Những nỗi niềm của hàng triệu người Trung Quốc đi tàu về quê ăn Tết
Chỉ riêng ngày 16/1 (tức 25 Tết), đường sắt Trung Quốc đã phục vụ 8,3 triệu khách. Phóng viên The Economist đã mua 1 vé đi từ Quảng Châu tới Urumqi. 2 ngày trên tàu mang đến nhiều trải nghiệm đầy thú vị.
- 24-01-2023Họ quyền lực nhất lịch sử Trung Quốc: Thành lập nên 12 vương triều, ra đời 60 vị Hoàng đế, trong đó có vị 'Thiên cổ nhất đế' ai cũng biết
- 23-01-2023Bloomberg: Đây là vũ khí mạnh mẽ giúp Trung Quốc tiếp tục phát triển vượt bậc mặc cho "tin xấu" về tình trạng suy giảm dân số
- 22-01-2023Trung Quốc báo cáo gần 13.000 ca COVID-19 tử vong trong 1 tuần
Từ 7/1 đến 15/2, Bộ Giao thông Trung Quốc dự đoán có tới 2,1 tỷ lượt di chuyển được thực hiện khi người dân trở về quê nhà ăn Tết. Một số đơn giản là đang sống ở 1 thành phố còn quê hương ở thành phố khác, do đó sẽ di chuyển bằng tàu cao tốc hiện đại và tiện nghi.
Tuy nhiên, rất nhiều người sẽ di chuyển bằng tàu chậm - những đoàn tàu xưa cũ được sơn màu xanh lá cây. Họ chen chúc trong những toa tàu đầy ắp người và hành lý, thậm chí có thể ngồi giữa lối đi trong suốt hành trình kéo dài 40 tiếng hoặc hơn thế. Vì dịch bệnh, hàng triệu người trong số họ đã 2 năm nay chưa về thăm quê hương làng mạc, nơi có cha mẹ đã già và những đứa con được gửi gắm để ông bà chăm sóc.
Chỉ riêng ngày 16/1 (tức 25 Tết), đường sắt Trung Quốc đã phục vụ 8,3 triệu khách. Phóng viên The Economist đã mua 1 vé đi từ Quảng Châu tới Urumqi. 2 ngày trên tàu mang đến nhiều trải nghiệm đầy thú vị.
Ký ức ùa về
Trong những cuộc tán gẫu tại nhà ga Quảng Châu hay khi đoàn tàu lăn bánh xuyên qua miền Nam Trung Quốc, hai hành khách lớn tuổi thường xuyên nhắc về cảnh tượng hỗn loạn trong kỳ xuân vận 30 năm trước. Khi đó, hành khách trèo qua cửa sổ để vào được toa tàu.
Tàu đông đến nỗi có cả những người ngủ trên giá để hành lý hay đứng trong nhà vệ sinh cả buổi. Kể cả 20 năm trước, những chuyến tàu Tết thường đầy ắp các thùng đựng hoa quả, dầu ăn, quần áo và chăn ga mà người lao động xa nhà mang về làm quà.
Ngày nay, cảnh tượng đó không còn. Nhiều công ty linh hoạt cho phép người lao động xa quê về sớm hơn và quay trở lại muộn hơn so với lịch nghỉ chính thức. Nguồn cung lao động sụt giảm khiến họ khó kiếm được công nhân hơn cũng như khó giữ người hơn trước. Còn hàng hoá có thể đặt trực tuyến và giao về quê quanh năm, vì thế nhu cầu về quà tặng năm mới cũng ít đi, dù phong bao lì xì cho trẻ em vẫn là điều bắt buộc.
Nhiều người lựa chọn hình thức đi chung xe ô tô cá nhân, và mạng lưới đường sắt đã phát triển vượt bậc. Do đó các nhà ga chỉ trở nên đông đúc chứ không quá tải.
Hành khách xếp hàng ngay ngắn để lên tàu, và có hàng ưu tiên cho trẻ em.
Dẫu vậy, trong bầu không khí hiện đại và thoải mái ấy vẫn còn dấu ấn của những điều xưa cũ. Kinh tế Trung Quốc đã đạt được kỳ tích nhưng điều đó cũng tạo ra cả người thắng lẫn người thua, và có thể tìm thấy cả hai trên chuyến tàu này.
Hai số phận
Zhuang đang là tài xế xe tải cho Jingdong, 1 công ty lớn hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics. Ông và vợ đi tới Sơn Tây để gặp người con trai đang làm giảng viên đại học trước khi anh ta ra nước ngoài học tiến sĩ. Zhuang cho rằng gia đình mình chính là minh chứng cho thấy phép màu kinh tế Trung Quốc giúp người dân đổi đời như thế nào.
Ngồi ngay bên cạnh Zhuang là ông Xing, người có mái tóc hoa râm đến từ Hồ Nam, 1 tỉnh miền Trung. Đã trở nên quá già để làm công nhân xây dựng, hiện ông đang làm nghề bảo vệ ở Quảng Châu. Nhìn chung thì những người Trung Quốc di cư từ nông thôn lên thành thị đang già đi đáng kể. Năm 2021, tuổi thọ trung bình của lao động nhập cư là 41,7 tuổi, so với 34 tuổi vào năm 2008.
Các lao động trẻ không còn mặn mà với việc trở thành công nhân trong các nhà máy ở xa. Trong khi nhiều lao động lớn tuổi bước vào tuổi nghỉ hưu mà không có lương hưu. Ông Xing đang sống trong 1 căn nhà trọ chật chội cùng với con trai và con rể. Người con trai năm nay gần 40 tuổi, làm người giám sát dây chuyền tại 1 nhà máy.
Ban đầu anh không có kế hoạch về quê dịp Tết nhưng 2 đứa con (10 và 16 tuổi) liên tục gọi điện cho bố và ông nội. Đứa con lớn từng tới Quảng Châu học cấp 1, nhưng giống như nhiều đứa trẻ nhập cư khác, cậu bé phải quay về quê học cấp 3 vì không có hộ khẩu. Đã nhiều năm hai bố con ông Xing mới về quê ăn Tết.
Ngồi ngay cạnh cửa sổ là bà Li, người đang làm lao công ở Quảng Châu. Năm nay 56 tuổi, theo luật thì lẽ ra bà đã nghỉ hưu được 6 năm nhưng mấy chục năm làm công nhân nhà máy chỉ đem lại đồng lương hưu quá ít ỏi để có thể sống tốt ở thành phố. Và bà chỉ có thể dùng bảo hiểm y tế ở quê nhà. Li kiếm được khoảng 590 USD mỗi tháng, mỗi ngày bà phải làm việc 12 tiếng và không có ngày nào được nghỉ.
Trong giai đoạn cách ly, công việc của bà bị gián đoạn và theo luật bà sẽ nhận được trợ cấp. Nhưng người chủ - vốn là nhà thầu phụ - từ chối chi trả. Con trai bà, người đang làm công nhân nhà máy, không có đủ tiền để mua nhà và xe, do đó khó có thể lấy vợ. Bố mẹ hai bên của bà vừa mắc Covid, vì thế bà hi vọng chuyến thăm của mình sẽ không khiến họ gặp nguy hiểm.
Những toa tàu hiện đại và cơ sở hạ tầng hào nhoáng thực sự tạo ấn tượng mạnh. Nhưng xây dựng 1 xã hội đảm bảo tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc và công bằng là công việc khó hơn gấp nhiều lần.
Tham khảo The Economist
Nhịp sống thị trường