổi kiếm được đồng nào tiêu sạch đồng đó, tiết kiệm là chuyện quá xa vời: Chỉ vài năm sau là thấy hối hận
Quản lý tài chính có thực sự chỉ là câu chuyện của người có nhiều tiền hay không?
- 27-04-2024Thu nhập gần 200 triệu/năm nhưng 0 đồng tiết kiệm, nợ tín dụng 50 triệu chỉ vì một sai lầm chí mạng
- 24-04-2024Sau khi nghỉ hưu, tôi kiên quyết từ bỏ 3 thói quen tiết kiệm không tốt này
- 23-04-2024Lớp 8 được bố mẹ dạy kỹ 1 nguyên tắc tiêu tiền, vừa ra trường cô gái có 120 triệu tiết kiệm và vàng
Nhiều người vẫn cho rằng, mấy chữ “quản lý tài chính" nghe có vẻ to tát. Chúng chỉ phù hợp với người đi làm lâu năm và tiền bạc dư dả chứ khi mới 20 tuổi, đồng lương ít ỏi thì việc này không quá cần thiết.
Đương nhiên, quan điểm này đúng hay sai còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và tình hình tài chính của mỗi người. Tuy nhiên, có những người khi đã bước qua độ tuổi đầu 20 mới cảm thấy tiếc nuối vì không ý thức tìm hiểu về quản lý tài chính và tiết kiệm từ sớm. Hai bạn trẻ dưới đây là ví dụ.
Từng luôn có đủ lý do để không tiết kiệm tiền
Huyền Trang (29 tuổi) chia sẻ, cách đây 6 năm, cô đã có mức lương đáng mơ ước với nhiều người trẻ mới ra trường, đó là kiếm được 20 triệu đồng/tháng từ công việc văn phòng. Nhưng có một điều không khác biệt so với thời điểm chỉ kiếm được lặt vặt 7-8 triệu đồng đó là Huyền Trang không có một đồng tiết kiệm.
Thu nhập tăng cao khiến Huyền Trang rơi vào bẫy lạm phát lối sống. Cô đi ăn uống sang chảnh, mua sắm cho bản thân nhiều hơn, từ chối các thói quen chi tiêu giản dị thời còn sinh viên như nấu ăn tại nhà, tận dụng đồ cũ, mua đồ giá rẻ,...
Huyền Trang cho hay: “Thời điểm đó, mình luôn có đủ lý do để bao biện cho hành vi không tiết kiệm được tiền. Mình không nấu ăn ở nhà, sẵn sàng dành bộn tiền ăn ngoài vì ‘mình xứng đáng được tận hưởng’, ‘ăn một vài bữa thì có tốn kém gì đâu?’. Mình đi du lịch bất chấp tiền lương còn nhiều hay ít vì ‘bạn bè mình mời mà', ‘tuổi trẻ giờ không đi thì đợi đến bao giờ?’,... Với suy nghĩ ‘cả tháng trời làm việc vất vả, mình không thể bị đày đọa trong phòng trọ 1 triệu đồng/tháng hay hàng ăn bình dân', mình lại càng vung tay quá trán".
Ảnh minh hoạ
Cũng vì thế, suốt thời gian dài Huyền Trang luôn tiêu hết tiền lương kiếm được. Cô chỉ ngừng tiêu xài khi thấy ví tiền đã dần quay về con số không. “Nhìn lại thói quen chi tiêu lúc đó, mình mừng vì luôn biết dừng lại khi bản thân đã hết tiền. May là thu nhập của mình lúc đó khá cao và mình chỉ tiêu sạch tiền lương, chứ không có gan đi vay nợ. Nên mình chưa dính vào vòng xoáy nợ nần hay ảnh hưởng đến cha mẹ", cô nàng kể lại.
Tuy nhiên, tư duy tài chính này của Huyền Trang đã phải thay đổi. Đó là khi cô nhận ra sau 4 năm đi làm, trong khi bạn bè tăng lương vùn vụt còn mức lương của Huyền Trang vẫn chỉ dừng lại ở 20 triệu đồng/tháng. Nhận ra môi trường công việc độc hại, bản thân muốn chuyển ngành để tìm kiếm cơ hội mới nhưng tài khoản tiết kiệm trống rỗng đã kéo Huyền Trang về với thực tại.
“Lúc này, mình nhận ra mọi quyết định của bản thân đều bị hạn chế vì 3 chữ ‘quỹ tiết kiệm'. Mình không đủ tiền để ứng phó với các rủi ro khi tìm kiếm cơ hội mới, chưa nói đến các dự tính tương lai lớn khác”, Huyền Trang kể và thừa nhận cái sai là nuông chiều bản thân quá mức.
Sau một thời gian đắn đo, Huyền Trang vẫn quyết định bắt đầu lại từ đầu ở lĩnh vực mới, với mức lương thực tập sinh chỉ 10 triệu đồng/tháng. Quay về với mức lương thấp, cô nàng cũng phải hạ mức sống và nhận ra, trước đây mình đã chi tiền phung phí như thế nào.
“Giờ đây mức lương của mình đã tăng đến 30 triệu/tháng. Tuy nhiên, suy cho cùng mình vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm khi còn nhận lương 10 triệu/tháng. Khi lương 30 triệu hay 10 triệu, mình chỉ tiêu 7-10 triệu cho chi phí sinh hoạt. Còn lại bao nhiêu, mình đi gửi tiết kiệm và đầu tư.
Giờ đây, dù lương cao thì mình thấy ổn với mức sống này, cũng như không còn chạnh lòng khi người ta đi chơi, du lịch hay mua điện thoại mới. Mình không còn sắm đồ hiệu, ít đi chơi vô bổ và luôn có quỹ tiết kiệm, ít nhất là ½ thu nhập tháng đó. Suy cho cùng, bạn không nên đổ lỗi tại một vấn đề nào đó mà không tích cóp được, hãy đặt mục tiêu và cứ thế thực hiện thôi”.
Ảnh minh hoạ
Chơi bời quá tay dẫn đến mắc nợ tín dụng 100 triệu đồng
Tuấn Hùng (27 tuổi) nhớ lại, cách đây 3 năm, anh làm nhân viên văn phòng dưới quê, kiếm được 15 triệu đồng/tháng. Với mức chi phí sinh hoạt rẻ tại vùng ngoại thành, kèm theo không mất tiền nhà do vẫn còn sống chung cùng gia đình thì tiền lương này đủ để Tuấn Hùng không gặp nhiều khó khăn về chi tiêu, ít nhất là không dính vào cảnh nợ nần.
Tuy nhiên, do còn trẻ tuổi và yêu thích chơi bời nên anh chàng liên tục vung tiền vào các khoản ăn chơi cùng bạn bè. Chính thói quen này khiến Tuấn Hùng luôn tiêu hết sạch tiền lương kiếm được, lúc túng thiếu thì tìm đến thẻ tín dụng. Ngoài ra, khi thấy mình ngày càng tiến sâu vào vòng xoáy nợ nần, Tuấn Hùng không dừng tay mà tiếp tục đưa tiền nhờ bạn mang đi đầu tư. Kết quả tiền lời không thấy đâu mà chỉ nghe người bạn này báo rằng đầu tư thua lỗ, anh chàng “có chơi có chịu" nên không được trả lại số tiền đã mất.
“Cứ như thế, sau 1 năm, mình có khoản nợ từ thẻ tín dụng là 100 triệu đồng. Đây có thể không phải con số quá lớn với nhiều người. Nhưng với mình, thông báo mang nợ từ ngân hàng khiến bản thân buộc phải đối diện với nhiều câu hỏi: ‘Mình định cứ mãi sống như thế này sao?’, ‘Nếu tiền nợ cứ tăng lên thì tiền lương của mình làm sao gánh nổi?’”, Tuấn Hùng nhớ lại.
Ảnh minh hoạ
Kể từ đó, Tuấn Hùng bắt đầu bước vào hành trình trả hết nợ thẻ tín dụng, đồng thời từ bỏ lời mở rủ rê ăn uống hay chơi bời vô bổ nhưng chỉ khiến mình nghèo đi.
“Mình mất khoảng 1,5 năm sau mới trả hết nợ thẻ tín dụng. Việc trả nợ không quá khó khăn, do mình vẫn đang ở cùng gia đình và chi phí tại quê rẻ nên cuộc sống không quá vất vả. Nhưng mình tiếc là đánh mất số tiền kiếm được, cũng như cái nhìn của bố mẹ dành cho đứa con trai lớn như mình".
Lời khuyên tài chính nào cho những người trẻ mới ngoài 20?
Với Tuấn Hùng, anh cho rằng khi còn trẻ chúng ta dễ bị lao vào các hình thức sinh lời nhanh hay lời rủ rê chơi bời cùng bạn bè. Nhưng đây sẽ là cái bẫy khiến bạn luôn hết tiền. Bên cạnh đó, anh cho rằng nếu dùng thẻ tín dụng để xoay vòng đồng tiền hay tận dụng ưu đãi thì rất tốt. Nhưng nếu dùng thẻ tín dụng mà không rõ bản thân có trả tiền đúng hạn được hay không, thì tốt nhất đừng bao giờ đụng đến chúng.
Trong khi đó, Huyền Trang bày tỏ, mọi người nên tiết kiệm từ sớm, chứ đừng đợi đến lúc tuổi tác tăng cao, áp lực nhiều mới thấy thất vọng vì không còn đồng nào trong túi. “Nếu bạn còn trẻ, thì ít nhất hãy cố gắng để dành được ⅓ thu nhập hàng tháng. Đồng thời, bạn nên trích ra một khoản để đầu tư và học về đầu tư như mua cổ phiếu và vàng,... Càng đầu tư từ sớm thì bạn nhận ra chúng sẽ không quá khó khăn và có thể mang lại dòng tiền lớn thế nào", cô nàng bày tỏ.
Nhịp Sống Thị Trường