MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người phụ nữ Việt viết nên câu chuyện cảm động về tình người, về lòng mẹ

20-10-2016 - 15:30 PM | Sống

Bà Đức Hòa - người hơn 40 năm nuôi con tật nguyền, chị Mai Anh - mẹ chú lính chì Thiện Nhân hay thiếu úy Huyền Trâm nhường sự sống cho con là câu chuyện cổ tích giữa đời thường về tình mẫu tử thiêng liêng.

Hơn 40 năm vẫn khao khát nghe tiếng gọi "Mẹ ơi..."

Đó là câu chuyện của bà Phạm Thị Đức Hòa, người nhận giải Kovalevskaya (nhằm tôn vinh những nhà khoa học nữ có nhiều đóng góp; riêng ở Việt Nam, còn dành tặng những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội). Hơn 40 năm qua, cuộc sống của bà vẫn hàng ngày tất bật, vội vã để lo những bữa cơm, thang thuốc cho người con gái chịu hậu quả chất độc màu da cam.

Cô con gái đầu Nguyễn Thị Phương Thúy (SN 1975) vẫn như một đứa trẻ. Đã nhiều năm nay, bà Hòa khao khát một lần con gái gọi tiếng “Mẹ ơi…” nhưng điều ước ấy có lẽ quá xa vời bởi “Thúy không nói, nhìn, nghe, đi lại hay cảm nhận được những gì xunh quanh”. Trẻ con muốn ăn thì đòi khóc, còn con bà muốn ăn cũng chỉ chảy nước mắt thôi. Trở trời, Thúy khóc ngặt 2, 3 ngày ròng rã, bà cũng khóc theo ngần ấy ngày vì xót thương mà không giúp được gì cho con.


Bà Phạm Thị Đức Hòa với con gái Trần Thị Phương Thúy. Ảnh: P.B

Bà Phạm Thị Đức Hòa với con gái Trần Thị Phương Thúy. Ảnh: P.B

Với bà, 24 giờ mỗi ngày nhiều khi không đủ để chăm sóc cho con. Tắm rửa, vệ sinh cá nhân, giặt giũ, rồi ăn uống… mỗi công việc đã chiếm mất 2 - 3 giờ đồng hồ. Chỉ riêng ăn một bát cơm, người mẹ ấy cũng phải tỉ mỉ, khéo léo bón từng tí một. Cứ như thế, ngày ngày đều đặn, bà làm không ngơi tay. Và mới đó mà đã 40 năm trôi qua rồi. Tóc bà đã bạc, sức khỏe yếu dần đi, chỉ có đứa con của bà nằm trên giường thì vẫn thế...

Nhắc đến giải thưởng Kova được nhận năm 2005, bà cười rất nhẹ nhàng. Với bà, giải thưởng Kova là một sự vinh dự lớn lao cho người phụ nữ, nhưng bà không xem đó là thành tích và cũng chẳng kỳ vọng sẽ được giải này, giải khác. Bởi đó là lẽ tất yếu của tình yêu mà các bà mẹ trên đời này đều muốn dành cho con: Tình yêu thương.

“Với tôi, mọi thứ đơn giản là tình mẫu tử. Niềm vui của người phụ nữ là chăm sóc chồng con và nhìn thấy các con trưởng thành. Tôi không thích người khác gọi tôi là người phụ nữ phi thường bởi có rất nhiều người khác khổ cực và phi thường hơn tôi. Và nữa, tôi cũng không muốn con cái mình như thế này, tôi chỉ cần chúng là những đứa con bình thường, không bệnh tật, không đau khổ. Bởi đó là một thiệt thòi rất lớn mà sự chăm sóc của mình nhiều khi không bù đắp được”, bà Hòa tâm sự.

Người mẹ đặc biệt của chú lính chì Thiện Nhân

Một buổi sáng tháng 7/2006, người dân phát hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể tím đen, trên mình hằn đầy những vết cắn. Cháu bé được đưa đến Bệnh viện đa khoa Quảng Nam trong tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục bị mất. Bé bị mẹ bỏ rơi trong vườn 3 ngày ngay sau khi lọt lòng nhưng vẫn sống. Các nhà sư khi đến thăm đã đặt tên cho bé là Thiện Nhân.

Đọc được thông tin về trường hợp của Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh đã rất xúc động và lập tức lên đường vào Quảng Nam thăm hỏi. Nhìn thấy cảnh cháu bé lết một chân bò quanh nhà, mặt mũi lem luốc, chị thương rơi nước mắt. Dù điều kiện kinh tế không phải sung túc nhưng ngay lập tức chị Mai Anh có nguyện vọng đưa Thiện Nhân về nuôi. Bằng tất cả tình cảm của một người mẹ dành cho đứa con bé bỏng, chị Mai Anh đôn đáo khắp nơi để tìm thầy, tìm thuốc chữa trị cho con. Ngày hôm nay, Thiện Nhân đã có thể bước đi bằng chiếc chân giả. Điều kỳ diệu hơn, bộ phận sinh dục của em đã được tái tạo thành công như một phép nhiệm màu của cuộc sống.

"Lúc đó tôi đón Nhân về với tình yêu của một người mẹ, chỉ muốn giúp đỡ và chăm sóc bé. Không ai nghĩ và tin được có thể tái tạo bộ phận sinh dục đã mất cho một đứa trẻ. Tuy nhiên, đi đến bất cứ đâu, có cơ hội nào là tôi lại chia sẻ, tìm kiếm hy vọng”, chị nhớ lại những ngày tháng vất vả khi đưa con từ bệnh viện này tới bệnh viện khác, ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore tới Mỹ, Ý...


Chú lính chì của ngày hôm nay từng được mẹ Mai Anh ví như cục đá, cục sỏi, không thích ăn gì ngoài chuối. Người mẹ này còn phải đối mặt với bao nhiêu triệu chứng kỳ lạ của Thiện Nhân như cuồng ăn, ghẻ lở triền miên hay các bệnh về tiêu hóa…

Chú lính chì của ngày hôm nay từng được mẹ Mai Anh ví như cục đá, cục sỏi, không thích ăn gì ngoài chuối. Người mẹ này còn phải đối mặt với bao nhiêu triệu chứng kỳ lạ của Thiện Nhân như cuồng ăn, ghẻ lở triền miên hay các bệnh về tiêu hóa…

Sau khi ca mổ phẫu thuật cho chú lính chì thành công, chị đã ngỏ lời khám và chữa trị cho nhiều em bé khác bị bệnh nhưng hoàn cảnh khó khăn. Kể từ đó, Mai Anh không chỉ chăm lo dạy dỗ cho các con mình mà còn tham gia vào làm công tác từ thiện xã hội.

Mọi chuyện vượt qua dự định ban đầu của chị. Các bé đến với chị quá đông. Mỗi khi nhìn thấy một bàn tay nhỏ, yếu ớt đang chìa ra, chị không thể nào nói lời từ chối dù rằng sức mình có hạn. Và người phụ nữ này đã phải chạy đôn đáo đi liên hệ bệnh viện, bác sĩ, xin phòng khách sạn, vận động quyên góp để có thể mổ cho các em. Câu chuyện về người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu lại tiếp tục được nối dài bằng tình mẫu tử thiêng liêng...

Mẹ ung thư nhường sự sống: Cuộc đời tặng hết cho con

Ngày biết tin vui lần đầu được lên chức mẹ cũng là lúc thiếu úy Huyền Trâm bàng hoàng phát hiện bản thân mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Thương con, bằng tất cả tình yêu của một người mẹ, chị từ chối mọi liệu pháp điều trị để nhường sự sống cho con. Tháng 6, ở tuần thai thứ 25, chị nhập viện trong tình trạng hạch dày đặc 2 bên cổ, kích thước 1 cm. Bệnh tiến triển rất nặng, hạch to, tràn dịch màng phổi, gây khó thở.

Một tuần sau khi điều trị, thai phụ có biểu hiện khó thở tăng. Ngay lập tức, chị được chuyển lên khoa Gây mê Hồi sức và được hỗ trợ thở oxy, dinh dưỡng.

Đến tuần thai thứ 29, nhận thấy sức chịu đựng của bệnh nhân đã đến giới hạn, có biểu hiện suy hô hấp tăng dần, để lâu sẽ nguy hiểm tính mạng của hai mẹ con, các bác sĩ Bệnh viện K và Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỗ trợ mổ lấy thai vào ngày 10/7.

Bé trai chào đời nặng 1,2 kg và được chuyển ngay sang Bệnh viện Phụ sản Trung ương để chăm sóc và điều trị. Tuy nhiên, sau khi trải qua ca phẫu thuật đặc biệt mổ bắt con, việc kéo dài sự sống cho chị Trâm rất khó khăn.

Ngày 21/7, chị Trâm đã được một số bác sĩ đưa sang BV Phụ sản Trung ương để thăm con. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng từ sau khi sinh, chị được nhìn thấy con. Lúc Huyền Trâm trò chuyện với con qua lồng kính. Cô ấy nói gì đó với con trai. Và dường như có một linh cảm đặc biệt, cậu bé tỉnh dậy, òa khóc.


Câu chuyện cảm động về thiếu úy Huyền Trâm dũng cảm chống chọi với ung thư giai đoạn cuối để nhường sự sống cho con khiến nhiều người rơi nước mắt.

Câu chuyện cảm động về thiếu úy Huyền Trâm dũng cảm chống chọi với ung thư giai đoạn cuối để nhường sự sống cho con khiến nhiều người rơi nước mắt.

17 ngày chống chọi với bệnh tật, ngày 27/7, người mẹ dũng cảm đã mãi mãi ra đi, để lại nỗi đau khôn cùng cho người thân. Ngày hôm đó, nhiều giọt nước mắt đã rơi thay cho lời chào tạm biệt người mẹ, người chiến sĩ dũng cảm Đậu Thị Huyền Trâm.

"Những tháng ngày mang nặng đẻ đau với người phụ nữ bình thường đã nhiều khó khăn. Với em, điều đó càng nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nghe tin mà xót xa! Thế nhưng, em đã biến đau thương thành sức mạnh và tận hưởng niềm hạnh phúc ý nghĩa hơn bao giờ hết của cuộc đời người phụ nữ. Trên đời này không có gì thiêng liêng, quý giá hơn tình mẫu tử. Mình tin rằng, em sẽ vẫn luôn ở bên cạnh con trai và gia đình".

Nguyễn Nguyễn

Tổng hợp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên