Những nhóm cổ phiếu nào có thể "xuống tiền" nửa cuối năm 2022?
BSC nhấn mạnh tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.
Nền kinh tế Việt Nam hồi phục khả quan và thích ứng tốt với “trạng thái bình thường mới” sau đợt dịch Covid thứ 4, chỉ số PMI tiếp đà hồi phục. Quốc hội và Chính phủ ban hành một số Nghị Quyết và Quyết định liên quan đến việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trong tháng 03/2022.
Trong báo cáo triển vọng ngành quý 2/2022 với chủ đề "Mùa biển động", CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) duy trì quan điểm dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì mức khả quan, theo đó nhiều nhóm ngành nghề tiếp tục hưởng lợi xu thế phục hồi hậu dịch Covid-19.
Điểm lại tình hình quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,03% cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và 2020 nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng, các hiệp định thương mại cùng với sự phục hồi của tiêu dùng trong nước và quốc tế. Chiến lược "Thích ứng linh hoạt" của Chính phủ trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19 đã chứng minh hiệu quả trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Báo cáo của BSC cũng chỉ ra sự cải thiện tích cực về dòng vốn nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh trong T4/2022, khối ngoại đẩy mạnh việc mua ròng với tổng giá trị lũy kế đến 21/04 đạt hơn 3.100 tỷ VND.
BSC kỳ vọng tình trạng giao dịch của khối ngoại tiếp tục diễn biến tích cực hơn trong các quý tới dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế đi cùng với sự phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Đánh giá về giải ngân đầu tư công, lũy kế đến hết T3/2021, theo số liệu của GSO, tổng vốn giải ngân ngân sách nhà nước ước đạt 14,4% kế hoạch, tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ. BSC cho rằng Chính phủ đang nỗ lực, đưa ra các biện pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư như chấm dứt hợp đồng với nhà thầu không hoàn thành hợp đồng, không đáp ứng chất lượng tiến độ và điều chuyển; cắt giảm nguồn vốn các đơn vị chậm phân bổ sang đơn vị khác,…
Do vậy, BSC nhấn mạnh tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.
Chiến lược đầu tư nào cho nửa cuối năm?
Trên cơ sở Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hạ tầng và thu hút FDI, BSC khuyến nghị đầu tư một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công bao gồm: Bất động sản thương mại, Bất động sản khu công nghiệp, Đá xây dựng,.
Đồng thời, nhà đầu tư nên xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu hưởng lợi từ phục hồi kinh tế Việt Nam hậu đại dịch gồm các nhóm ngành: CNTT-Bưu chính viễn thông, Ngân hàng, Dầu khí, Tiêu dùng– Bán lẻ, Phân bón – Hóa chất.
Theo sau, các nhóm ngành hưởng lợi và phục hồi nhu cầu từ thế giới hậu Covid-19 như Cảng biển và Vận tải biển, Dệt may, Thủy sản hay Cao su cũng được BSC dự báo khả quan trong giai đoạn tới.
Đặc biệt, BSC cũng lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng quan sát tình hình chiến tranh Nga – Ukraina, rủi ro FED nâng lãi suất hay việc đứt gãy nguồn cung do chính sách Zero Covid của Trung Quốc.