Những người đầu tư kinh doanh năm 2022: Mạnh tay chi tiền hay thắt chặt chi tiêu Tết?
Hãy cùng trò chuyện với 3 bạn trẻ đã lựa chọn đầu tư kinh doanh vào 1 năm kinh tế có nhiều biến động như năm nay để biết kế hoạch chi tiền sắm Tết của họ sẽ như thế nào nhé!
- 24-12-2022Tết trọn an vui: Giới trẻ sắm Tết chia làm 2 ngả, người cầm 10 triệu tiêu vẫn thấy thiếu, người vô tư cận Tết mới mua đồ
- 21-12-2022Sắp về nhà chồng, cô gái Thái Bình chia sẻ bảng chi tiêu Tết hết gần 30 triệu
- 19-12-2022Gia đình Hà Nội lên kế hoạch tiêu Tết 25 triệu, tiếc nuối vì sắm Tết sớm
"Làm lụng quanh năm cũng chỉ để chi tiêu trong 3 ngày Tết" là quan điểm không còn xa lạ của nhiều người. Nhưng năm nay, khi tỷ lệ lạm phát toàn cầu lên đến mức 3 con số, giá thực phẩm tăng hơn 50% hay thậm chí là gấp đôi, mưu cầu về 1 cái Tết đủ đầy, có thể thoải mái vung tay tiêu xài dường như là điều xa xỉ với không ít người.
Để tiết kiệm tiền và giảm chi phí trong 6 tháng qua, người tiêu dùng trên toàn cầu đã buộc phải thực hiện nhiều hành động khác nhau. Bởi thế, việc mạnh dạn chi tiền để đầu tư kinh doanh trong năm nay càng là điều khiến nhiều người cân nhắc. Hầu hết mọi người đều nghĩ quyết định đó sẽ khiến những người trẻ này phải "thắt lưng buộc bụng" đón Tết. Tuy nhiên, thực tế có phải như vậy hay không?
Đầu tư trước Tết, sắm Tết sẽ giảm?
Thảo (27 tuổi) hiện đang là chủ 1 tiệm nail.
Dù đã dành hết khoản tiền tiết kiệm để mở cửa hàng kinh doanh trước Tết, nhưng Thảo (27 tuổi, Nam Định, hiện đang là chủ tiệm nail ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vui vẻ chia sẻ: "Mình biết, đầu tư kinh doanh vào năm kinh tế nhiều biến động là 1 quyết định đầy thử thách với mình, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán đang cận kề như thế này.
Mình không dám nói trước điều gì cho tương lai. Nhưng "trộm vía" công việc kinh doanh hiện tại với mình không chỉ có thử thách, nó cũng là cơ duyên mở ra nhiều cơ hội mới dành cho Thảo, giúp mình có thêm 1 chút tài chính để chuẩn bị cho mùa Tết năm nay. Do đó, dịp Tết này, mình quyết định sẽ chi nhiều hơn năm ngoái trong tất cả các khoản. Dự kiến tổng chi phí sẽ tăng khoảng từ 30 đến 40%."
Trong khi đó, Diễm Vy (26 tuổi, TP. HCM, hiện đang kinh doanh Saffron) cũng cho biết, Tết năm nay cô sẽ chi khoảng 30 đến 40 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán và chưa có ý định cắt giảm khoản chi phí nào. Đồng thời, Diễm Vy cũng khẳng định, vì kinh doanh mặt hàng liên quan tới việc chăm sóc sức khoẻ nên thu nhập năm nay không bị ảnh hưởng dù phải bỏ 1 khoản không nhỏ để kinh doanh.
Diễm Vy dự định chi tiêu ngang bằng so với năm ngoái.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những người mới đầu tư kinh doanh cho biết sẽ cắt giảm tới 60% khoản tiền dùng để chi tiêu, mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán năm nay. Đơn cử, Anh Vân (31 tuổi, Hải Dương) cho biết cô sẽ chỉ tập trung vào việc mua sắm những món đồ, vật dụng gia đình thực sự cần thiết và có khả năng dùng thường xuyên, lợi ích lâu dài.
Anh Vân vừa "xuống tiền" để đầu tư, kinh doanh thời trang.
"Đầu tư vào năm kinh tế có nhiều biến động là quyết định khiến mình suy nghĩ trong suốt hơn nửa năm. Vì thời điểm bây giờ thị trường kinh tế có quá nhiều biến động, lãi suất ngân hàng tăng cao, trong khi sức mua và nhu cầu của người dân so với những năm trước được đánh giá là giảm mạnh. Tuy nhiên, mình vẫn quyết định làm thay vì để tiền "ngồi im" một chỗ.
Việc đầu tư vào thời điểm này đã phần nào ảnh hưởng đến việc chi tiêu cho dịp Tết nguyên đán năm nay của mình. Nhưng mình đã lường trước và chấp nhận vấn đề này. Mình cũng dự định sẽ cắt bỏ hoàn toàn những khoản chi cho bản thân. Đồng thời sẽ tập trung vào việc mua sắm những vật dụng gia đình thực sự cần thiết." - Anh Vân nói.
Cùng quan điểm với Anh Vân, Tùng Phạm (26 tuổi, Hà Nội) - người quyết định mở công ty truyền thông trong năm 2022 cũng cho biết sẽ cắt giảm tiền chi tiêu sắm tết trong năm nay. Số tiền dự kiến chi khoảng 20 triệu đồng, cắt giảm 1/3 so với năm ngoái.
Tùng Phạm quyết định cắt giảm 1/3 ngân sách chi tiêu cho dịp Tết năm nay.
"Không phải vì mình không có tiền hay tiếc tiền chi tiêu cho dịp Tết năm nay, mà bởi mọi quyết định liên quan đến tiền nong sau khi kinh doanh chắc chắn sẽ phải tính toán kĩ lưỡng hơn rất nhiều so với trước đây. Mình nghĩ những ai bước đầu kinh doanh, tự lo cho cuộc sống của mình và vài chục nhân viên khác nữa đều sẽ hiểu điều này." - Tùng chia sẻ.
Cụ thể hơn, Tùng Phạm cho biết khoản chi này phần lớn dùng để biếu bố mẹ và lì xì cho người thân trong gia đình. Ngoài ra, năm nay Tùng cũng đã mua 1 số món đồ gia dụng cần thiết trong gia đình rồi nên Tết đến hầu như không phải sắm sửa gì quá nhiều.
Những người quyết định đầu tư trong năm nay chia sẻ cách chi tiêu ngày Tết
Anh Vân (31 tuổi, Hải Dương) chia sẻ, thông thường, kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết mọi năm được chia thành 3 khoản, bao gồm: Gia đình (mua sắm quà cáp, tân trang nhà cửa, thực phẩm, lì xì...), bản thân và một khoản dự phòng cho những chuyến đi ngắn ngày dịp tết (đi lễ chùa...). Và thường thì việc mua sắm sẽ được bắt đầu vào những thời điểm sát ngày, tầm từ 15 âm lịch đổ ra. Tuy nhiên, đến năm nay, kế hoạch này sẽ bị thay đổi.
"Năm nay, ngoài việc cắt bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết thì mình cũng cố gắng tận dụng những ưu đãi, mã giảm giá hay săn sale vào những khung giờ vàng trên một số ứng dụng mua sắm từ tháng 11 âm lịch để giảm thiểu tối đa chi phí mua sắm.
Do đó, không chỉ kế hoạch chi tiêu mua sắm bị ảnh hưởng mà cả những thói quen chi tiêu cũng phải thay đổi để thích ứng với một năm nhiều biến động như năm nay.
Với 3 khoản được mình kể trên thì gần như ở mỗi một gạch đầu dòng cho từng hạng mục đều được mình thắt chắt một cách tối đa nhất. Ví dụ như ở đầu mục trang hoàng nhà cửa: Thay vì mua một cây đào để chơi tết như mọi năm thì có khi năm nay mình chỉ chơi một cành đào, một cành quất nhỏ thôi." - Anh Vân nói.
Mặt khác, Thảo (27 tuổi, chủ tiệm nail ở Hà Nội) lại khẳng định số tiền dự chi trong Tết này dù cao hơn những năm trước nhưng vẫn nằm trong tầm thu nhập của Thảo và điều này giúp cô không phải lo lắng quá nhiều.
"Nếu công việc kinh doanh tới Tết có vấn đề gì đó không được suôn sẻ như hiện tại, có lẽ mình vẫn sẽ không cắt bỏ khoản nào mà cân đối giảm nhẹ đều chi tiêu các khoản chi phí." - Thảo nói.
Trong khi đó, Vân nói thêm: "Mình thường lập danh sách những khoản chi cần (quà biếu, bánh trái, kẹo, mứt,...) và khoản chi muốn (quần áo mới, làm đẹp trước Tết,...) thông qua ứng dụng quản lý thu chi trên điện thoại di động. Sau đó, mình cũng sẽ vạch rõ mức chi phí phù hợp cho từng mục để quản lý chi tiêu phù hợp với khả năng tài chính cá nhân. Điều này giúp mình kiểm soát được dòng tiền thu ra chi vào mỗi ngày để tránh lạm chi."
Đến thời điểm này, người ta nhận ra rằng, có nhiều lựa chọn trong cách sắm tết mà không nhất thiết phải cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn 1 (hoặc nhiều hơn) khoản chi nào đó. Song, suy cho cùng, tiết kiệm vẫn là cụm từ được nhắc tới rất nhiều trong suốt cả năm vừa qua khi nói đến vấn đề chi tiêu của mọi người - không ngoại trừ dịp Tết.
Phụ nữ Việt Nam