MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những quyết sách nâng tầm giáo dục TP HCM

23-01-2023 - 10:47 AM | Xã hội

TP HCM là một trong hai địa phương có số học sinh, giáo viên đông nhất cả nước. Mỗi năm xấp xỉ gần 1,7 triệu học sinh từ bậc mầm non đến THPT và gần 80.000 giáo viên.

Với đặc thù là một đô thị phát triển ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), TP HCM đã có những quyết sách kịp thời, nhân văn, mang tầm chiến lược, đưa GD-ĐT lên tầm cao mới.

Hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường

Tại kỳ họp thứ 24, kỳ họp chuyên đề của HĐND TP HCM (tháng 3-2021), HĐND TP đã đồng ý tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng mới từ năm học 2020-2021 đến hết năm học 2024-2025 theo đề nghị của UBND TP.

Cụ thể, năm đầu được tuyển dụng sẽ hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng. Đến năm thứ hai là mức 70% và năm thứ ba giảm còn 50%. Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Những quyết sách nâng tầm giáo dục TP HCM - Ảnh 1.

TP HCM kéo dài thời gian hỗ trợ giáo viên mầm non mới ra trường

Theo tổng kết của Sở GD-ĐT TP HCM, năm học 2014-2015, số giáo viên mầm non mới được tuyển dụng là 443 người, đến năm 2019-2020, do được hưởng chế độ hỗ trợ, số giáo viên mầm non mới tuyển dụng được là 1.205 người. Như vậy, số giáo viên mầm non mới ra trường thu hút được nhờ có chính sách hỗ trợ đã tăng gấp 3 lần.

Giáo viên được tăng thu nhập từ 2-6 triệu đồng/tháng

Giáo viên TP HCM được tăng thu nhập với mức tăng từ 2-6 triệu đồng/tháng bắt đầu từ tháng 1-2023. Cụ thể, giáo viên TP được áp dụng hệ số tăng thu nhập tối đa 1,8 lần (trước đây là 1,2 lần), kéo theo tiền lương hàng tháng có thể cao hơn 2-6 triệu đồng so với trước. Kinh phí thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách cải cách tiền lương của TP.

Việc tăng thu nhập được thực hiện theo quyết nghị của HĐND TP HCM thông qua trong tháng 12-2022 về tăng hệ số điều chỉnh chi thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần so với tiền lương ngạch bậc, chức vụ từ năm 2023 đến hết thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Với lương cơ sở 1,49 triệu đồng và hệ số từ 2,1 đến 6,78, lương giáo viên TP HCM có thể đạt mức từ 5,6 đến 18,1 triệu đồng/tháng, tăng 2-6 triệu đồng so với khi áp dụng hệ số tăng thêm 1,2 lần trước đó. Mức thấp nhất áp dụng với giáo viên mầm non hạng III, bậc 1; mức cao nhất với giáo viên phổ thông hạng I, bậc 8.

Những quyết sách nâng tầm giáo dục TP HCM - Ảnh 2.

Từ tháng 1-2023, lương giáo viên TP HCM có thể tăng thêm từ 2-6 triệu đồng/tháng

TP HCM dạy tin học chuẩn quốc tế cho học sinh phổ thông

Từ năm học 2022-2023, trường THCS, THPT ở TP HCM được dạy các chương trình tin học chuẩn quốc tế cho học sinh. Ba chương trình tin học quốc tế được phê duyệt là MOS (Microsoft Office Specialist), IC3 (The Internet and Computing Core Certification) và ICDL (International Computer Driving Licence).

Các trường được chủ động chọn chương trình phù hợp. Các mô hình dạy học có thể sử dụng gồm dạy hai buổi/ngày, ngoại khóa, câu lạc bộ, dạy học tích hợp, dạy tin học tăng cường, dạy trong chương trình nghề phổ thông với lớp 11 và lớp 8, tích hợp dạy môn tin học theo chương trình mới.

Để có đủ nhân lực triển khai chương trình, giáo viên tin học sẽ được bồi dưỡng, tập huấn và được cấp chứng chỉ Tin học quốc tế. Kinh phí tập huấn được lấy từ ngân sách bồi dưỡng thường xuyên và xã hội hóa.

Năm học 2022-2023, TP HCM đặt mục tiêu hơn 90% học sinh được học tin học, 40% trong đó đạt chứng chỉ Tin học quốc tế (với các trường tiên tiến hội nhập). Còn với các trường phổ thông khác, thành phố lên kế hoạch đáp ứng 40% nhu cầu và hơn 20% học sinh đạt chứng chỉ.

Ba chương trình tin học chuẩn quốc tế áp dụng tại TP HCM đều có giá trị vô thời hạn và được công nhận rộng rãi trên thế giới.

Nhiều chương trình, đề án huy động được nguồn lực xã hội hóa

Các chương trình giáo dục phục vụ yêu cầu phát triển của TP HCM được đặc biệt chú trọng đó là tin học, ngoại ngữ.

Theo UBND TP HCM, ngành GD-ĐT TP đã thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM. Nhiều chương trình, đề án đột phá của ngành huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa và đạt hiệu quả cao như: Chương trình kích cầu đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường học; Chương trình "Dạy và học Toán, Khoa học và Tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam"; thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế"; Chương trình Tiếng Anh tăng cường, dạy học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài; các hoạt động câu lạc bộ; các cuộc thi khoa học kỹ thuật, học thuật đánh giá theo chuẩn quốc tế được chú trọng.

Những quyết sách nâng tầm giáo dục TP HCM - Ảnh 3.

Nhiều chương trình, đề án giáo dục huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa

Thành phố luôn giữ vững kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, thực hiện hiệu quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục trung học theo định hướng của thành phố. Đặc biệt tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường, lớp đạt trên 99%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt trên 98%. Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục không ngừng được nâng cao, đảm bảo trình độ đạt chuẩn, tỉ lệ trên chuẩn của các bậc học khá cao.

Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, đồng bộ đổi mới quản lý và tổ chức dạy học trong nhà trường chất lượng giáo dục được nâng cao.Toàn TP HCM có 269 trường đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn ngành đã kết nối thành công đến cơ sở dữ liệu dùng chung của TP và của Bộ GD-ĐT, đảm bảo đúng các yêu cầu kỹ thuật và chuẩn kết nối. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) giáo dục đã được hoàn thiện.

Theo Đặng Trịnh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên