MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngôi nhà tại Mỹ đang trở thành 'nhà máy điện' mini

14-01-2023 - 17:03 PM | Tài chính quốc tế

Những ngôi nhà tại Mỹ đang trở thành 'nhà máy điện' mini

Những ngôi nhà được trang bị pin mặt trời đang tạo thành lưới điện siêu nhỏ hoạt động độc lập và có thể bán lượng điện dư thừa cho các công ty điện lực địa phương.

 Những ngôi nhà tại Mỹ đang trở thành nhà máy điện mini - Ảnh 1.

Vào năm 2023, nhiều ngôi nhà tại Mỹ sẽ được trang bị tấm pin mặt trời để bán lượng điện dư thừa cho các công ty điện lực địa phương. Hệ thống năng lượng tái tạo này sẽ giúp đèn luôn sáng trong khoảng thời gian bão, sóng nhiệt và cháy rừng xảy ra. Máy bơm nhiệt và các thiết bị điện hiệu suất cao cũng sẽ giúp chủ nhà cắt giảm phần lớn hóa đơn năng lượng và hạn chế khí CO2 phát thải.

Tại vùng ngoại ô bên ngoài Los Angeles, cứ 219 ngôi nhà thì lại có 1 hộ gia đình trang bị pin mặt trời. Cùng với nhau, chúng tạo thành lưới điện siêu nhỏ có thể hoạt động độc lập với lưới điện thành phố California. Các khu dân cư tại Menifee cũng chia sẻ “pin cộng đồng” 2,3 megawatt giờ để cung cấp thêm năng lượng cho các hộ gia đình trong khoảng thời gian mất điện.

Theo Bloomberg, trong khi người dân đang làm việc hoặc nghỉ ngơi, một chương trình phần mềm sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh chênh lệch giá năng lượng, sau đó bán lượng điện năng lượng mặt trời dư thừa cho công ty điện lực Southern California Edison hoặc lưu trữ sử dụng sau, phòng khi giá điện tăng.

Để tối ưu hóa quá trình tạo điện, máy nước nóng bơm nhiệt có thể được đặt ở chế độ tiết kiệm khi không cần thiết. Lưới điện siêu nhỏ hoạt động như các nhà máy điện ảo với khả năng khai thác hàng trăm cục pin khi nhu cầu tăng cao đột biến. Trong bối cảnh thời tiết ngày càng trở nên cực đoan, các nhà máy điện ảo này đang trở nên vô cùng quan trọng.

Được biết Đạo luật giảm lạm phát đã cung cấp khoản ưu đãi trị giá 14.000 USD cho các gia đình thay thế lò đốt nhiên liệu hóa thạch thành máy bơm nhiệt, lắp đặt bếp cảm ứng và nâng cấp hệ thống điện trong nhà. Các gia đình không đủ điều kiện vẫn sẽ được nhận khoản tín dụng thuế lên tới 3.200 USD khi lắp đặt máy bơm nhiệt, bếp cảm ứng hoặc thực hiện các biện pháp cải thiện năng lượng khác.

 Những ngôi nhà tại Mỹ đang trở thành nhà máy điện mini - Ảnh 2.

Bộ sạc này Ford F-150 Lighting, dù còn thô sơ, song vẫn có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ ngôi nhà

Không chỉ tận dụng nhà ở, người Mỹ còn dần coi xe điện là một giải pháp cung cấp năng lượng dự phòng. Bloomberg trích dẫn câu chuyện của Christine Cannella làm ví dụ. Vào đêm trước khi bão Ian đổ bộ, cô gái này đã sạc đầy chiếc xe bán tải Rivian R1T ở Fort Myers, Florida. Năm ngày sau đó, nó trở thành vật cứu cánh cho cả gia đình - thứ giúp Cannella có thể nướng xúc xích trên bếp điện và pha cà phê mỗi sáng. Khi ngôi nhà trở nên quá ngột ngạt, cô và chú chó nhỏ sẽ ngủ ở băng ghế sau Rivian và hưởng thụ hệ thống điều hòa mát lạnh.

“Các nghiên cứu đều cho thấy, phòng trường hợp khẩn cấp không phải lý do để người ta mua xe điện. Họ chủ yếu ưu tiên giá cả, khoản thanh toán hàng tháng, số km có thể đi trên mỗi một lần sạc và kiểu dáng xe. Tuy nhiên, mua EV như một sự chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp cũng là điều nên làm”, Mark Schirmer, đại diện cửa hàng nghiên cứu Cox Automotive, nơi thường xuyên khảo sát người mua về quyết định mua xe cho biết.

Câu chuyện của gia đình anh Westley cũng là minh chứng cho thấy tầm quan trọng của xe điện. Buổi sáng hôm ấy, sau khi cơn bão Ian làm sập hệ thống điện nhà Westley tại thành phố Haines, Florida, ngoại ô phía tây nam Orlando, anh vội lấy 2 dây sợi dây điện dài cắm vào chiếc Ford F-150 Lighting để truyền năng lượng cho ngôi nhà. Tủ lạnh, đèn, quạt và tivi sau đó có thể sử dụng như bình thường.

Bộ sạc này của Ford F-150 Lighting, dù còn thô sơ, song vẫn có thể cung cấp năng lượng cho toàn bộ ngôi nhà, giúp anh Westley nấu bò hầm trên bếp điện và yên tâm xem một bộ phim yêu thích. Không thể sử dụng dịch vụ di động và Internet do mất sóng, gia đình nhỏ này đã bật nhạc jazz, nằm thưởng thức và chờ có điện trở lại.

 Những ngôi nhà tại Mỹ đang trở thành nhà máy điện mini - Ảnh 3.

Câu chuyện của những hộ gia đình Mỹ sau cơn bão Ian đã cho thấy lợi ích to lớn của giấc mơ điện khí hóa.

Sarah Ferguson, vợ Westley, không hề nghĩ tới sự tiện lợi này khi đặt hàng chiếc Ford F-150 Lighting hồi tháng 5 năm ngoái. Họ đơn giản chỉ muốn có một chiếc EV để chở đồ và phục vụ việc đi lại.

“Chúng tôi nghĩ sẽ dùng đến nó khi đi cắm trại. Đâu ngờ rằng nó lại trở thành thứ cứu cánh để chúng tôi nấu bữa tối và thắp sáng căn nhà. Tốt quá rồi”, Sarah nói.

Các nhà hoạch định chính sách gần đây đã bắt đầu tính đến câu chuyện thiên tai khi quy hoạch cơ sở hạ tầng xe điện. Trong lộ trình quy hoạch tại Florida được công bố vào năm 2020, bang này được cho là sẽ cần nhiều bộ sạc nhanh dọc theo các tuyến đường sơ tán. Năm ngoái, Cục Bảo vệ Môi trường liên bang cũng chi ra hàng triệu USD cho hàng chục địa điểm sạc chiến lược. Hầu hết đều được trang bị bộ lưu trữ pin để chúng có thể tiếp tục hoạt động khi lưới điện gặp sự cố.

Tuy nhiên, vẫn có người nghi ngại về lợi ích thực sự xe điện có thể mang lại trong thiên tai. Trong một bài báo về Chính sách Năng lượng 2018, các nhà nghiên cứu đã vạch ra kịch bản một người di tản vì bão trên chiếc Nissan Leaf, sau đó kết luận, nhiều khả năng thành phố sẽ không có đủ bộ sạc công cộng. Sự cố lưới điện cũng có thể xảy ra nếu những người này cùng lúc chen nhau sạc điện. Các trường hợp thiên tai như cháy rừng hay sóng thần còn tiềm ẩn những rủi ro cao hơn.

“Tôi khuyến khích mọi người thực hiện thêm một số nghiên cứu, để người dân biết họ có bao nhiêu trạm sạc và tính toán nên sạc ở đâu trong trường hợp khẩn cấp”, Shawn Adderly, giám đốc Pacific Gas and Electric ở San Francisco kiêm tác giả bài báo năm 2018, cho biết.

Theo: Bloomberg

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên