Những thành phố TQ chìm trong bóng tối: Bài toán cắt điện làm "đau đầu" cả chính quyền lẫn người dân
Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 và nhiệt độ xuống thấp bất ngờ làm nhu cầu dùng điện tăng vọt, buộc nước này hạn chế tiêu thụ điện trên diện rộng.
- 23-12-2020Colin Huang - Ông vua Internet bí ẩn của Trung Quốc: Điều hành website TMĐT trị giá 170 tỷ USD, từng thành lập nên 12 công ty khác và đều thành công
- 22-12-2020Cổ phiếu thăng hoa, vốn hóa của quốc tửu Trung Quốc vượt mặt cả Coca-Cola và 'ông trùm' đồ hiệu LVMH
- 22-12-2020WSJ: Jack Ma từng đưa ra lời đề nghị 'hiến' 1 phần Ant cho chính phủ Trung Quốc nhưng vẫn không ngăn được thương vụ IPO 35 tỷ USD sụp đổ
Cắt điện diện rộng
Tại thành phố Nghĩa Ô ở miền đông Trung Quốc , nhiều ngày qua chính quyền đã không cho mở đèn đường và giới hạn thời gian hoạt động của các công xưởng.
Tại thành phố Ôn Châu vùng duyên hải, chính quyền đã khuyến nghị một số công ty không mở điều hòa không khí trong văn phòng để sưởi ấm trừ khi nhiệt độ xuống gần mức 0 độ C. Công nhân tỉnh Hồ Nam thuộc miền nam Trung Quốc cho biết họ phải dùng thang bộ leo lên hàng chục tầng do không thể dùng thang máy.
Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 và nhiệt độ xuống thấp bất ngờ làm nhu cầu dùng điện tăng vọt, do đó mùa đông năm nay Trung Quốc đã hạn chế tiêu thụ điện trên diện rộng. Ít nhất 3 tỉnh (với tổng dân số hơn 150 triệu người) đã ban hành thông báo hạn chế sử dụng năng lượng và cảnh báo về khả năng thiếu than.
Theo nguồn tin gần đây của truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhu cầu về than quá lớn đến nỗi những bên mua tranh nhau lái xe tải lớn đến xếp hàng dài ở cổng các mỏ than tại tỉnh Hà Nam.
Những biện pháp hạn chế khiến nhiều người dân thấy hoang mang, lo lắng về vấn đề sưởi ấm hoặc hoạt động làm ăn buôn bán bị khốn đốn. Còn chính quyền đã nỗ lực cảnh tỉnh người dân nhận thức về mục tiêu môi trường đầy tham vọng của Trung Quốc, đồng thời trấn an rằng có đủ năng lượng để cho mọi người sưởi ấm, bảo đảm hoạt động kinh tế.
Hôm thứ Hai (21/12) ông Triệu Thần Hân, Phó tổng thư ký Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết: "Mọi người hãy tin rằng khả năng đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng của chúng ta không có vấn đề gì".
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc là cơ quan phụ trách hoạch định chính sách năng lượng của Trung Quốc.
Nhưng việc giới lãnh đạo Trung Quốc dùng nhiều biện pháp cực đoan để ứng phó đã làm bộc lộ những vấn đề lâu dài mà ngành năng lượng Trung Quốc có thể phải đối mặt.
Ảnh: Một gian hàng trang sức ở Nghĩa Ô vào tháng 12. Việc nhiều ngày liền chính quyền không cho mở đèn đường trong thành phố đã gây lo ngại về vấn đề an ninh (ALEX PLAVEVSKI / EPA, VIA SHUTTERSTOCK).
Ông Tập Cận Bình tuyên bố sẽ đưa Trung Quốc trở thành nước đi đầu trong giải quyết biến đổi khí hậu, trước năm 2060 sẽ thực hiện được độ trung hòa carbon. Nhưng gần 70% điện năng của Trung Quốc vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá, những nguồn năng lượng này đã giúp Trung Quốc phục hồi sau đại dịch với tốc độ đáng kinh ngạc.
Tính đến tháng 5 năm nay, lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc từ sản xuất năng lượng, sản xuất xi măng và các mục đích sử dụng công nghiệp khác cao hơn 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đề cập đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Philip Andrews-Speed thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng - Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Ông ấy phải giải quyết đồng thời nhiều vấn đề như tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế, việc làm và môi trường".
Khó khăn về năng lượng
Chuyện khó khăn về năng lượng hiện nay của Trung Quốc có phần nào do chính nước này gây ra.
Các khu vực ven biển của Trung Quốc phụ thuộc vào than nhập khẩu, gồm cả nhập từ Australia. Nhưng năm nay quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã xấu đi quá nhanh, một trong những lý do là Australia yêu cầu điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2, loại virus này lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc. Để đáp trả, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu than của Australia khiến các tàu lớn chuyên chở phải neo đậu trên biển.
Chính quyền Trung Quốc bác bỏ quan điểm rằng nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện nay là vì lệnh cấm nhập khẩu than từ Australia, chỉ ra rằng chưa đến 8% lượng than tiêu thụ của Trung Quốc trong năm 2018 là than nhập khẩu; hầu hết than nhập khẩu từ Australia được sử dụng để sản xuất gang thép và các kim loại khác chứ không để phát điện.
"Hiện nay, việc một số tỉnh bị thiếu điện tạm thời là vấn đề khách quan", Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, một trong những cơ quan quyền lực nhất của chính phủ Trung Quốc, quản lý các doanh nghiệp nhà nước, cho biết.
Đã có nhiều thông tin về tình trạng thiếu điện và cắt điện từ đầu tháng này. Ngày 4/12 chính quyền tỉnh Hồ Nam đã ra một thông báo cho biết, so với năm ngoái nhu cầu điện hàng tháng đã tăng mạnh và sẽ sớm vượt quá tải mạng lưới điện. Họ cũng cho biết vấn đề thiếu điện sẽ tiếp tục cho đến mùa xuân.
Để ứng phó vấn đề này, chính quyền bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế dùng điện trong dân cư. Theo thông báo của tỉnh Hồ Nam, hàng ngày hầu hết đèn tại mặt tiền các tòa nhà và màn hình quảng cáo lớn sẽ phải tắt trong thời gian từ 10h30 đến 12h và từ 16h30 đến 20h30. Cuối tuần không cung cấp điện cho tòa nhà văn phòng. Người dân cũng được thông báo không sử dụng bếp điện hoặc lò nướng.
Hình: Tàu ở cảng Nhật Chiếu miền đông Trung Quốc đang dỡ than nhập khẩu hồi năm ngoái. Năm nay Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu than từ Australia khi quan hệ hai nước xấu đi (WANG KAI / XINHUA, VIA ASSOCIATED PRESS).
Năm nay tỉnh Hồ Nam với dân số 67 triệu người trở nên lạnh khác thường, vào tuần trước nhiệt độ xuống dưới mức 0 độ C.
Tại tỉnh Giang Tây thuộc miền nam Trung Quốc, chính quyền cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm. Giới chức thành phố Ôn Châu tỉnh Chiết Giang cho biết các công ty chỉ được bật điều hòa để sưởi ấm khi nhiệt độ giảm xuống dưới 3 độ C, còn nhiệt độ trong nhà [khi bật sưởi ấm] không được vượt quá 20 độ C.
Một huyện ở gần Ôn Châu không cho phép các cơ quan chính phủ, công ty và tổ chức tài chính được bật hệ thống sưởi trong khu ăn uống, kể cả trong giờ ăn; chính quyền ở đó cho biết, trước cuối năm nay chỉ cho phép dùng thang máy từ tầng 4 trở lên.
Chính quyền chợ Nghĩa Ô tỉnh Chiết Giang từng không bật đèn đường trong nhiều ngày cho đến khi người dân phàn nàn về vấn đề nguy cơ an toàn.
Những hạn chế này đã khiến nhiều người dân địa phương không hài lòng. "Khắp thành phố tối đen, không thể nhìn thấy gì được", ông Zhang chủ một cửa hàng ở Nghĩa Ô cho biết. "Hai đêm trước, trên đường về nhà tôi đã thấy một số vụ tai nạn ô tô, tôi chỉ có thể lái xe thật chậm".
Tại trung tâm mua sắm Nghĩa Ô, thang máy và ánh sáng màn hình quảng cáo vẫn chưa được khôi phục. Một số nhà sản xuất cũng đã nhận được thông báo hàng tuần phải ngừng làm việc từ 2 - 3 ngày, điều này khiến nhiều công nhân bất bình bởi nguồn sinh kế của họ mới phục hồi trở lại ít ngày sau khi nền kinh tế đình trệ do đại dịch.
Sáng thứ Hai (21/12), khi mất điện quy mô lớn xảy ra ở Quảng Châu, một trong những thành phố lớn của Trung Quốc, giới chức nhanh chóng phản hồi rằng sự cố mất điện là do vấn đề thiết bị, không liên quan đến tình trạng thiếu điện ở những nơi khác trong nước. Giới chức nói rằng không có vấn đề điện mang tính toàn quốc.
Doanh nghiệp & Tiếp Thị