Những thay đổi về chính sách BHYT được kỳ vọng mang lại lợi ích cho người bệnh
Tháng 11/2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới mang lại lợi ích và thuận lợi cho người tham gia BHYT. Người dân đang rất mong chờ đến ngày 1/1/2025 khi các quy định của luật chính thức có hiệu lực.
Điểm nhấn là trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các quy định được thiết kế hướng đến việc "xóa địa giới hành chính” trong khám chữa bệnh (KCB). Luật quy định đồng bộ với Luật Khám chữa bệnh về phân cấp chuyên môn thành 3 cấp gồm: Chuyên sâu, cơ bản và ban đầu. Trong đó, việc chuyển cơ sở KCB không phụ thuộc vào tuyến (xã, huyện, tỉnh, trung ương như trước); tạo điều kiện tối đa cho người bệnh, giảm thủ tục hành chính khi chuyển cơ sở KCB.
Người có thẻ BHYT phải mua thuốc ngoài sẽ được thanh toán trong 40 ngày
Mới đây Bộ Y tế ban hành Thông tư 22 quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Thông tư 22 là nỗ lực cố gắng của cả ngành y tế trong suốt thời gian qua, mang lại ý nghĩa rất lớn đối với công tác khám chữa bệnh cho người bệnh cũng như người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong 2 năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ sửa, ban hành nhiều nghị định, thông tư, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế. Đây là một bài toán không phải giải quyết trong ngày một ngày hai.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong Luật BHYT sửa đổi vừa được thông qua, có quy định cho phép điều chuyển thuốc, vật tư y tế giữa đơn vị này với đơn vị khác, được BHYT thanh toán. Đây là cơ chế tạo điều kiện cho các bệnh viện, cho ngành y tế từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khi cần thuốc, vật tư y tế cho người bệnh đáp ứng được ngay.
“Luật BHYT cũng đã có quy định thanh toán cho những trường hợp người dân phải mua thuốc hiếm bên ngoài. Tuy cơ chế có nhưng các bệnh viện vẫn cần đảm bảo thuốc, vật tư y tế, tránh cho việc người dân phải ra ngoài mua thuốc, đảm bảo chất lượng điều trị", Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.
Theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đi khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của Nghị định 146 của Chính phủ.
“Hiện nay Chính phủ đã có các quy định về thanh toán trực tiếp. Khi người bệnh nộp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ hợp pháp, giấy tờ bệnh viện chẩn đoán, kê đơn điều trị. Trong thời hạn 40 ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ có trách nhiệm giám định và thanh toán cho người đó. Ngoài ra có một số trường hợp người bệnh có thẻ BHYT cấp cứu tại các cơ sở chưa ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm, thì sau khi ra viện, người bệnh vẫn có thể mang toàn bộ các hồ sơ, chứng từ ra viện cộng với xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh mang đến cơ quan bảo hiểm xã hội thẩm định và thanh toán theo quy định của Nghị định 146”, bà Trần Thị Trang cho biết.
Không cần xin giấy chuyển viện vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT
Để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT đã bổ sung và làm rõ các hình thức khám chữa bệnh mới được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT như khám chữa bệnh từ xa, khám chữa bệnh y học gia đình, khám chữa bệnh tại nhà. Người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Như vậy, đối với một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển tuyến theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng. Đây là điều mà hầu hết bệnh nhân và người nhà đang rất ngóng chờ.
Bà Nguyễn Thị Bính (50 tuổi, Thái Bình) mắc bệnh viêm gan tự miễn 5 năm nay. Bà Bính cho biết, năm nào bà cũng phải xin giấy chuyển viện để lên bệnh viện tuyến trên điều trị.
“Đối với bệnh nhân mạn tính phải điều trị nhiều năm, nhưng năm nào cũng phải xin giấy để chuyển viện rất phiền hà. Quy định mới này mong rằng sẽ giúp người bệnh không cần chạy đi chạy lại xin giấy nhiều lần”, bà Bính cho biết.
Có người thân mắc bệnh hiểm nghèo, lần nào đưa mẹ ra Hà Nội, chị Cao Thị Tú (Hà Tĩnh) cũng tất bật xin giấy chuyển tuyến. Là người sát cánh cùng mẹ, xử lý các thủ tục khi bệnh viện yêu cầu, chị Tú chỉ mong đến ngày 1/1/2025 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực để việc KCB của người dân bớt phiền hà.
Bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho hay Luật BHYT vừa được thông qua quy định trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... bệnh nhân được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện và vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.
Bà Nữ Anh giải thích với quy định này, người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế sẽ ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay.
"Hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện. Danh mục này phải được tính toán phù hợp, tránh người dân đổ dồn lên tuyến cuối gây quá tải”, bà Anh chia sẻ.
Theo quy định hiện nay có 62 bệnh, nhóm bệnh được chuyển viện một năm một lần. Trong đó các trường hợp có chỉ định sử dụng thuốc chống thải ghép sau ghép mô, bộ phận cơ thể người có thể xin giấy chuyển tuyến 12 tháng/lần. Ghép tạng cũng như các bệnh lý khác đều phải thực hiện đúng quy trình chuyển viện.
Thông tuyến thuốc BHYT
Để có cơ sở pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch trong việc xây dựng, cập nhật danh mục thuốc BHYT, ngày 16/11/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 37/2024/TT quy định nguyên tắc, tiêu chí xây dựng, cập nhật, ghi thông tin, cấu trúc danh mục và hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Danh mục thuốc BHYT đang được phân cấp theo hạng bệnh viện, trong đó danh mục thuốc của trạm y tế chỉ khoảng 25%. Điều này khiến nhiều người bệnh mạn tính phải lên tuyến trên để lĩnh thuốc thay vì đến trạm y tế gần nhà. Từ ngày 1/1/2025, khi Thông tư 37 có hiệu lực, các cơ sở y tế được sử dụng toàn bộ các thuốc trong danh mục BHYT phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, điều trị mà không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật. Quy định này đang được nhiều người dân, y tế cơ sở mong đợi.
Bà Hoàng Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết huyện có 20 trạm y tế, xã thị trấn, việc trạm được cấp các loại thuốc điều trị bệnh mạn tính như các tuyến cao hơn sẽ giúp người dân đỡ mất thời gian di chuyển. Đặc biệt, những người này đều là người cao tuổi, việc đi lại khó khăn, cần người hỗ trợ.
“Hiện nay danh mục thuốc đang được phân cấp theo hạng bệnh viện, trong đó danh mục thuốc của trạm y tế chỉ khoảng 25%. Tôi cũng đã biết đến Thông tư 37 của Bộ Y tế, hiện chúng tôi chưa nhận được hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng với sự ra đời của quy định mới sẽ giúp người dân có nhiều sự lựa chọn hơn, bớt đi lại gây phiền hà cho người dân và đặc biệt các trạm y tế trên địa bàn cũng sẽ được sử dụng các loại thuốc được quỹ BHYT chi trả. Đồng thời khi danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế được bổ sung sẽ giúp giảm gánh nặng cho tuyến trên, người bệnh mạn tính được quản lý, cấp phát thuốc từ cấp địa phương”, bà Thanh nói.
Là người bệnh mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường điều trị ổn định nhiều năm nay, bà Trịnh Thị Sửu (69 tuổi, Hà Nội) thường xuyên phải đến bệnh viện huyện cách nhà 10km để khám định kỳ và lấy thuốc.
Bà Sửu cho biết tháng nào cũng phải xuống bệnh viện huyện lấy thuốc vì trạm y tế chưa được cấp thuốc điều trị đái tháo đường mà chỉ cấp thuốc điều trị tăng huyết áp. Bên cạnh đó, loại thuốc huyết áp bà đang sử dụng ở trạm y tế cũng không có.
“Nếu trạm y tế có thêm thuốc điều trị các bệnh mạn tính thì người dân mừng quá", bà Lan bày tỏ.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho rằng quy định này sẽ giúp người bệnh sau khi chẩn đoán ban đầu ở tuyến trên, chuyên sâu, kỹ thuật cao, có thể trở về chăm sóc tại y tế xã hay bệnh viện huyện, người bệnh được tiếp nhận quản lý bệnh tại tuyến dưới, nhận thuốc giống như thuốc ở tuyến trên.
Ví dụ như thuốc tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... như khi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh hay bệnh viện thuộc Bộ Y tế.
Quy định này tạo điều kiện phát triển cho y tế cơ sở do bảo đảm tính công bằng trong tiếp cận và chi trả BHYT đối với thuốc. Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng người bệnh lựa chọn đi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở cấp chuyên môn kỹ thuật cao, giảm bớt tình trạng quá tải tại một số cơ sở cấp chuyên môn kỹ thuật cao.
VOV