Những thách thức đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành
Khi tàn dư vẫn còn đọng lại sau âm mưu đảo chính bất thành thì việc duy trì nền kinh tế đi đúng hướng đang trở thành nhiệm vụ ưu tiên tối quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Thổ Nhĩ Kỳ.
- 18-07-2016Thổ Nhĩ Kỳ ráo riết trấn an thị trường tài chính sau vụ đảo chính
- 17-07-20164 cuộc đảo chính trong quá khứ và nguyên nhân khiến đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ "chết yểu"
- 16-07-2016Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng thế nào với thị trường năng lượng thế giới?
Tỉ lệ tăng trưởng GDP đạt 4,8% trong quý I/2016 đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ tư trong nhóm G20. Tuy nhiên, thực sự thì đây chỉ là tỉ lệ tăng trưởng vừa phải trong bối cảnh những rủi ro về chính trị và cơ cấu gia tăng.
Các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ phải kể đến sức chi tiêu gia đình, chi tiêu công cộng cùng với sự đóng góp nhỏ từ xuất khẩu và đầu tư cố định. Phải đối mặt với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài như hiện nay do tỉ lệ lãi suất tiết kiệm thấp, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền từ nước ngoài vốn ẩn chứa nhiều rủi ro và bất ổn.
Cuộc chiến tranh đang tiếp diễn dọc các đường biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, số vụ tấn công khủng bố vào các khu vực thành thị ngày càng gia tăng cũng như cuộc khủng hoảng chính trị với Nga, một trong những nước đối tác kinh doanh chính của Thổ Nhĩ Kỳ, đã tạo ra một môi trường không mấy thuận lợi cho sự tăng trưởng bền vững.
Do đó, khi âm mưu đảo chính xảy ra vào đúng đỉnh điểm của tất cả những yếu kém về cơ cấu và những rủi ro chính trị lâu dài tác động đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, thì các nhà đầu tư có lý do chính đáng để lo ngại.
Tất cả những cảnh tượng khủng khiếp mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua vào đêm ngày 15/7, như xe tăng lăn trên đường phố, người dân thường bị trúng đạn và máy bay phản lực ném bom nhà quốc hội, tất yếu đã giáng những đòn mạnh cho các thị trường. Đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất giá khoảng 5% trong đêm 15/7 và khi Sở Giao dịch Chứng khoán Istanbul mở cửa vào ngày thứ 2 đầu tuần 18/7, chỉ số chứng khoán của nước này đã sụt giảm 7,1% chỉ trong một ngày giao dịch.
Tuy nhiên, trong ngày giao dịch thứ hai (19/7) sau vụ đảo chính bất thành, chỉ số chứng khoán chỉ còn giảm 1% trong khi đồng Lira đã hồi phục phần nào. Rủi ro vẫn còn đó và những lo ngại vẫn bủa vây. Tuy nhiên, sự đổ vỡ của hệ thống tài chính Thổ Nhĩ Kỳ đã được đẩy lui.
Có hai yếu tố có ý nghĩa quan trọng về phương diện này. Phải mất gần 12 giờ đồng hồ để biết rõ rằng âm mưu đảo chính thất bại không có sự hỗ trợ của công chúng mà do một phe phái trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu giờ sáng ngày 16/7, tình hình đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng chính phủ và có lẽ quan trọng hơn cả là toàn xã hội Thổ Nhĩ Kỳ phản đối âm mưu lật đổ chính quyền bất chấp những bài học chính trị và niềm tin của người dân.
Mặc dù còn quá sớm để điều này có thể tiến hoá thành một hình thức đồng lòng trong xã hội để chấm dứt sự phân hoá kéo dài ở Thổ Nhĩ Kỳ, song sự phản đối của người dân Thổ Nhĩ Kỳ về âm mưu đảo chính là một tín hiệu có ý nghĩa quan trọng trong thời khắc đất nước lâm nguy.
Thứ hai, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp giúp trấn an các nhà đầu tư. Vào ngày 17/7, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố cung cấp thanh khoản không hạn chế và miễn phí cho các ngân hàng, xoá bỏ những hạn chế về tiền gửi bằng ngoại tệ mà các ngân hàng có thể sử dụng để thế chấp và cam kết sẽ theo dõi sát sao diễn biến trên thị trường tài chính.
Hai ngày sau, cơ quan quản lý tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng một "biện pháp thận trọng và đã được tính toán” bằng cách cắt giảm tỉ lệ cho vay liên ngân hàng từ 9% xuống còn 8,75%. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một hội nghị trực tuyến với các nhà đầu tư quốc tế để đảm bảo rằng "đất nước chúng tôi đang nhanh chóng quay trở lại bình thường”.
Các biện pháp ứng phó tức thì của chính quyền Erdogan để duy trì hệ thống tài chính hoạt động, duy trì niềm tin và ngăn chặn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng dường như đã phát huy tác dụng. Âm mưu lật đổ thất bại, những kẻ đảo chính đang bị đưa ra xét xử và bất chấp những biến động cao lúc này thị trường vẫn tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu và trong chừng mực nào âm mưu đảo chính có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong thời hạn dài.
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang hứng chịu hậu quả của âm mưu đảo chính bất thành và sẽ tiếp tục chịu thiệt hại trong thời gian tới. Khoảng 50.000 nhân viên chính phủ đã bị đình chỉ công tác hoặc bắt giữ vì bị tình nghi cấu kết với mạng lưới tổ chức của Gülen mà chính phủ của ông Erdogan đổ lỗi đứng đằng sau âm mưu đảo chính và chính thức công nhận đây là một tổ chức khủng bố.
Nếu công cuộc thanh trừng tiếp tục diễn ra, số người bị bắt giữ sẽ gia tăng, dẫn đến những thay đổi hoàn toàn trong nội bộ cơ cấu và bộ máy công chức Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ ở hệ thống quân sự mà còn tư pháp, giáo dục, kinh tế và nhiều lĩnh vực khác. Đây sẽ là một nhiệm vụ sống còn đối với chính phủ hiện hành để đảm bảo rằng những thay đổi lớn này sẽ không xâm hại nghiêm trọng các cuộc cải cách kinh tế của đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ cần cải cách nền kinh tế, nâng cao sức sản xuất nói chung, năng lực đổi mới và công nghệ và tăng giá trị thặng dư của các sản phẩm chế tạo và xuất khẩu của mình. Điều này không thể đạt được nếu các thể chế không hoạt động hiệu quả và gián đoạn.
Duy trì niềm tin của cộng đồng quốc tế vào nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là một nhiệm vụ quan trọng khác đối với Ankara. Cộng đồng quốc tế lên án âm mưu đảo chính và bày tỏ sự đoàn kết với chính phủ hiện hành. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Giám đốc Điều hành IMF Christine Lagarde cho biết giới chức Thổ Nhĩ Kỳ "đã ứng phó mạnh mẽ và có tính toán. Các thị trường quay trở lại vận hành có trật tự sau một thời gian xáo trộn mạnh”.
Ankara cần đảm bảo rằng hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ là mảnh đất đầu tư và kinh doanh không bị tàn phá bởi âm mưu đảo chính và rằng quá trình đổi mới sâu rộng vẫn đang tiếp diễn.