Những ngân hàng nào đang có tỷ lệ an toàn vốn cao nhất?
Ảnh minh họa
CAR của một số ngân hàng đang cao hơn từ gấp rưỡi đến gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu 8%.
- 07-11-2022Những sự kiện quan trọng sẽ tác động tới các thị trường tài chính tuần này
- 06-11-2022"Ông vua" CASA chính thức tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn
Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025" của Chính phủ có một mục tiêu quan trọng: Phấn đấu đến năm 2023 tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 - 12%.
Tại thời điểm này, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã vượt xa mục tiêu trên, đạt mức 2 con số, góp phần quan trọng gia tăng bộ đệm về chỉ tiêu an toàn của ngân hàng.
Theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm vừa công bố, một số ngân hàng có CAR cao nhất phải kể đến Techcombank 15,7%, HDBank với 15,3%, VPBank đạt xấp xỉ 15%, VIB đạt 12,4%, ACB và MSB cùng đạt 12,5%. Riêng TPBank có CAR tính theo Basel III (khắt khe hơn so với Basel II) đạt 12,25%...
Như vậy CAR của các nhà băng trên đang cao hơn từ gấp rưỡi đến gần gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu 8%.
Hệ số CAR cao có thể ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả sử dụng vốn của nhà băng, bởi thiên về chủ động phòng thủ cho an toàn vốn hơn là đẩy mạnh sử dụng vốn. Tuy nhiên, tại các ngân hàng có CAR cao ở thời điểm này lại cho thấy các chỉ số sinh lời vẫn ổn, thậm chí ở nhóm dẫn đầu.
Chẳng hạn HDBank đạt lợi nhuận trước thuế 8.016 tỷ đồng trong kỳ vừa công bố, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 82% kế hoạch năm. Các chỉ số sinh lời như ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt 25,2%, tăng từ 23,3% tại 31/12/2021; ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) đạt 2,2%, tăng từ 1,9% tại 31/12/2021. Tại Hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư, công bố kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm 2022 của HDBank mới đây, Phó chủ tịch HĐQT HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cũng nhấn mạnh rằng kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng qua là "tốt nhất từ trước tới nay", dù trong bối cảnh nhiều biến động của thị trường và kinh tế thế giới.
VIB trong khi đó có lợi nhuận 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số ROE đạt tới 30%. Techcombank thì đạt lợi nhuận 20.800 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân 9 tháng qua và xếp thứ 2 trong hệ thống chỉ sau Vietcombank.
Tại VPBank, lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong 9 tháng đầu năm tăng tới 69% so với cùng kỳ, đạt hơn 19,8 nghìn tỷ đồng; ROA ở mức 3,5%; ROE đạt 22,5% - cũng thuộc top đầu ngành.
TPBank ghi lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 5.926 tỷ đồng tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ tương đương tăng 35% và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại ACB, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 13.503 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với cùng kỳ 2021 và đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng cao, ROE của ACB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu thị trường, lên trên mức 27%.
Khi đánh giá về chỉ tiêu an toàn của ngân hàng, có 3 chỉ số thường được sử dụng đó là: tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động (LDR), tỷ lệ nợ xấu và hệ số an toàn vốn. Hiện nay hệ số CAR đang được quy định cách tính chuẩn hóa cụ thể trong Thông tư số 41 năm 2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II.
Theo các chuyên gia tài chính, CAR là một chỉ tiêu phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro. Như cách gọi là "bộ đệm", một tỷ lệ CAR cao giúp ngân hàng giảm ảnh hưởng trước những rủi ro, cũng như phản ánh sự chủ động trước rủi ro tiềm ẩn và qua đó cũng phản ánh nhất định khẩu vị rủi ro và chất lượng tài sản của ngân hàng đó.
Mặt khác, CAR càng cao thì mức độ bảo vệ tài sản của người gửi tiền càng cao, cũng như mức độ bảo vệ tài sản ngân hàng và lợi ích cổ đông. Giá trị này càng trở nên nổi bật và cần thiết, khi môi trường hoạt động và nền kinh tế bộc lộ những biến động tiềm ẩn rủi ro; đặc biệt hiện nay với xáo trộn lớn trên thị trường tài chính thế giới, lạm phát leo thang tại nhiều nền kinh tế lớn, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn kéo dài…
Trở lại với các ngân hàng có CAR cao đề cập ở trên, ở các nhà băng này cũng đang tuân thủ tốt các chỉ tiêu an toàn khác theo quy định. Chẳng hạn HDBank có tỷ lệ cho vay/huy động vốn (LDR) đạt 71,4%; của MSB đạt 74,3%; Tỷ lệ LDR của ACB đạt mức 83%, của TPBank là 60,91% hay VIB đạt 75%, VPBank đạt 76,5%..., đảm bảo tốt mức trần 85%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của HDBank hiện chỉ 15,9% trong khi yêu cầu của NHNN là 37%, tại MSB tỷ lệ này là 25,17% và VPBank là 27,3%, duy trì an toàn tốt. theo luật định. Tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng này cũng duy trì rất thấp, chỉ trên dưới 1%, trong khi quy định của NHNN là 3%.
Nhịp sống thị trường
- HDBank: Lơi nhuận 2023 đạt 13.017 tỷ đồng, ROE 24,2%, phát hành báo cáo bền vững 2024
- The Asia Banker đánh giá xếp hạng sức mạnh tài chính các ngân hàng Việt
- Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của LPBank
- Đâu là vấn đề khiến các ngân hàng lo lắng nhất trong năm 2023?
- Vì sao nhiều ngân hàng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ?