MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngân hàng sẽ được nới "room" tín dụng vào tuần sau

27-08-2022 - 11:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Những ngân hàng sẽ được nới "room" tín dụng vào tuần sau

Đúng như TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị, "không tháo gỡ rào cản về dòng vốn, khó thúc đẩy Chương trình phục hồi doanh nghiệp”, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo "room" tín dụng vào đầu tuần sau.

Tại Diễn đàn Tài chính 2022, chủ đề “Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 24/8 tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ quốc gia – cho rằng, về gói hỗ trợ lãi suất mà một số ý kiến phản ánh của các TCTD là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên linh hoạt hơn về hạn mức tăng trưởng tín dụng.

 Những ngân hàng sẽ được nới room tín dụng vào tuần sau - Ảnh 1.

Từ đầu cầu Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, cố vấn Nội dung Diễn đàn "Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới", đã chia sẻ trực tuyến với các Lãnh đạo doanh nghiệp về việc vì sao nếu không nới "room" tín dụng sớm, sẽ rất khó thúc đẩy Chương trình phục hồi. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

“Theo tôi, không nên chờ đến quý 4 hoặc cuối năm khi giá cả, lạm phát êm rồi… mới nới "room" tín dụng vì làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi thực của nền kinh tế và của doanh nghiệp. không nới room kịp thời thì cũng sẽ khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất vì nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ này”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm vừa diễn ra sau sự kiện Diễn ra đàn Tài chính nói trên 2 ngày, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chia sẻ thông tin mới nhất về lộ trình bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Cụ thể, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết chậm nhất là đầu tuần sau sẽ thông báo về hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Được biết, tại Hội nghị này, các ngân hàng không còn kiến nghị về việc cần tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng, dù trước đó vào tháng 5, nhiều ngân hàng được đều đồng loạt đề nghị NHNN nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để triển khai gói hỗ trợ tốt hơn.

Một lãnh đạo NHTM nói với Diễn Đàn Doanh nghiệp, trên thực tế, việc họp xem xét nới "room" tín dụng đã diễn ra vài lần và các ngân hàng cũng đã sớm “thích nghi” với “trạng thái mới”, phải chấp nhận có "room" tín dụng thì mới tính đến chuyện giải ngân cho vay.

Riêng với gói hỗ trợ lãi suất thì những khó khăn không chỉ nằm ở chỗ hạn mức tín dụng không còn để giải ngân, mà còn ở những liên quan đến việc xác định đối tượng thụ hưởng, điều kiện cho vay, loại tiền giải ngân, quy định phải có đăng ký kinh doanh của các hộ kinh doanh… Đặc biệt, tâm lý e ngại của khách hàng khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước thì phải tuân thủ hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là các nguyên nhân chung dẫn đến gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai một thời gian nhưng hiệu quả vẫn còn kém.

 Những ngân hàng sẽ được nới room tín dụng vào tuần sau - Ảnh 2.

Diễn đàn Tài chính 2022 đã đặt ra các vấn đề về xây dựng chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp

Thông tin NHNN sẽ thông báo về việc nới "room" tín dụng đầu tuần sau khiến nhiều người cũng đặt chờ mong về danh sách các ngân hàng sẽ được có “room”, dù trong quá khứ trên thị trường ít khi có công bố danh sách một cách cụ thể, đầy đủ và công khai.

Tuy nhiên trước khi thông báo về bổ sung hạn mức tín dụng, NHNN đã có thông điệp rõ trong báo cáo về hoạt động điều hành tín dụng là đã phân bổ hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên hai cơ sở chính.

Thứ nhất là theo kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Cụ thể, Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo 6 tiêu chí, gồm: Vốn, Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành, Kết quả hoạt động kinh doanh, Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.

Thứ hai là xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.

Giới chuyên môn cho rằng các tiêu chí này có thể tiếp tục sẽ là "kim chỉ nam" và cộng với giải ngân thực tế, chất lượng tín dụng của giai đoạn qua, để xem xét về bổ sung hạn mức tín dụng còn lại cho các ngân hàng.

Theo đó, nhóm Big 4 gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank là những ngân hàng có sự hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho nền kinh tế theo lời kêu gọi của NHNN trong giai đoạn đại dịch COVID-19, và cũng là những ngân hàng đăng ký mạnh trong gói hỗ trợ lãi suất 2%, được cho sẽ có thể có “room” phần nào “thoáng hơn”.

Ngoài ra, những ngân hàng có kế hoạch tiếp nhận bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém cũng có thể được phân bổ hạn mức tín dụng ở mức cao trong nửa còn lại của năm 2022 và các năm tới.

 Những ngân hàng sẽ được nới room tín dụng vào tuần sau - Ảnh 3.

Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, MB, HDBank,Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB, VIB... đang được kỳ vọng trong nhóm nới "room" tín dụng cao. Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Như vậy, Vietcombank sẽ là ngân hàng có lợi thế lớn vì đáp ứng cả 2 tiêu chí trên khi Vietcombank cũng tham gia tái cơ cấu với CBBank, đồng thời đây là ngân hàng hiện đang dẫn đầu toàn thị trường với tỷ lệ bao phủ nợ xấu kỷ lục trên 500%.

Ngoài ra, nhóm tham gia tái cơ cấu còn có MBBank (với việc công bố đối tác chiến lược, triển khai các thỏa thuận nguyên tắc cùng OceanBank), và gần đây HDBank cũng đã lấy ý kiến, được cổ đông thông qua kế hoạch tham gia tái cơ cấu với việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD yếu kém. MB và HDBank vì vậy cũng được dự đoán sẽ có cơ hội đón “room” tốt hơn.

Nhóm các ngân hàng có hệ số CAR cao và mô hình quản trị rủi ro tốt, ngoài Vietcombank, MB, HDB, sẽ có Techcombank, VPBank, ACB, TPBank, MSB, VIB… cũng trong danh sách dự đoán sẽ được xét cấp hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành trong dài hạn. Đây cũng là ngân hàng nhận "room" tín dụng cao hơn so với nhiều TCTD khác và trung bình ngành trong 2021.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Trưởng đại diện Hiệp hội NHNN tại TP HCM đã chia sẻ trước đó tại Diễn đàn Tài chính 2022, NHNN vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Điều này cũng đã được NHNN khẳng định như nêu trên Do đó, việc nới room tín dụng trong đợt này sẽ là rà soát của phần còn lại và ước tính trong khoảng 457 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng TP HCM sẽ còn khoảng 150 nghìn có thể được giải ngân. Đó vừa là một nguồn vốn quý giá kịp thời cần được giải ngân sớm, lại vừa có phần eo hẹp đối với nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đặc biệt vào giai đoạn tăng tốc cuối năm.

Theo số liệu tổng hợp của NHNN, qua 3 tháng triển khai, doanh số cho vay được HTLS mới đạt gần 4.407 tỷ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được HTLS đạt khoảng 4.300 tỷ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8/2022 khoảng 13,5 tỷ.

Theo số liệu NHNN, tính đến ngày 15/8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng, tăng 9,62% (cùng kỳ năm 2021 tăng 6,68%). Với mục tiêu tăng trưởng 14%, trong hơn 4 tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế còn có thể tăng thêm 4,38%, tương đương quy mô khoảng 457.000 tỷ đồng.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên