MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những phát ngôn ấn tượng làm “nóng” nghị trường năm 2017

25-12-2017 - 07:39 AM | Xã hội

Hoạt động nghị trường năm 2017 để lại ấn tượng về một Quốc hội tranh luận với các phát ngôn về nhiều vấn đề "nóng".

“Hiện tượng bổ nhiệm người nhà, người thân không đúng quy định đã gây phản ứng xấu trong dư luận. Chính phủ giao Bộ Nội vụ kiểm tra 11 địa phương, đã phát hiện một số sai phạm. Thủ tướng yêu cầu thu hồi các quyết định bổ nhiệm trái pháp luật” – Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình khẳng định tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) về việc ngành văn hóa đã làm những việc không cần thiết: Cấm các bài hát quen thuộc như Nối vòng tay lớn, Con đường xưa em đi…hay cho phổ biến hơn 300 bài hát cách mạng, có cả Quốc ca, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận: “Trong việc cấp phép vừa rồi, có những cái sai nghiệp vụ rất sơ đẳng, không đáng có”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi trả lời chất vấn của đại biểu về thái độ phục vụ chưa tốt, lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm bệnh nhân đã thừa nhận: "Chúng ta cũng đã biết rằng "con sâu làm rầu nồi canh" và ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt". Tuy nhiên thời gian qua, ngành y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) tranh luận tại Kỳ họp thứ 3 đã nói: Bán đảo Sơn Trà không phải của riêng Đà Nẵng. Yêu mến Sơn Trà không chỉ riêng người dân Đà Nẵng mà là người dân cả nước, cũng giống như với Hạ Long, Sơn Đoòng… Do đó, không thể giao cho UBND Đà Nẵng muốn quyết thế nào cũng được! Giải đáp băn khoăn của đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ không để Đà Nẵng muốn quyết Sơn Trà thế nào cũng được.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau), chiều 18/11/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng, Nhà nước không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng, không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng khi làm rõ thêm một số vấn đề về an toàn mạng tại Kỳ họp thứ 4. Phó Thủ tướng chia sẻ, khi hỏi các chuyên gia nước ngoài, họ dùng từ “dễ dãi” để nói về ý thức an toàn an ninh thông tin của người dân Việt Nam. Chỉ cần một tin nhắn trên máy tính, điện thoại đều bấm 'ok' ngay mà không biết các thông tin cá nhân đã được thu thập, có thể bị sử dụng cho mục đích xấu.

Trước nhiều ý kiến đại biểu liên quan đến quản lý thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, tại Kỳ họp cuối năm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, giới trẻ Việt Nam ứng dụng CNTT và sử dụng mạng xã hội rất nhanh. Tuy nhiên, việc “ném đá”, nói xấu,... trên mạng là thực trạng. Thậm chí nhiều người tự tử vì nội dung bôi xấu trên mạng xã hội. Bộ TT&TT đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan, phối hợp xử lý nhằm tăng cường “năng lượng tốt”, giảm “năng lượng xấu” trên mạng xã hội.

Là một trong hai thành viên Chính phủ được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm tại Kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời báo chí sau khi nhậm chức liên quan đến vấn đề BOT đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước, đã thẳng thắn: "Có làm thì có đúng, có sai. Tuy nhiên, cái tâm của ngành giao thông là vì sự nghiệp chung, không vì lợi ích nhóm, lợi ích tư túi. Những cá nhân nào có vấn đề này thì chắc chắn pháp luật sẽ xử lý".

Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu quan điểm: Nếu lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm còn quá lớn, lấn át cả nhận thức và tư duy cũ kỹ, lạc hậu thì cần thiết đòi hỏi phải có một "bàn tay sắt", đủ cứng rắn. Chỉ khi nào chúng ta coi việc tăng biên chế, phình bộ máy là một dạng tham nhũng thì đến lúc đó chúng ta mới có đủ quyết tâm xử lý và thực hiện hiệu quả công cuộc này.

Thảo luận về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Nguyễn Minh Sơn ví ngân sách nhà nước như cái bánh. Tuy nhiên, bánh chia kiểu nào cũng không đủ nên cứ co kéo mãi. Cái bánh ngân sách dù có trở thành nồi cơm của Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh như hiện nay. Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với yêu cầu cụ thể về tỷ lệ và lộ trình tinh giản biên chế.

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, Đại biểu Trần Thị Dung - Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội lưu ý, tuy là “tham nhũng vặt” nhưng tác hại khôn lường, làm hư hỏng nền công vụ, làm cải cách hành chính trì trệ ngay từ cơ sở, làm mất lòng tin của người dân. Nếu quan điểm nhà dột từ nóc là nguy hiểm thì lũ lụt thấm vào nền móng còn nguy hại hơn rất nhiều, vì nền móng mà lún sụt thì không nhà cửa nào đứng nổi.

nhung phat ngon an tuong lam

"Cử tri mong các bộ trưởng, thủ trưởng các địa phương sáng suốt đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên lợi ích của ngành, địa phương, quyết tâm cải tạo bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả" - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) nhấn mạnh điều này tại Kỳ họp thứ 4 và đề nghị cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những người mất đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan và tổ chức./.

Theo Hiếu Minh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên