MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19

08-06-2020 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Giới thượng lưu tại Delhi lâu nay vẫn không hài lòng với Thủ tướng Modi vì phong cách lãnh đạo khá cứng rắn và chương trình nghị sự mang tính Hindu, nhưng họ lại ngay lập tức ủng hộ quyết định phong tỏa của ông. Ở phía bên kia, nhiều ước tính cho thấy phong tỏa có thể khiến hơn 10 triệu người Ấn Độ rơi vào mức sống dưới nghèo.

*Bài viết là chia sẻ của Ruchir Sharma. Ông là cộng tác viên mảng "Góc nhìn" của New York Times, là chiến lược gia trưởng và trưởng nhóm nghiên cứu các thị trường mới nổi tại Morgan Stanley Investment Management. Sharma có một số cuốn sách tiêu biểu như "Breakout Nations: In Pursuit of the Next Economic Miracles" và  "The Rise and Fall of Nations: Forces of Change in the Post-Crisis World."

Tôi có một chuyến công tác đến Delhi vào giữa tháng 3 và chỉ hơn 1 tuần sau đó, Thủ tướng Narenda Modi đưa ra thông báo áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới. Ông cảnh báo người dân Ấn Độ về tình trạng "bất khả xâm phạm" khu vực bên ngoài nơi họ sinh sống, thậm chí việc đi dạo cũng không được phép.

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19 - Ảnh 1.

Nếu như cuốn sử thi Mahabharata của Ấn Độ miêu tả về 1 trận chiến kéo dài 18 ngày thì ông Modi tuyên bố "cuộc chiến" với đại dịch lần này sẽ mất tới 21 ngày. 2 tháng sau, tôi vẫn ở trong ngôi nhà trên đường Ring Road của Delhi. Đây là khoảng thời gian ở Ấn Độ lâu nhất từ trước đến nay của tôi, kể từ khi bắt đầu đến New York làm việc vào gần 2 thập kỷ trước.

Mối quan tâm trước mắt của tôi là, Ấn Độ đã áp dụng phương thức tương tự như các nước giàu để bảo vệ sự an toàn và phúc lợi của người dân, nhưng rõ ràng họ không có đủ tiềm lực tài chính để thực hiện. Tôi đã có một số cuộc trò chuyện với quan chức ở các nước thuộc thị trường mới nổi khác và không có ai ủng hộ việc phong tỏa hà khắc bởi họ không có nguồn lực để hỗ trợ cho nhóm người thất nghiệp vì đại dịch, việc đóng cửa nền kinh tế chỉ khiến nhiều người rơi vào cảnh đói nghèo và chết nhiều hơn.

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19 - Ảnh 2.

Tại Ấn Độ, trong vài ngày, hàng triệu lao động nhập cư đã rời khỏi các thành phố lớn. Tôi đã chứng kiến có tới hàng nghìn người đi qua khu nhà tôi sinh sống. Hầu hết trong đó là những chàng trai trẻ tuổi, họ rời khỏi các công trường xây dựng và bị sa thải. Họ dự định sống sót nhờ sự giúp đỡ, lòng tốt của người lạ và đi bộ hàng trăm km để về nhà.

Tôi đã hỏi rằng liệu có bao nhiêu người sẽ về đến nhà, với việc đi sát cạnh nhau và ở trong hoàn cảnh thiếu an toàn như vậy. Một chàng trai trẻ nói với tôi rằng: "Điều này không quan trọng. Chính phủ nói rằng đây là một căn bệnh nghiêm trọng, vậy chúng ta có thể làm gì khác ngoài việc về nhà?"

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19 - Ảnh 3.

Giới thượng lưu tại Delhi từ lâu đã chỉ trích ông Modi vì cách lãnh đạo có phần quá cứng rắn và chương trình nghị sự mang tính Hindu, nhưng họ lại ngay lập tức ủng hộ quyết định phong tỏa của ông. Dịch bệnh tại Ấn Độ đã có dấu hiệu khả quan hơn, số ca tử vong cũng giảm dần. Tuy nhiên, truyền thông nước này lại chia sẻ nhiều hình ảnh liên quan đến những bệnh nhân ra đi trong sự cô đơn tại Italy, Tây Ban Nha và Mỹ, nên nỗi sợ hãi đã lây lan nhanh hơn cả virus.

Ngay từ thời điểm dịch bệnh mới bùng phát, chính quyền Thủ tướng Modi chỉ lắp đặt thêm giường bệnh cho các bệnh nhân ở những bệnh viện công - nơi vẫn được ví là "tồi tệ hơn cả địa ngục". Một người bạn từng nói nửa đùa nửa thật với tôi rằng: "Kể cả nếu virus không giết được anh, thì việc nằm ở bệnh viện công tại Ấn Độ sẽ làm được điều đó."

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19 - Ảnh 4.

Sau 3 tuần, lệnh phong tỏa đã chuyển sang "phiên bản" lỏng lẻo hơn, nhưng thay vì "thả lỏng", nhiều người thuộc tầng lớp thượng lưu tại  Ấn Độ vẫn tự giam mình trong nhà và học cách hài lòng với việc này. Họ đăng tải những bài viết để chia sẻ về công thức nấu ăn, tổ chức những bữa tiệc cocktail qua Zoom, thư thái xem Netflix.

Và khi nhìn qua cửa sổ phòng khách của mình, thấy những ký túc xá tồi tàn, những khu ổ chuột, tôi tự hỏi liệu sự khác biệt về giai cấp có ý nghĩa gì đó đối với những người lao động phải chen chúc trong căn hộ hơn 18m2 hay không?

Cuộc khủng hoảng này đã trở thành một điều gì đó bình thường với quan chức và cảnh sát Ấn Độ. Ứng dụng WhatsApp tràn ngập những đoạn video có nội dung cảnh sát đánh đập người dân trên phố mà không có lý do thỏa đáng, hoặc buộc họ phải ngồi xổm và bị véo tai. Trong khi đó, các dòng bình luận về những đoạn video này thường mang tính hài hước hơn là hoảng sợ.

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19 - Ảnh 5.

Đến giữa tháng 4, nhiều nước giàu đã bắt đầu tranh luận về việc mở cửa lại nền kinh tế, và các cuộc biểu tình diễn ra đã ngăn cản quá trình này ở Mỹ. Tại Ấn Độ, có rất ít cuộc tranh luận công khai và theo đó ý kiến phản đối cũng ít hơn.

Nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch – gồm người nghèo và người thất nghiệp, dường như chấp nhận những khó khăn mà họ gặp phải và coi đó là "số phận". Họ không nghi ngờ về việc phong tỏa càng nghiêm ngặt thì hậu quả đối với nền kinh tế càng nghiêm trọng. Một số ước tính cho thấy rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể sụt giảm 4% trong năm nay, khiến đây là thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử hậu độc lập của nước này. Ấn Độ cũng được coi là nền kinh tế bị thiệt hại nặng nhất thế giới trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tuy nhiên, giới tinh hoa sống tại khu vực đô thị lại có trong tay tầm ảnh hưởng chính trị. Họ hầu hết vẫn kiên định ủng hộ biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Một người bạn của tôi cho biết: "Nếu chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa, hàng triệu người Ấn Độ với dân trí thấp sẽ ‘tràn’ ra đường và lan truyền căn bệnh này."

Những người khốn khổ ở nền kinh tế thiệt hại nặng nhất thế giới vì Covid-19 - Ảnh 6.

Trong khi đó, nhiều ước tính đã cho thấy rằng việc kéo dài biện pháp phong tỏa đang đẩy hơn 10 triệu người Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo cùng cực. Bởi vậy, "lời giải" ở đây là: chính phủ nên quan tâm đến nhóm người này và nhìn vào những gì Mỹ đã làm để hỗ trợ lao động thất nghiệp.

Đối diện với mức nợ công cao và thâm hụt lớn, chính phủ Ấn Độ đã tăng mức chi tiêu, nhưng tỷ lệ chi tiêu ngân sách/GDP của nước này ở dưới mức 2% kể từ khi bắt đầu áp dụng lệnh phong tỏa – trong khi Mỹ là khoảng 12%. Việc thiếu nguồn lực khiến Ấn Độ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ người thất nghiệp, trong khi đây là nhóm rất khó để theo dõi đến mức chính phủ không thường xuyên công bố tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, một viện nghiên cứu tại Mumbai cho biết con số này đã tăng gấp 3 lần lên tới 24% trong thời gian phong tỏa.

Trong một khoảng thời gian, các phương tiện truyền thông Ấn Độ đã ngừng đưa tin về sự di chuyển của người lao động nhập cư, thay vào đó là những nội dung cổ vũ tinh thần yêu nước. Tuy nhiên, có rất nhiều trong số những lao động đang quay về nhà đã được xác nhận dương tính với nCoV, khiến số ca nhiễm ở Ấn Độ tăng vọt dù đã áp dụng lệnh phong tỏa.

Khi tôi viết những dòng này, đã là quá nửa đêm ở Ring Road. Ở bên ngoài nhà tôi, lao động nhập cư vẫn di chuyển theo những nhóm nhỏ. Tôi mong rằng họ sẽ về nhà một cách an toàn. Nhưng làm thế nào để có thể hài lòng với cuộc sống trong thời phong tỏa? Dường như đây là câu hỏi mãi mãi không có câu trả lời, bởi sự hài lòng đó là quá đắt đỏ đối với họ.

Thiết kế: Hương Xuân - Bài: Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên