MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người được hưởng lợi từ "mùa đông tiền điện tử"

10-01-2023 - 07:32 AM | Kinh tế số

Những người được hưởng lợi từ "mùa đông tiền điện tử"

Card đồ họa được thiết để chơi trò chơi trên máy tính cá nhân với hiệu năng cao đang bị thiếu hụt vì chúng đang được sử dụng để khai thác tiền điện tử.

Theo Nikkei Asia, trong bối cảnh hoạt động khai thác tiền điện tử, giá của card đồ họa (GPU), linh kiện máy tính chịu trách nhiệm xử lý các hoạt động sử dụng nhiều dữ liệu như chơi game, đã giảm khoảng 60% so với mức cao nhất vào năm 2021. Ngoài việc xử lý hình ảnh chi tiết, mượt để phục vụ các hoạt động chơi game, chỉnh sửa video hoặc giải trí, card đồ họa còn có khả năng giải các phép tính lớn, phù hợp với hoạt động khai thác tiền mã hóa.

Theo dữ liệu từ Aucfan, card đồ họa được bán với giá trung bình từ 144 USD vào tháng 11/2022, giảm 60% so với tháng 5/2021. Số lượng card bán tại các buổi đấu giá cũng giảm 40% so với cùng kỳ. Nghiên cứu của BCN cho biết, các mẫu cao cấp mới ra mắt có thể khiến giá trung bình của GPU bị đẩy lên nhưng vẫn thấp hơn 20% so với 2 năm trước.

Theo Nikkei, biến động giá card những năm gần đây đang tỷ lệ thuận cùng thị trường tiền mã hóa. Trong khi giá GPU giảm 60% so với mức đỉnh năm 2021, đồng Ethereum đã mất 80% giá trị và giá Bitcoin cũng sụt 80% từ hơn 69.000 USD xuống còn 17.000 USD. Giá năng lượng tăng đột biến cũng tạo thêm áp lực cho các hoạt động khai thác tiền điện tử vốn tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Ông Takeshi Kamada, CEO website so sánh giá Kakaku, cho rằng với giá tiền mã hóa hiện nay, thợ đào gần như không có lợi. Còn game thủ đã có thể thoải mái lựa chọn mẫu card yêu thích mà không lo sản phẩm bị đội giá nhiều lần. Ngay cả những người bán hàng cũng tỏ ra lạc quan với tình hình hiện tại của thị trường.

Đại diện Nvidia Nhật Bản cho biết: “Card đồ họa không còn tiếp cận được đối tượng game thủ như dự định của chúng tôi, đặc biệt là vào đầu năm 2021. Game thủ gần như không thể mua các mẫu thích hợp vì các thợ đào tiền điện tử sẵn sàng trả mức giá cao hơn để thu gom loại linh kiện này”.

Nvidia đã giải quyết vấn đề này bằng cách phải giảm khả năng tính toán của GPU để chúng không còn hiệu quả trong việc khai thác tiền mã hóa, điển hình như GeForce RTX 3060 ra mắt hồi tháng 2/2021. Đồng thời, hãng cũng cho ra mắt các sản phẩm GPU được thiết kế riêng cho việc khai thác tiền điện tử.

Đến tháng 9/2022, khi mạng Etheruem hợp nhất thành công, chuyển từ cơ chế PoW (bằng chứng công việc) sang PoS (bằng chứng cổ phần), ngành khai thác tiền mã hóa bằng card đồ họa chính thức lao dốc. Theo các chuyên gia, những thợ đào Bitcoin thường dùng đến các cỗ máy chuyên dụng, trong khi đó thợ đào Ethereum thích dùng GPU do hiệu năng và chi phí đầu tư phù hợp.

Tuy nhiên, sau sự kiện này, một lượng lớn card đồ họa cũ được thải ra thị trường. Theo Nikkei, trong năm 2023, giá card sẽ ngày càng rẻ, người dùng có nhiều lựa chọn trên cả thị trường chính hãng lẫn thị trường buôn bán đồ cũ.

Đại diện một nhà bán lẻ tại Tokyo (Nhật Bản) cho biết, trong thời gian cao điểm năm 2021, card đồ họa luôn cháy hàng. Họ phải nhập những lô hàng với giá đắt nhưng sau đó phải bán giá rẻ hơn do thị trường tiền mã hóa đi xuống.

“Khi game thủ, người làm video đến tìm mua card đồ họa, chúng tôi có thể giới thiệu, tư vấn cho họ rất nhiều lựa chọn, các mẫu đều có sẵn, giá cả cạnh tranh”, Shoki Hisasue, quản lý một cửa hàng vi tính tại Nhật Bản, chia sẻ.

Tham khảo: Nikkei Asia

Anh Ngọc

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên