MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5

07-05-2023 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5

Vấn đề trần nợ công và những rắc rỗi mới của lĩnh vực ngân hàng Mỹ cho thấy tháng Năm hứa hẹn sẽ có nhiều biến động trên khắp các thị trường.

Sắp tới sẽ có những dữ liệu mới nhất về lạm phát của Mỹ và Trung Quốc cũng như quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương Anh.

Dưới đây là những sự kiện tài chính thế giới nổi bật sẽ diễn ra trong tuần 8-12/5:

1/ Dữ liệu lạm phát tháng 4 của Mỹ được kỳ vọng đã hạ nhiệt

Bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát tháng 4 của Mỹ đã hạ nhiệt sẽ đều khiến các nhà đầu tư yên tâm rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã hoàn tất chương trình thắt chặt tiền tệ sau hơn một năm tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế áp lực giá cả. Dữ liệu lạm phát mới nhất sẽ được Mỹ công bố vào thứ Tư (10/5).

Cuối cùng thì Fed cũng đã phát tín hiệu tạm dừng thắt chặt sau khi tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp.

Trong cuộc khảo sát mới đây của Reuters, các nhà kinh tế nhận định giá tiêu dùng của Mỹ tháng 4 tăng 0,4%. Nếu con số sắp được công bố suy giảm mạnh hơn dự kiến sẽ củng cố niềm tin cho những người đặt cược vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, tạo ra một cơn gió thuận lợi hơn cho các tài sản rủi ro - bao gồm cả đợt phục hồi chứng khoán - đã giúp chỉ số S&P 500 tăng 5,8% từ đầu năm đến nay.

Trái lại, nếu dữ liệu công bố cao hơn dự kiến sẽ củng cố quan điểm Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn và làm thị trường lo ngại về lạm phát đình trệ - sự kết hợp giữa lạm phát cao và tăng trưởng thấp gây bất lợi cho tài sản rủi ro.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5 - Ảnh 1.

Kết quả khảo sát về lạm phát Mỹ trong tháng 4.

 2/ Phép thử cho sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc

Một loạt dữ liệu của Trung Quốc sắp được công bố sẽ là bài kiểm tra thực tế cho những dữ liệu về tháng Ba đã công bố trước đó về sự tăng trưởng bất ngờ.

Số liệu thương mại tháng 4 của Trung Quốc sẽ được công bố vào thứ Ba (9/5). Thành phần dịch vụ trong dữ liệu giá có thể đánh giá tình hình nhu cầu ở Trung Quốc, nhưng dữ liệu giá sản xuất và giá tiêu dùng nói chung có thể vẽ ra một bức tranh về giảm phát ở Trung Quốc. Dữ liệu lạm phát tháng 4 ở nước này sẽ được công bố vào thứ Năm (11/5).

Cùng với dữ liệu tín dụng - được xem là ổn định chứ không có gì nổi bật - là một bức tranh phức tạp đối với các nhà đầu tư cũng như với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong việc đưa ra quyết sách. Thật vậy, tin tức về việc hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ sụt giảm trong tháng 4 đã gây áp lực lên các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19 giữa bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu giảm và lĩnh vực bất động sản yếu kém kéo dài.

Và các số liệu về dòng chảy đầu tư có thể cho thấy hiện tại dòng tiền của nước ngoài đang tránh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5 - Ảnh 2.

Các dữ liệu của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế đang khó khăn.

 3/ Lễ đăng quang của Nhà Vua Charles Đệ Tam tác động tới nền kinh tế Anh

Lễ đăng quang của Vua Charles Đệ Tam đã diễn ra trong ngày thứ Bảy (6/5). Đây là một lễ đăng quang vô cùng đặc biệt, lễ đăng quang đầu tiên sau 70 năm, lễ đăng quang đầu tiên diễn ra trong kỷ nguyên của mạng xã hội, với ước tính có khoảng hơn 300 triệu người trên khắp thế giới theo dõi sự kiện này.

Lễ đăng quang của Vua Charles III được cho là có thể mang lại cú hích tạm thời cho các doanh nghiệp Vương quốc Anh khi các hộ gia đình mua thêm hàng hóa cũng như các vật kỷ niệm lễ đăng quang.

Trong những ngày tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung chú ý tới nền kinh tế đang trì trệ này, với dữ liệu GDP mới nhất của Vương quốc Anh sẽ được công bố vào ngày 12 tháng 5.

Trước đó một ngày, vào 11/5, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ nâng lãi suất một lần nữa để chống lại lạm phát, ngay cả khi chi phí thế chấp tăng làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính.

Ở mức 10,1%, lạm phát của Anh hiện đang cao nhất ở Tây Âu. Giá năng lượng có thể sẽ ngừng tăng vào mùa hè này, nhưng danh sách chờ đợi dịch vụ y tế nối dài gây ra tình trạng ốm đau kéo dài đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt công nhân liên quan đến Brexit, khiến lương tại Anh tăng cao.

Thị trường nhận định có hơn 70% khả năng BoE sẽ tăng tỷ lệ chính lên 4,5% vào ngày 11 tháng 5 và tăng lên 5% vào cuối năm.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5 - Ảnh 3.

Lãi suất của Ngân hàng trung ương Anh.

4/ Có nên bán cổ phiếu trong tháng Năm?

Những nhà đầu tư thông thái thường cho rằng tháng 5 là thời điểm lý tưởng để chốt lãi trên cổ phiếu và sau đó đặt mua ở mức giá thấp cho đến cuối năm.

"Sell in May and go away" dựa trên tiền đề rằng khoảng thời gian sáu tháng tốt nhất trong năm đối với lợi nhuận của thị trường chứng khoán là từ tháng 11 đến tháng 4, trong khi thời gian thấp nhất là từ tháng 5 đến tháng 10. Trong 50 năm qua, S&P 500 đã tăng trung bình 4,8% từ tháng 11 đến tháng 4 và chỉ 1,2% từ tháng 5 đến tháng 10, theo tính toán của Reuters.

Tuy nhiên, mô hình này đang mất dần và khung thời gian tăng bị rút ngắn lại.

Trong 20 năm qua, hiệu suất vượt trội của giai đoạn tháng 11-tháng 4 so với tháng 5-tháng 10 thu hẹp xuống còn 1%. Trong hơn 10 năm qua, đầu tư từ tháng 11 đến tháng 4 kém hiệu quả hơn từ tháng 5 đến tháng 10 là 1 điểm phần trăm; và trong 5 năm qua, mức độ kém hơn đã tăng lên 3 điểm phần trăm. Do đó, nhiều nhà đầu tư hẳn tin rằng có lẽ đã đến lúc bán để chờ đến “tháng 11”.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5 - Ảnh 4.

Có nên bán cổ phiếu trong tháng Năm?

5/ Nợ nần của các thị trường mới nổi gia tăng

Gánh nặng nợ nần chồng chất và tình trạng khó khăn ở các thị trường mới nổi là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự khi các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ các nước tiên tiến G7 gặp nhau tại thành phố Niigata của Nhật Bản từ ngày 11 đến 13 tháng 5. Nhóm này đã mời một số nhà hoạch định chính sách từ các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore và Brazil tham dự một cuộc họp tiếp cận cộng đồng.

Nhưng đó không phải là vấn đề nhức nhối duy nhất đối với cuộc họp dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản, mà cuộc họp cũng sẽ tìm cách giải quyết các tác động lan truyền của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Moscow cũng như lạm phát toàn cầu và áp lực về chuỗi cung ứng.

Sự ổn định tài chính cũng có thể trở thành một chủ đề chính khi những chấn động từ đợt rắc rối mới ở các ngân hàng Mỹ lan tỏa khắp các thị trường sau khi Ngân hàng First Republic trở thành nhà cho vay thứ ba sụp đổ kể từ tháng Hai.

Những sự kiện tài chính đáng chú ý tuần 8-12/5: Nhiều dữ liệu quan trọng được công bố và sự cân nhắc bán cổ phiếu trong tháng 5 - Ảnh 5.

Nợ của các nền kinh tế mới nổi đang tăng lên.

 

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên