MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những quốc gia giàu nhất thế giới chia rẽ vì một loại năng lượng “đầu độc trái đất hàng nghìn năm”

06-11-2021 - 06:40 AM | Tài chính quốc tế

Những quốc gia giàu nhất thế giới chia rẽ vì một loại năng lượng “đầu độc trái đất hàng nghìn năm”

Các nhà phê bình đang phản đối năng lượng hạt nhân vì chi phí lớn và sự nguy hiểm của nó. Mặt khác, số người ủng hộ ngày càng mạnh mẽ khi cho rằng loại năng lượng này là hy vọng tốt nhất của thế giới.

Tranh cãi xung quanh năng lượng hạt nhân

Nằm sâu trong khu rừng sồi và bạch dương ở Pháp, một đoàn xe tải vẫn lặng lẽ chở theo những thùng chứa chất thải phóng xạ đến khu vực lưu trữ, nơi sẽ tồn tại trong 300 năm tới. Đoàn xe cũng chở theo lời nhắc nhở về cái giá vô hình mà năng lượng hạt nhân để lại.

Khi các nhà đàm phán cố gắng tìm cách cung cấp năng lượng cho thế giới, đồng thời giảm thải carbon, năng lượng hạt nhân lại trở thành mấu chốt trong các cuộc họp về khí hậu tại Scotland. Các nhà phê bình chê bai mức chi phí khổng lồ của nó, những thiệt hại không tương xứng với lợi ích do tai nạn hạt nhân và chất phóng xạ sót lại vẫn gây chết người trong trong hàng nghìn năm.

Nhưng những người ủng hộ năng lượng hạt nhân đang ngày càng đưa ra lập luận mạnh mẽ hơn. Một số nhà khoa học về khí hậu và môi trường cho rằng năng lượng hạt nhân là hy vọng tốt nhất của thế giới trong việc kiểm soát biến đổi khí hậu.

Họ cho biết rằng năng lượng hạt nhân thải ra rất ít khí thải gây hại cho hành tinh và nhìn chung an toàn hơn bất kỳ nguồn năng lượng nào khác. Theo các nhà khoa học, tai nạn hạt nhân rất đáng sợ nhưng cực kỳ hiếm. Trong khi đó, ô nhiễm từ than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đang gây ra bệnh tật và cái chết mỗi ngày.

Matt Bowen thuộc Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết: "Những gì nền văn minh nhân loại đang cố gắng thực hiện trong 30 năm tới có quy mô đáng kinh ngạc. Sẽ có nhiều khó khăn nếu chúng ta từ bỏ các nhà máy hạt nhân mới, hoặc thậm chí còn khó khăn hơn nhiều nếu chúng ta quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân cùng lúc".

Nhiều chính phủ đang thúc đẩy việc duy trì năng lượng hạt nhân trong các kế hoạch khí hậu được đưa ra tại hội nghị COP26 ở Glasgow. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang tranh luận về việc có nên chính thức dán nhãn "xanh" cho năng lượng hạt nhân hay không. Đây sẽ là một quyết định ảnh hưởng đến hàng tỷ euro tiền đầu tư trong nhiều năm tới. Quyết định này có ý nghĩa đối với toàn thế giới, vì chính sách của EU có thể thiết lập một tiêu chuẩn mà các nền kinh tế khác tuân theo.

Còn tất cả chất thải thì sao?

Các lò phản ứng hạt nhân thải ra hàng nghìn tấn chất thải phóng xạ nặng mỗi năm. Bên cạnh đó, nhiều thập kỷ khai khai thác nguyên tử để điện khí hoá cho các ngôi nhà và nhà máy trên toàn thế giới cũng để lại những hậu quả.

Đức hiện đang dẫn đầu nhóm các quốc gia, chủ yếu trong EU, kiên quyết chống lại việc dán nhãn "xanh" cho năng lượng hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền ông Biden ủng hộ năng lượng hạt nhân. Trung Quốc thì có hàng chục lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng. Ngay cả Nhật Bản cũng đang thúc đẩy năng lượng hạt nhân trở lại, sau 10 năm xảy ra thảm hoạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Song, không nơi nào trên thế giới phụ thuộc vào các lò phản ứng hạt nhân nhiều như Pháp. Quốc gia này đang đi đầu trong nỗ lực ủng hộ hạt nhân ở châu Âu và trên toàn cầu. Pháp cũng là quốc gia dẫn đầu trong ngành xử lý chất thải phóng xạ và tái chế vật liệu trên toàn thế giới.

Pháp có những đơn vị lưu trữ 90% chất thải phóng xạ, bao gồm cả quần áo, dụng cụ và các vật dụng khác liên quan đến vận hành và bảo trì lò phản ứng. Địa điểm này được thiết kế để tồn tại ít nhất 300 năm sau khi chuyến xe chở chất thải phóng xạ cuối cùng đến nơi. Độ phóng xạ bên trong khu lưu trữ được cho là không cao hơn mức được tìm thấy trong tự nhiên.

Đối với chất thải tồn tại lâu hơn, chủ yếu là nhiên liệu hạt nhân qua sử dụng, thứ vẫn có khả năng gây chết người trong hàng chục nghìn năm, Pháp đang đặt nền móng cho một kho chứa lâu dài sâu bên dưới những cánh đồng của thành phố Bure.

Ai thắng ai thua?

Theo tờ The Economist, Pháp sản xuất hơn 70% điện năng từ các lò phản ứng hạt nhân. Trong khi đó Đức đã cam kết đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2022. Đối với Pháp và các đồng minh nguyên tử, năng lượng hạt nhân có một tương lai tươi sáng. Đối với Đức và những quốc gia có quan điểm hoài nghi, công nghệ này là một quá khứ không tốt đẹp.

Trong cuộc tranh luận này, nhiều khả năng Đức sẽ là quốc gia thua cuộc. Nước này đã từ bỏ năng lượng hạt nhân từ sau thảm hoạ Fukushima ở Nhật Bản. Tuy nhiên, quốc gia này hiểu được rằng họ không có phiếu để phản đối việc dán nhãn "xanh" cho điện hạt nhân.

Trong khi đó, Pháp đang ngày càng có ảnh hưởng lớn. Châu Âu ưa chuộng năng lượng hạt nhân trở lại chỉ là một ví dụ trong nhiều cuộc tranh luận về chính sách đang đi theo hướng của Pháp.

Một số nhà khoá học ủng hộ hạt nhân lập luận rằng trong hơn nửa thế kỷ qua, các nhà máy điện hạt nhân đã giúp tránh thải ra khoảng 60 tỷ tấn CO2 bằng cách cung cấp loại năng lượng không tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch.

Trong khi một số nhà hoạt động muốn chấm dứt năng lượng hạt nhân, số khác cho rằng việc đóng cửa nhà máy hạt nhân trước khi năng lượng tái tạo đủ khả năng đáp ứng sẽ khiến các quốc gia quay trở lại sử dụng than đá hoặc những nguồn năng lượng "bóp nghẹt" hành tinh.

Tuy nhiên, chất thải là thứ sẽ không biến mất. Cho dù bất cứ quyết định nào được đưa ra tại Glasgow, con người vẫn sẽ phải tìm một giải pháp để quản lý chất thải hạt nhân mà mình tạo ra.

Tham khảo AP, The Economist


Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên