Những thảm kịch kinh hoàng khi fan đi "cửa ngách" vào sân vận động
Tháng 4/1989, viên cảnh sát quản lý sân Hillsborough tự ý mở cổng phụ để tuồn các khán giả vào trong. Quá đông người bị nén lại trong khoảng không chật hẹp khiến khán đài bị sập, cướp đi mạng sống của 96 cổ động viên.
- 17-11-2018Vào sân Mỹ Đình không cần vé: Nhân viên an ninh biến thành những kẻ reo rắc sự bất công
- 17-11-2018Vào sân Mỹ Đình xem tuyển Việt Nam mà không cần vé, chuyện tưởng đùa mà lại rất thật
Trong lịch sử bóng đá, việc người hâm mộ vào sân trái phép đã gây ra không ít thảm kịch đáng tiếc. Có những vụ, con số thiệt mạng lên tới hàng trăm người.
1. Sân Zamalek, Ai Cập (1974)
Việc Ban tổ chức bất ngờ đổi địa điểm đá trận giao hữu giữa CLB Zamalek SC và đối thủ Dukla Prague đã khiến rất nhiều cổ động viên phẫn nộ. Bởi lẽ nơi thi đấu mới, sân Zamalek có sức chứa nhỏ hơn rất nhiều so với địa điểm cũ. Vào ngày diễn ra trận đấu, 80.000 người đã cố gắng chen vào SVĐ chỉ có sức chứa 40.000 chỗ. Một vụ giẫm đạp đã diễn ra cướp đi sinh mạng của ít nhất 48 người và khiến 50 người khác bị thương.
2. Sân Hillsborough, Anh (1989)
Thảm họa tồi tệ nhất lịch sử thể thao nước Anh là sự cố sập khán đài tại sân Hillsborough trong trận bán kết cúp FA giữa Liverpool và Nottingham Forest. Ban đầu, phần đông cho rằng nguyên nhân của vụ việc là do sự quá khích của một bộ phận fan "Lữ đoàn đỏ". Tuy nhiên, kết quả điều tra cuối cùng đã hé mở một sự thật rúng động. Vì nhiều lý do, cảnh sát trưởng David Duckenfield đã tự ý mở cổng C để tuồn người hâm mộ vào sân. Quá đông cổ động viên đã khiến một phần sân bị sập. Tổng cộng 96 người chết và hơn 200 người khác bị thương trong vụ việc này.
Thảm họa trên sân Hillsborough đã cướp đi sinh mạng của 96 người.
3. Sân Armand Cesari, Pháp (1992)
Trong trận bán kết cúp Quốc gia với đối thủ ngang cơ Marseille, để tạo lợi thế cho mình, đội chủ nhà Bastia bằng cách nào đó đã xin chính quyền địa phương mở rộng số ghế ngồi lên gấp đôi. Việc thi công trong thời gian ngắn dẫn tới chất lượng công trình không đảm bảo. Thêm vào đó, đội ngũ quản lý sân cũng làm không tốt nhiệm vụ khi để quá nhiều cổ động viên vào sân trái phép. Hệ quả là khán đài bị sập. Ngày hôm đó, 18 người đã vĩnh viễn ra đi và hơn 2.300 người bị thương. Trận đấu giữa Bastia và Marseille cũng không bao giờ được đá lại.
4. Sân Mateo Flores, Guatemala (1996)
Trận đấu trong khuôn khổ vòng loại World Cup giữa Guatemala và Costa Rica đã chứng kiến cái chết của 84 cổ động viên. Theo đó, vì muốn chứng kiến đội nhà thi đấu, rất nhiều cổ động viên đã làm giả vé hay tự ý trèo vào sân Mateo Flores. Trong khung cảnh nhốn nháo, thảm họa vỡ sân đã diễn ra. Guatemala sau đó dành ba ngày để Quốc tang cho những nạn nhân xấu số. Các trận đấu vòng loại World Cup tại khu vực CONCACAF cũng bị hoãn trong một thời gian dài.
5. Sân Samuel Kanyon Doe Sports, Liberia (2000)
Một thảm họa khác của làng thể thao diễn ra vào năm 2000 và cũng là một trận tại vòng loại World Cup. Sau màn so tài giữa đội chủ nhà Liberia và đội tuyển Chad, do sân bị quá tải, các cổ động viên đạp lên nhau để tìm lối ra. Con số thương vong của vụ việc đau buồn này lên tới hàng chục người. Sự yếu kém trong công tác quản lý, việc vào sân trái phép của fan hâm mộ được xác định là nguyên nhân chính.
6. Sân Ellis Park, Nam Phi (2001)
Ngày 11/4/2001, bằng việc dùng vé giả, hối lộ lực lượng soát vé hay nhiều cách khác, hơn 30.000 cổ động viên không có vé đã vào được sân Ellis Park để chứng kiến trận derby giữa hai CLB Orlando Pirates và Kaizer Chiefs. Khi đám đông cố gắng tranh đấu để tìm kiếm chỗ ngồi, hàng dài người đã đổ gục lên nhau. Tổng cộng 43 người đã chết cùng gần 150 nạn nhân khác bị thương. Khung cảnh được mô tả trong ngày hôm đó là "kinh hoàng và tang tóc".
Khung cảnh tại Ellis Park sau thảm họa giẫm đạp.
7. Sân Demba Diop, Senegal (2017)
Thảm kịch vỡ sân gần đây nhất diễn ra vào năm 2017. Đó là trong trận chung kết cúp Liên đoàn giữa US Ouakam và Stade De Mbour. Sau khi màn so tài này kết thúc, một nhóm cổ động viên đã lao vào ẩu đả lẫn nhau. Quá sợ hãi, những người còn lại vội vã tìm cách rời khỏi sân Demba Diop. Tuy nhiên, do lượng người vào sân vượt quá mức cho phép, cuộc chen lấn này đã làm một bức tường bị đổ và cướp đi sinh mạng của 8 người.
Bức tường bị đổ tại sân Demba Diop.
Trí thức trẻ