Những "ông lớn" Việt Nam đang đầu tư vào nền kinh tế quyến rũ bậc nhất Đông Nam Á
Từ ngày 24/8 đến 26/8, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hoà Liên bang Myanmar. Mục đích chuyến đi này nhằm thiết lập khuôn khổ hợp tác cụ thể hơn giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, nhất là thương mại. Hiện Myammar đứng thứ 5/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam.
- 22-08-2017Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam có tân Phó Tổng giám đốc
- 22-08-2017BĐS Phan Thiết “hút” nhà đầu tư nhờ tiềm năng du lịch biển
- 21-08-2017Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản: Tháng này Chính phủ Việt Nam sẽ công bố danh mục 300 DN chuẩn bị thoái vốn
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar từ ngày 24-26/8/2017.
Đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Việt Nam tới Myanmar sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1997, diễn ra vào thời điểm Myanmar bước sang giai đoạn phát triển mới với một nền dân chủ mới, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa h0ai nước có sự phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế.
Myanmar đang nổi lên như là một nền kinh tế quyến rũ bậc nhất Đông Nam Á. Báo cáo của Oxford Business Group nhận định quốc gia này đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng với mô tả đây là điểm đến cơ hội trong ASEAN.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra GDP Myanmar có thể đạt 6,9% vào năm 2017 và có thể tăng trưởng trên 7% vào các năm tài chính 2018 – 2019.
Số liệu WB
Kể từ hàng loạt cải cách táo bạo bắt đầu vào năm 2011, Myanmar nhanh chóng được các nhà đầu tư nước ngoài “bắt sóng” như là một trong những mảnh đất vàng cuối cùng còn sót lại tại châu Á. Theo đó, hàng loạt tập đoàn lớn từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Thái Lan... đang tìm kiếm cơ hội cũng như mở rộng, phát triển đầu tư ở đây.
DICA, cơ quan cấp phép đầu tư của nước này cho biết đầu tư nước ngoài được cấp phép tại Myamar đã tăng tới 18,4%, đạt 9,48 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2016 so với năm 2015. Báo cáo của McKinsey Global Institute lại chỉ ra rằng Myanmar có thể thu hút tới 100 tỷ USD vốn FDI vào năm 2030 nếu nước này chi ra số tiền đủ để đạt tiềm năng tăng trưởng kinh tế của mình.
Việt Nam từ lâu cũng không nằm ngoài cuộc chơi này. Trên thực tế, Tập đoàn Viettel đã thăm dò thị trường viễn thông Myanmar từ năm 2002 khi quốc gia này vẫn còn biệt lập với thế giới bên ngoài do ảnh hưởng cấm vận từ Mỹ và các nước Tây phương. Thời điểm đó, Viettel cũng chưa hình thành cả Ban quản lý dự án đầu tư ra nước ngoài. Và phải sau 15 năm mai phục, đến đầu năm 2017, Viettel mới được chính thức cấp phép ở đây.
Hiện dự án của Viettel là một trong 70 dự án đầu tư được cấp phép sang Myanmar với tổng vốn đăng ký đạt 1,43 tỷ USD, tính đến hết tháng 6/2017, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Dù Myanmar chưa có hoạt động đầu tư nào tại Việt Nam nhưng quốc gia này hiện đứng thứ 5/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài thông tin thêm.
Đầu tư của Việt Nam tại Myanmar tập trung chủ yếu vào lĩnh vực viễn thông với dự án của Viettel với số vốn đăng ký là 859,95 triệu USD.
Tiếp đến là lĩnh vực bất động sản với dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, toà nhà văn phòng, khách sản, căn hộ của CTCP Xây dựng Hoàng Anh (HAGL Land) của Bầu Đức với vốn đăng ký là 300 triệu USD.
Thứ ba là lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí với dự án thăm dò, khai thác ở lô M2 vùng biển Tây Nam nước này của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, vốn đầu tư đăng ký là 114,68 triệu USD.
Thứ tư là lĩnh vực ngân hàng với dự án đầu tư của BIDV, vốn đầu tư đăng ký là 85 triệu USD.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã mở văn phòng tại Myanmar như BIDV, Vietnam Airlines, FPT, MobiFone... Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Myanmar (AVIM) đã đặt văn phòng và hoạt động tích cực để hỗ trợ, làm cầu nối cho doanh nghiệp.
Theo đó, Hiệp hội bước đầu giúp xúc tiến hình thành các dự án đầu tư như: dự án trồng cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; dự án chế biến nông sản, thực phẩm của Công ty bảo vệ thực vật An Giang; dự án sản xuất sữa và mía đường của CTCP Đầu tư sữa quốc tế IDP, FPT, dự án trưng bày giới thiệu xúc tiến mua bán sản phẩm của Tổng Công ty thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera)... tại thị trường được đánh giá như “mảnh đất vàng cuối cùng”.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét đầu tư của Việt Nam sang Myanmar thời gian qua có xu hướng gia tăng nhanh cả về số lượng dự án và số vốn đăng ký. Bên canh một số dự án đầu tư quy mô lớn, xu hướng trong 2 năm gần đây các dự án có quy mô nhỏ tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại đang tăng nhanh, có sự tham gia nhiều của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thiết lập khuôn khổ hợp tác cụ thể hơn giữa hai nước; xác định phương hướng chỉ đạo, tạo đột phá cho quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng.