Những người hùng thử vắc-xin
Bỏ qua nỗi sợ của bản thân, một số tình nguyện viên tự hào vì đóng góp một phần công sức trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên toàn cầu
- 22-03-2020Các nhà khoa học hàng đầu đang nghiên cứu, thử nghiệm ít nhất 20 loại vắc xin chống Covid-19
- 24-02-2020Người Việt chính thức bước vào cuộc đua chế vắc xin Corona và tương lai sáng sủa của ngành vắc xin Việt Nam
108 người ở TP Vũ Hán, nơi bị xem là tâm dịch của Trung Quốc, đã bất chấp tác dụng phụ như tiêu chảy, sốt và nỗi sợ hãi, trở thành những người đầu tiên ở nước này tiêm vắc-xin thử nghiệm chống Covid-19.
Các thử nghiệm đã được tiến hành tại TP Vũ Hán hôm 19-3, chỉ 3 ngày sau khi CanSino Biologics - công ty dược phẩm phát triển vắc-xin hợp tác cùng quân đội Trung Quốc - đã được chính quyền Bắc Kinh "bật đèn xanh". Theo thông tin được công bố trong danh sách đăng ký thử nghiệm lâm sàng của Trung Quốc, các tình nguyện viên (TNV) trong độ tuổi 18 đến 60 có sức khỏe tốt, được chia thành 3 nhóm gồm 36 người, sau đó được tiêm vắc-xin liều thấp, trung bình hoặc cao tại một cơ sở của lực lượng Cảnh sát Vũ trang TP Vũ Hán.
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), một số TNV đã kể lại trải nghiệm thử vắc-xin. Chia sẻ trên trang mạng xã hội Weibo, cô gái tên Tiểu Mễ kể rằng khi đọc trên mạng về các tác dụng phụ có thể xảy ra như dị ứng, cô đã hơi sợ sau khi tiêm. "Hai người trong nhóm tôi có thân nhiệt tăng lên 38 độ C và một số bị tiêu chảy" - cô nói thêm các tác dụng phụ qua đi khá nhanh. Cô gái trẻ nhìn nhận quan trọng hơn hết là cô cảm thấy đã đóng góp một phần công sức cho xã hội.
Bà Jennifer Haller được tiêm vắc-xin trong chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu tại Viện Nghiên cứu Kaiser Permanente ở TP Seattle - Mỹ hôm 16-3Ảnh: AP
Ông Vương Quân Chí thuộc Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết sau khi tiêm vắc-xin, những người tình nguyện như cô Tiểu Mễ sẽ bị cách ly 14 ngày dưới sự theo dõi y tế sát sao.
Trung Quốc và Mỹ hiện dẫn đầu cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19. Vào ngày Công ty CanSino được chính phủ Trung Quốc chấp thuận bắt đầu thử nghiệm, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và Công ty Công nghệ sinh học Moderna có trụ sở tại bang Massachusetts cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin chống Covid-19 có mã mRNA-1273.
Các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Kaiser Permanente tại TP Seattle - Mỹ hôm 16-3 đã tiêm mũi vắc-xin Covid-19 thử nghiệm đầu tiên lên người. TNV Jennifer Haller - 43 tuổi, quản lý tại một công ty công nghệ nhỏ - chia sẻ: "Đây là một cơ hội tuyệt vời để tôi có thể đóng góp chút gì đó". Theo hãng tin AP, 2 người con của bà Haller nghĩ rằng mẹ mình rất tuyệt khi tham gia thử nghiệm lâm sàng tại Viện Nghiên cứu Kaiser Permanente.
Trong chương trình thử nghiệm này sẽ có khoảng 45 TNV tiếp nhận 2 liều vắc-xin và mỗi liều cách nhau 1 tháng. Một TNV khác là ông Neal Browning - 46 tuổi, sống tại TP Bothell, bang Washington và làm kỹ sư mạng của hãng Microsoft. Browning cho hay các con gái ông cảm thấy rất tự hào khi ông tham gia chương trình thử nghiệm vắc-xin này.
Tuy nhiên, loại vắc-xin thử nghiệm nói trên không phải là vắc-xin tiềm năng duy nhất hiện có. Hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để tạo ra một loại vắc-xin ngăn ngừa Covid-19. Một loại vắc-xin tiềm năng khác do Công ty Inovio Pharmaceuticals (Mỹ) phát triển, dự kiến được bắt đầu thử nghiệm về độ an toàn vào tháng tới ở Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở châu Âu hiện đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng về một loại vắc-xin trên hơn 3.200 cá nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 ở Bỉ, Pháp, Đức, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Anh. Thử nghiệm mang tên "Discovery" nói trên do chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Khoa Truyền nhiễm và Bệnh nhiệt đới tại Bệnh viện Croix-Rousse ở Lyon - Pháp, bà Florence Ader, dẫn đầu.
Phát hiện đáng khích lệ
Các nhà khoa học Pháp vừa công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng về sự kết hợp của 2 loại thuốc hydroxychloroquine và thuốc kháng sinh azithromycin nhằm chống lại SARS-CoV-2. Nghiên cứu được thực hiện trên 30 bệnh nhân trưởng thành, những người có và không có triệu chứng nhưng đã dương tính với SARS-CoV-2.
Kết quả cho thấy 6 bệnh nhân dùng kết hợp hydroxychloroquine và azithromycin có biểu hiện rất tốt. Trong ngày điều trị thứ 5, tất cả 6 bệnh nhân cho kết quả âm tính. Nhiều ngày sau đó, kết quả xét nghiệm của 6 người này vẫn âm tính. Các nhà khoa học lưu ý đây là thử nghiệm rất nhỏ nhưng mang lại kết quả đáng khích lệ.
Người Lao động