Những startup ở Việt Nam được quỹ ngoại rót vốn triệu USD ngay đầu năm 2019
Chưa đầy 1 tháng đầu năm 2019, hàng loạt startup đang hoạt động tại Việt Nam thông báo nhận đầu tư “khủng” từ các quỹ nước ngoài.
Leflair: 7 triệu USD
Leflair là website mua sắm hàng hiệu trực tuyến tại Việt Nam được sáng lập bởi 2 doanh nhân người Pháp là Loic Gautier và Pierre-Antoine Brun. Đi theo mô hình bán hàng flash-sale đã thành công ở thị trường châu Âu (Vente-privee.com) và Trung Quốc (vip.com), startup này phân phối các sản phẩm thời trang, làm đẹp và nhà cửa từ các thương hiệu trung và cao cấp trên toàn thế giới đến Việt Nam với mức giá giảm.
Leflair đang được vận hành tại TP HCM, có văn phòng đại diện và kho hàng tại Việt Nam, Singapore và Hong Kong. Kể từ thời điểm ra mắt vào tháng 12/2015, công ty đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 100% mỗi năm về doanh thu, và hiện đang hợp tác kinh doanh với hơn 1.500 thương hiệu trong và ngoài nước.
Startup mua bán hàng hiệu trực tuyến Leflair. Ảnh chụp màn hình.
Trong vòng gọi vốn Series B vừa công bố vào đầu năm 2019, Leflair được đầu tư 7 triệu USD từ 2 quỹ GS Shop (Hàn Quốc) và Belt Road Capital Management (Campuchia).
Luxstay: 3 triệu USD
Đầu tháng 1, ứng dụng kết nối cho thuê nhà Luxstay cho biết công ty đã nhận được 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures và một số nhà đầu tư khác trong vòng gọi vốn Bridge.
Ứng dụng kết nối cho thuê nhà Luxstay. Ảnh chụp màn hình.
Ra đời năm 2016, đến nay Luxstay đã xây dựng được mạng lưới với gần 10.000 chỗ ở trên khắp cả nước. Đây là nền tảng kết nối cho thuê nhà ngắn hạn có mạng lưới chỗ ở (chung cư, biệt thự, homestay) ở phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam.
Startup này cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thị phần kinh doanh, ra mắt các dịch vụ, sản phẩm mới nằm trong hệ sinh thái của mình. Cùng với đó công ty cũng có kế hoạch cho việc tìm kiếm nhà đầu tư và huy động những vòng gọi tiếp theo (Series A) trong khoảng giữa năm 2019 với quy mô trên 10 triệu USD.
WeFit: 1 triệu USD
Thành lập cuối năm 2016, WeFit là nền tảng ứng dụng di động, cung cấp cho người dùng các gói dịch vụ tập luyện và chăm sóc sắc đẹp cơ bản tại hơn 1.000 địa điểm ở Hà Nội và TP HCM.
Thông qua ứng dụng của startup này, người dùng có thể tìm kiếm và đặt lịch tại những phòng tập thể dục thể thao và các dịch vụ làm đẹp gần nhất và thuận tiện nhất. Hiện tại, WeFit đang phục vụ hơn 150.000 lượt đặt chỗ mỗi tháng, đồng thời giúp các đối tác tăng trưởng trung bình 10% lợi nhuận mỗi tháng.
Ứng dụng fitness WeFit. Ảnh chụp màn hình.
Startup này vừa thông báo gọi vốn thành công 1 triệu USD trong vòng đầu tư Pre-series A tiếp theo từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital (được đổi tên từ CyberAgent Ventures), KBInvest và một số nhà đầu tư thiên thần khác.
Theo ông Nguyễn Khôi, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của WeFit, khoản tiền đầu tư sẽ được sử dụng để phát triển giai đoạn tiếp theo của sản phẩm và mở rộng thị trường mới. WeFit đặt kỳ vọng sẽ có 1 triệu người dùng ứng dụng trong năm 2019.
JAMJA: 1 triệu USD
Trong vòng gọi vốn Bridge vừa diễn ra, JAMJA – startup cung cấp ứng dụng đặt chỗ giảm giá theo giờ dành cho lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, làm đẹp, giải trí huy động thành công 1 triệu USD. Bên cạnh Bon Angles – quỹ đầu tư từng rót vốn cho JAMJA vào tháng 4/2018, vòng gọi vốn lần này còn có sự xuất hiện của quỹ CyberAgent Capital.
Ứng dụng đặt chỗ giảm giá theo giờ JAMJA. Ảnh chụp màn hình.
JAMJA hiện hợp tác với một số chuỗi nhà hàng như Golden Gate Group (sở hữu các thương hiệu Kichi-Kichi, Sumo BBQ, Hutong - Hot Pot Paradise, Daruma…), Redsun-ITI (sở hữu các thương hiệu King BBQ, Hotpot Story, Buk Buk…), AFG (sở hữu các thương hiệu Al Fresco's, Pepperonis)...
Bên cạnh lĩnh vực ăn uống, công ty đang tiếp tục mở rộng dịch vụ như làm đẹp (tại các tiệm spa, làm móng hoặc salon tóc), giải trí (đặt vé xem phim tại hệ thống rạp BHD), thậm chí vận chuyển miễn phí đồ ăn uống thông qua hợp tác với Lalamove.
Finhay: 1 triệu USD
Finhay là công ty khởi nghiệp sáng tạo trong mảng công nghệ tài chính (Fintech) ra đời năm 2017. Startup giúp các bạn trẻ Millennials (thế hệ sinh ra trong giai đoạn 1980 - 2000) tiếp cận các Quỹ tài chính tại Việt Nam để tiết kiệm thông minh và đầu tư với số vốn bắt đầu từ 50.000 đồng.
Startup Fintech Finhay. Ảnh chụp màn hình.
Finhay tự động phân tích khẩu vị rủi ro của người dùng và đề xuất cách phân bổ tiền đến quỹ phù hợp; Ứng dụng cũng khuyến khích người sử dụng đầu tư có mục tiêu, đều đặn và trong dài hạn để đạt được lợi ích lớn nhất.
Startup này vừa thông báo gọi vốn thành công gần 1 triệu USD từ quỹ Insignia Venture Partners và một số nhà đầu tư khác. Finhay cho biết mục tiêu của công ty là nâng số người dùng từ mức 13.000 hiện nay lên mức 6 con số trong năm 2019.