Những sự kiện tài chính thế giới đáng chú ý trong tuần 11-15/3: Vàng, Bitcoin, giá nhà đất và lạm phát
Bitcoin đã trở lại nổi bật sau khi đạt mức cao kỷ lục mới, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới bắt đầu mở đường cho việc cắt giảm lãi suất, nhưng chỉ khi lạm phát diễn biến như kỳ vọng.
- 09-03-2024Liệu Bitcoin có vượt vàng trong danh mục phân bổ của nhà đầu tư?
- 09-03-2024Vàng nhẫn trơn lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 70 triệu đồng/lượng, người ôm vàng lãi đậm
Dòng đầu tư vào tiền điện tử, dữ liệu lạm phát của Mỹ, Trung Quốc và Vương quốc Anh, giá vàng… sẽ là những sự kiện sẽ được chú ý nhất trong thời điểm hiện tại.
Dưới đây là những sự kiện đáng chú ý sẽ diễn ra trong tuần tới
1/Bitcoin bùng nổ
Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục, 70.000 USD, trở lại thời kỳ hoàng kim của tài sản này như hồi tháng 11/2021, khi lãi suất ở mức thấp và “blockchain” cũng như “Web3” tăng mạnh. Thị trường tài chính đang gọi hiện tượng này là “cơn cuồng tiền điện tử”. Hôm thứ Sáu (8/3), bitcoin đạt mức 70.105 USD.
Sau năm 2021 bùng nổ, thị trường bước vào một “mùa đông tiền điện tử” với hàng loạt những vụ phá sản và sụp đổ tại các công ty tiền điện tử lớn nhất khiến hàng triệu người mất tiền. Nhiều giám đốc điều hành tiền điện tử đã bị buộc tội hình sự và các cơ quan quản lý đã tăng cường cảnh báo về những rủi ro.
Nhưng điều này dường như không ngăn cản được một làn sóng đầu tư mới đổ vào tiền điện tử. Không ai biết chắc chắn điều gì đang thúc đẩy mức tăng này, mặc dù các nhà phân tích chỉ ra rằng hàng tỷ đô la đã chảy vào các quỹ ETF bitcoin giao ngay của Mỹ - ra mắt trong năm nay.
Những người hâm mộ tiền điện tử cho rằng ngành công nghiệp này đã trưởng thành nhưng các ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý vẫn còn cảnh giác. Bây giờ các nhà đầu tư đang tự hỏi: thị trường này sẽ còn có thể tăng thêm bao nhiêu nữa và kết thúc của lần tăng này có khác những lần trước hay không?
2/Lạm phát ở Mỹ
Báo cáo lạm Mỹ sẽ được công bố vào thứ Ba (12/3) có thể giúp trả lời một trong những câu hỏi quan trọng nhất trên thị trường hiện nay - khi nào Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất?
Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 2/2024 ước tính tăng 0,4%, sau khi CPI tháng 1 tăng nhanh hơn dự kiến, là 0,3%.
Các nhà đầu tư đã giảm bớt kỳ vọng về số lần Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024 giữa bối cảnh lo ngại kéo dài về sức mạnh của nền kinh tế - đang gây ra lạm phát. Chủ tịch Fed Jerome Powell trong bài phát biểu tại Quốc hội mới đây đã nói rằng việc giảm lãi suất "có thể vẫn phù hợp" vào cuối năm nay, nếu các nhà hoạch định chính sách có thêm niềm tin rằng lạm phát tiếp tục giảm một cách ổn định.
Khi mùa báo cáo thu nhập của các doanh nghiệp quý 4 kết thúc, dữ liệu kinh tế và lạm phát là trọng tâm chú ý trước cuộc họp tiếp theo của Fed vào cuối tháng 3.
3/ Giá vàng
Thị trường vàng đang “bùng nổ” với những kỷ lục cao liên tiếp bị xô đổ.
Tuần qua, giá vàng bắt đầu lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử vào thứ Ba (5/3) khi vượt qua mức đỉnh tháng 12/2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi các dấu hiệu ngày càng tăng về áp lực giá cả ở Mỹ giảm dần và sức hấp dẫn của tài sản trú ẩn an toàn truyền thống. Hôm thứ Sáu (8/3), vàng có lúc đạt 2.185,19 USD sau khi một báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ gia tăng và mức tăng lương ở mức vừa phải mặc dù tăng trưởng việc làm trong tháng Hai mạnh lên.
Thị trường kỳ vọng rằng những tiền đề cơ bản thúc đẩy giá vàng tăng vẫn đang tồn tại, đó là hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay và đồng USD suy yếu.
4/ Dữ liệu kinh tế Trung Quốc
Các nhà đầu tư đã không có bất ngờ nào bởi những thông tin từ Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân toàn Trung Quốc (Chính Hiệp) - cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc - khai mạc vào chiều 4/3, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 ổn định ở mức 5% và không thông báo những biện pháp kích thích nào sẽ được triển khai để thúc đẩy nền kinh tế.
Lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang gặp khó khăn liệu có thể trở nên tốt hơn hay xấu đi, khi trái phiếu của nhà phát triển bất động sản Vanke đã bị bán tháo mạnh. Giá nhà mới tại Trung Quốc có thể giảm hơn nữa trong năm nay do các biện pháp hỗ trợ cho đến nay ít có tác động.
Tuần tới, những dữ liệu từ Trung Quốc được thị trường theo dõi sẽ là chỉ số giá nhà, công bố vào 15/3, và dữ liệu lạm phát, công bố vào 9/3. Có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mặc dù lãi suất của nước này vốn đã thấp hơn so với Mỹ.
5/ Dữ liệu mức lương ở Anh
Nền kinh tế Anh đã tránh được suy thoái trong gang tấc, nhờ hoạt động kinh doanh đang mở rộng một cách tích cực và người tiêu dùng gia tăng chi tiêu, ngay cả khi lãi suất ở mức cao nhất trong 16 năm và lạm phát dai dẳng.
Ngân hàng Anh ít quan tâm đến tăng trưởng mà tập trung nhiều hơn vào lạm phát. Thị trường việc làm đang có dấu hiệu chững lại. Tỷ lệ tuyển dụng đã giảm liên tiếp trong ba tháng tính đến tháng Giêng, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và giữ chân nhân viên.
Mức lương trung bình thường xuyên - yếu tố then chốt làm cơ sở để Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đưa ra quyết định lãi suất - đã giảm tốc xuống mức 6,2% trong tháng 12, tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong hơn một năm, nhưng không đủ chậm để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách rằng lãi suất sẽ cần phải giảm sớm hay muộn. Dữ liệu về mức lương sẽ công bố vào ngày 12 tháng 3 có thể thay đổi quan điểm đó của các nhà hoạch định chính sách BoE.
Tham khảo: Reuters
Nhịp sống thị trường