Những người phụ nữ cuối cùng còn bám nghề ở làng heo đất Lái Thiêu tất bật ngày cuối năm
Mặc dù ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19, nhưng những ngày cuối năm tại làng Heo đất Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương vẫn nhộn nhịp.
- 26-01-20228 loại quả may mắn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022
- 26-01-2022Mua giò lụa về ăn Tết, thấy giò có dấu hiệu này tuyệt đối không mua vì vừa kém ngon lại dễ chứa chất độc gây suy gan thận, thậm chí vô sinh
- 26-01-2022Tết không được thưởng, chàng trai cảm động khi nhận tin nhắn đặc biệt từ sếp
Nơi đây từng được mệnh danh là "làng heo đất" vì có gần 200 hộ theo nghề, thế nhưng giờ đây ở Lái Thiêu chỉ còn lác đác vài hộ gia đình vẫn bám trụ với nghề, phần lớn trong số này là những người phụ nữ.
Hiện ở Lái Thiêu còn rất ít người bám nghề.
Là đời thứ 3 còn gìn giữ nghề heo đất, chị Nguyễn Thụy Nguyên Phượng (chủ xưởng heo đất Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) tâm sự: “Chị làm nghề này đã được 8 năm nay. Nhiều người thấy khó khăn họ bỏ cuộc đi kiếm nghề khác mưu sinh, nhưng chị thích nghề này và theo tới giờ. Cái xưởng heo đất này từ đời ông nội chị để lại cho ba chị, ba chị để lại cho chị”.
Chị Nguyễn Thụy Nguyên Phượng.
Cũng theo chị Phượng để ra được thành phẩm heo đất, ban đầu chị phải nhận thô từ Tân Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Sau đó, chị cùng các thợ sẽ hoàn thiện phần sơn, vẽ thành phẩm theo đơn đặt hàng, như vẽ chữ chúc mừng năm mới... ai dặn gì vẽ đó.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 chị Phượng cũng như những hộ xung quanh hạn chế nhập hàng về nhiều, khách đặt hàng cũng giảm.
Người thợ tỉ mỉ với từng nét vẽ.
Rất nhiều tạo hình những động vật đáng yêu được sản xuất đáp ứng nhu cầu.
“Nói chung năm nay dịch bệnh mọi người mua ít nên chị cũng nhập ít, không dám nhập nhiều sợ sang năm bán không được. Năm nay năm con hổ bán ít hơn, năm con trâu bán nhiều hơn. Năm rồi nếu bán 8 phần thì năm nay còn 5 phần, người dặn hàng cũng ít vì người ta sợ bệnh, không dám nhập nhiều.
Chị làm thường ngày, nhưng thường nếu Tết thì tầm tháng 8 chị đã nhập hàng về, năm con nào nhập con đó, như năm con cọp thì tháng 8 nhập về rồi bán lai rai tới giờ”, chị Phượng bộc bạch.
Năm nay là một năm khó khăn chung, làng nghề ở Lái Thiêu cũng không phải ngoại lệ.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, các xưởng sản xuất, trang trí heo đất tại phường Lái Thiêu đang tất bật sản xuất những mẻ hàng cuối cùng để chuyển cho thương lái xuất bán ra thị trường. Tới hôm nay (24 tháng Chạp) chỉ còn vài đơn hàng nhỏ lẻ, lác đác.
Thương lái đến thu mua sản phẩm sau khi hoàn thiên gia công.
Những năm gần đây, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, các hộ dân đã “cách tân” thay đổi con vật theo từng năm. Năm nay, các cơ sở bắt tay vào sản xuất “hổ vàng“.
Theo chị Phượng: “Trung bình 1 ngày khoảng 300 con, làm 6 tiếng, nhiều người làm, mỗi người 1 khâu, làm 6 tiếng khỏng 300 con. Bây giờ thương lái dặn ít, một chuyến hàng đi chỉ khoảng mấy trăm con cọp, còn thường ngày vẫn bán cho bạn hàng mấy chục con, nửa tháng thì khoảng mấy trăm, 1000 con”.
Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm bằng đất nung, năm nay nhiều xưởng còn tự gia công thạch cao để đa dạng mẫu mã và tăng số lượng sản phẩm.
Rất nhiều mẫu mã mới được sản xuất đáp ứng nhu cầu.
Năm 2022 là năm con Hổ nên hầu hết những sản phẩm đều được tạo theo hình dáng loài Hổ.
Những "ông Hổ" bằng đất sau khi hoàn thiện với đầy đủ màu sắc.
Anh Nguyễn Nhật Hào, thợ tạo hình linh vật bằng khuôn thạch cao cho hay:
“Quy trình làm hổ có 4 bước: chuẩn bị nước, canh độ dày, mỏng, sau đó lấy bột khuấy cho đặc và đổ vào khuôn lắc cho đều, đổ thêm nước và bột, úp vào đế, lắc đều là thành hình hổ. Sau 5 phút mình tháo khuôn và dây ràng ra, xong lấy thành phẩm là con hổ”.
Theo các chủ xưởng, những con hổ vàng năm nay được khách ưa chuộng, mặt hàng bán giá dao động 25.000 - 30.000 đồng mỗi con.
Những ngày gần tết, các tiểu thương hối hả tới các xưởng nhận hàng bỏ mối tại TPHCM và các tỉnh miền Tây, miền Trung.
Nhịp sống Việt