MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 1/12/2020

26-11-2020 - 10:40 AM | Xã hội

Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập ở trong nước, phạt đến 10 triệu đồng nếu đăng, phá ảnh cá nhân trên báo chí không đúng quy định... là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 12/2020.

Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập ở trong nước

Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, có hiệu lực 01/12/2020.

Theo đó, Điều kiện giải thể đơn vị sự nghiệp công lập trong nước như sau:

– Không còn chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, phục vụ quản lý nhà nước;

Tổng hợp văn bản có hiệu lực trong tháng 12/2020

– Không đáp ứng đủ tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật;

– Ba năm liên tiếp hoạt động không hiệu quả theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền;

-Thực hiện theo quy hoạch ngành quốc gia hoặc quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phạt đến 10 triệu đồng nếu đăng, phá ảnh cá nhân trên báo chí không đúng quy định

Ngày 07/10/2020, Chính phủ ban hành  Nghị định 119/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, có hiệu lực 01/12/2020.

Theo đó, Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Đăng, phát thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng ít nghiêm trọng;

– Minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin;

– Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là 1 năm

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, có hiệu lực 05/12/2020.

Theo đó, Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn như sau:

– Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Quá thời hiệu thi hành nêu trên mà cơ quan thuế chưa thực hiện giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định này thì không thi hành quyết định xử phạt.

Trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

– Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

– Trường hợp cơ quan thuế đã giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định này nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền phạt, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp thì cơ quan thuế phải theo dõi các khoản tiền chưa nộp trên hệ thống quản lý thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định để thu đủ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Hướng dẫn mới về thời hạn nộp tiền sử dụng đất

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế, có hiệu lực 05/12/2020.

Theo đó, thời hạn nộp tiền sử dụng đất như sau:

– Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.

– Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.

– Chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày ban hành Thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 100% tiền sử dụng đất theo thông báo trong trường hợp xác định lại số tiền sử dụng đất phải nộp quá thời hạn 5 năm kể từ ngày có quyết định giao đất tái định cư mà hộ gia đình, cá nhân chưa nộp đủ số tiền sử dụng đất còn nợ.

Quy định về cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng trong  lĩnh vực hải quan

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, có hiệu lực 10/12/2020.

Theo đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp không thực hiện trích chuyển tiền của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan của người có thẩm quyền, trừ trường hợp sau:

Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích chuyển vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với ngân hàng thương mại không thực hiện trách nhiệm trích chuyển tiền từ tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với số tiền thuế nợ phải nộp của người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, trừ trường hợp các tài khoản của người nộp thuế không còn số dư hoặc đã trích chuyển toàn bộ số dư tài khoản của người nộp thuế vào tài khoản của ngân sách nhà nước nhưng vẫn không đủ số tiền thuế nợ mà người nộp thuế phải nộp.

Người thừa kế có quyền khiếu nại 

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 124/2020/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, có hiệu lực từ 10/12/2020.

Theo đó, Người khiếu nại đang thực hiện việc khiếu nại bị chết mà quyền, nghĩa vụ của người đó được thừa kế theo quy định của pháp luật thì người thừa kế có quyền khiếu nại; người thừa kế khi khiếu nại phải xuất trình với cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giấy tờ để chứng minh quyền thừa kế của mình. 

Người thừa kế có thể tự mình khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp có nhiều người thừa kế thì những người đó có quyền ủy quyền cho một trong nhưng người thừa kế hoặc luật sư, trợ giúp viên pháp lý hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thực hiện việc khiếu nại.

Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập

Ngày 30/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực 20/12/2020.

Theo đó, Người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che dấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 02 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù được phổ biến, học tập về chính sách, pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng

Ngày 09/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 133/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực 25/12/2020.

Theo đó, Phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù được phổ biến, học tập: Các chính sách, quy định của pháp luật về tái hòa nhập cộng đồng, vay vốn sản xuất, kinh doanh, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm; Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, đường thủy, các quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm, xóa án tích, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; một số nội dung, giá trị đạo đức, kỹ năng sống; tư vấn tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý. Thời gian học tập, phổ biến từ 05 đến 07 ngày trong khoảng thời gian 02 tháng trước ngày phạm nhân chấp hành xong án phạt tù hoặc trước khi thi hành quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Hồng Vân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên