Những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trong tháng 9
Tháng 8 thăng trầm đã qua đi nhường chỗ cho tháng 9 dự kiến sẽ nhiều bất ổn. Các nhà đầu tư hy vọng đã đến lúc có thể xác nhận rằng chu kỳ tăng lãi suất không ngừng nghỉ sẽ sớm kết thúc, giúp cho cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu hồi phục.
Nhưng vẫn còn một số trở ngại. Tháng 9 chứa đầy các sự kiện rủi ro, bao gồm các cuộc họp của ngân hàng trung ương, hội nghị thượng đỉnh G20 và những dữ liệu mang tính quyết định, chưa kể đây còn là tháng có "truyền thống" là tháng tồi tệ nhất trong năm đối với chỉ số S&P 500.
Dưới đây là những sự kiện tài chính đáng chú ý nhất trên thế giới trong tháng 9/2023:
1/ Mỹ: Những dữ liệu có tính chất quyết định
Hội nghị ngành ngân hàng ở Jackson Hole đã kết thúc. Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một tháng mới có nhiều biến động.
Theo dữ liệu của CFRA thống kê từ năm 1945, chỉ số S&P 500 có xu hướng ghi nhận hiệu suất hàng tháng tồi tệ nhất vào tháng 9, với mức giảm trung bình 0,7%.
Có rất nhiều chất xúc tác cho sự biến động này. Chỉ số lạm phát của Mỹ, công bố ngày 13/9, và dữ liệu về hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, công bố ngày 6/9, có thể sẽ cho thấy giá tiêu dùng đang hạ nhiệt và nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng – đã giúp thúc đẩy thị trường chứng khoán trong gần suốt năm nay. Về mặt dữ liệu, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ sẽ diễn ra vào thứ Tư.
Các nhà đầu tư cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng thông điệp từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed), ông Jerome Powell, sau cuộc họp của Ngân hàng trung ương Mỹ vào ngày 20/9, để xác định Fed có khả năng thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay hay không.
Trong khi đó, Chính phủ Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa lần thứ 4 trong một thập kỷ nếu các nhà lập pháp không thể đạt được thỏa thuận trước ngày 30/9, khi nguồn tiền tài trợ cạn kiệt vào cuối năm tài chính hiện tại.
2/ Châu Âu ‘ốm yếu’
Đức có vẻ sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy thoái trong năm nay: Hoạt động kinh doanh của nước này trong tháng 8 đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm, tâm lý kinh doanh xấu đi và nền kinh tế trì trệ trong quý II.
Không có gì ngạc nhiên khi cường quốc kinh tế của khu vực một lần nữa bị gọi là ‘người bệnh ốm yếu’ của châu Âu.
Về khu vực châu Âu nói chung, dữ liệu sản xuất và đơn đặt hàng công nghiệp tháng 7, sẽ công bố trong tuần tới, có thể củng cố dự đoán Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9.
Chính phủ liên minh của Đức mới đây đã đạt nhất trí về gói hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp trị giá khoảng 7 tỷ euro (7,6 tỷ USD), được Thủ tướng Olaf Scholz gọi là "cú hích lớn", nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế số 1 châu Âu, vốn đang trì trệ.
Nhưng các nhà kinh tế tỏ ra hoài nghi, cho rằng với việc chỉ tương đương 0,2% GDP, gói này không có tác dụng thay đổi cuộc chơi và ‘người bệnh ốm yếu’ sẽ cần nhiều thuốc hơn thế.
3/ Kinh tế G20 sáng sủa hơn châu Âu?
Việc các thỏa thuận nợ cho chuỗi các nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn hoặc phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ đã đạt được một số tiến triển trong mùa hè này, giúp đã thúc đẩy thị trường trái phiếu chính phủ của Pakistan, Sri Lanka, Ghana và Zambia tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Delhi, điểm sáng về thị trường trái phiếu đó có thể hỗ trợ những nỗ lực mà các quốc gia đang phát triển đang thực hiện nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng và gây nhiều thiệt hại.
Các tổ chức đa phương và các nước chủ nợ đã tận dụng hầu hết các cuộc họp quốc tế để hoàn thiện Thỏa thuận khung chung nhằm giúp cho việc phục hồi sau khủng hoảng nợ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Nhưng sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Delhi có thể làm giảm thành công của Hội nghị. Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở thành nhà cho vay song phương lớn nhất đối với một số quốc gia đang phát triển, và việc nước này miễn cưỡng đưa ra những nhượng bộ lớn hơn trong nỗ lực tái cơ cấu là điểm mấu chốt cốt lõi của vấn đề vay nợ này.
4/ Úc: Thống đốc mới liệu có giữ nguyên lãi suất?
Ngân hàng Dự trữ Úc dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong kỳ họp thứ 3 liên tiếp vào thứ Ba (5/9), khi Thống đốc Philip Lowe chuẩn bị chuyển giao quyền chỉ huy cho phó Thống đốc Michele Bullock.
Lạm phát của Úc giảm mạnh giúp cho con đường tương lai của ông Bullock trở nên dễ dàng hơn, sau một giai đoạn mà ông Lowe đã thực hiện những bước tiến – lùi đột ngột gây nhiều tranh cãi khiến ông không giữ được chức Thống đốc trong nhiệm kỳ thứ hai.
Lãi suất của Úc đang ở mức cao nhất trong 11 năm, là 4,1%, sau khi đã tăng 400 điểm cơ bản kể từ tháng 5/2022. Các nhà giao dịch kỳ vọng đó là mức ‘đỉnh’ vì lạm phát tháng 7 đã bất ngờ giảm xuống mức đáy 17 tháng, là dưới 5%.
Nhưng câu chuyện của Úc cũng không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Việc những rủi ro gia tăng ở Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu của Úc – làm giảm độ sáng của bức tranh kinh tế Úc.
5/ Anh có tiếp tục chống lạm phát?
Nền kinh tế Anh có tăng trưởng chậm lại đủ để Ngân hàng trung ương (BoE) kết thúc cuộc chiến chống lạm phát hay không?
Doanh số bán lẻ của Vương quốc Anh trong tháng 8, được Hiệp hội Bán lẻ Anh công bố vào ngày 5/9, có thể củng cố quan điểm của các nhà phân tích và các nhà đầu tư rằng người tiêu dùng Anh đang rất thận trọng.
Tâm lý thị trường đã trở nên tồi tệ cùng với thị trường nhà đất đang chậm lại, sau 14 lần tăng lãi suất liên tiếp. Dữ liệu giá nhà hàng tháng do Halifax công bố vào ngày 7/9 sẽ cho biết liệu lĩnh vực bất động sản nhà ở trị giá 9 nghìn tỷ bảng (11,37 nghìn tỷ USD) ở Anh có suy yếu hơn nữa hay không?
Tuy nhiên, nền kinh tế Anh vẫn có những điểm sáng, bất chấp dự báo sẽ rơi vào suy thoái. Đó là lạm phát chung đã giảm xuống 6,8% trong tháng 7, chi phí năng lượng dự kiến sẽ giảm từ tháng 10 và tăng trưởng tiền lương hiện ở mức dương xét theo giá trị thực.
Nếu điều này khiến người Anh đổ xô quay trở lại các cửa hàng thì điều đó có thể củng cố quyết tâm của BoE trong việc kiềm chế lạm phát.
Tham khảo: Refinitiv
Nhịp sống thị trường