MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những "thế lực" lớn trên thị trường chứng khoán đã kiếm tiền ra sao trong năm 2016?

Khảo sát tại 15 quỹ ngoại quen thuộc cho thấy các quỹ đều có mức tăng trưởng NAV dương với 7 quỹ tăng trưởng tài sản ròng (NAV) cao hơn so với VN-Index và 8 quỹ thấp hơn.

Năm 2016, VN-Index đóng cửa ở mức 664,87 điểm, tăng 14,82% so với mức đóng cửa vào cuối 2015. Đây cũng là năm thành công nhất trong 3 năm qua của các quỹ đầu tư. Theo thống kê của Học viện chứng khoán DoBF trong báo cáo tổng kết hoạt động của các quỹ đầu tư trong năm 2016 thì nếu như loại trừ tác động của SAB và ROS, VN-Index chỉ tăng 7,35%. Theo đó, có tới 20 quỹ đạt thành tích hơn 2 lần con số này.

Theo DoBF, sự thành công của các quỹ là minh chứng rõ ràng cho ưu thế của đầu tư cơ bản trong năm qua. Việc dòng tiền quay trở lại các cổ phiếu Bluechips hàng đầu, cộng với việc niêm yết hàng loạt doanh nghiệp lớn như Novaland, Cảng hàng không Việt Nam ACV, Vietnam Airlines, Sabeco… đã khiến cho danh mục các quỹ được đánh giá lại và hưởng đáng kể. Thị trường UPCoM với quy mô lớn gấp đôi sàn Hà Nội bắt đầu đón nhận tiền đầu tư từ các quỹ, điều này được dự báo sẽ trở thành xu hướng trong năm tới.

Khảo sát của chúng tôi tại 15 quỹ ngoại quen thuộc với nhà đầu tư cho thấy cho 7 quỹ tăng trưởng tài sản ròng (NAV) cao hơn so với VN-Index và 8 quỹ thấp hơn. Đà tăng trưởng vượt trội này là nhờ danh mục của các quỹ chủ yếu là các cổ phiếu cơ bản và bluechips.

Vietnam Oppoturnity Fund thuộc quản lí của Vina Captital là quỹ ngoại hoạt động hiệu quả nhất khi tỷ suất sinh lời lên đến 25,5%. Mặc dù tăng trưởng âm trong năm 2015 nhưng VOF đã có một màn thể hiện ngoạn mục trong 2016. Đáng chú ý trong năm vừa qua, VOF có quyết định bán đi toàn bộ 50% cổ phần tại khách sạn Metropole Hà Nội với giá chuyển nhượng không dưới 100 triệu USD. Hiện tại, VOF đang “rót vốn” nhiều nhất vào lĩnh vực food & beverage thông qua việc nắm giữ cổ phần tại Vinamilk, Đường Quảng Ngãi và International Dairy Product.

VEIL của Dragon Capital - quỹ đầu tư lâu đời nhất và lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng kết thúc năm với một con số tỷ suất ấn tượng 22,8%. Trong năm vừa qua, quỹ tín thác Bill & Melinda Gates Foundation Trust thuộc quản lý của vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã gia tăng tỷ lệ nắm giữ tại VEIL lên 11,34%.

Dẫn đầu bảng xếp hạng năm ngoái với 8,7%, Vietnam Holding năm nay đã “nhường ngôi” và tụt xuống vị trí thứ 3 với tỷ suất 18,7%. Cú nhảy vọt nhân đôi, nhân ba của những mã cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn như TRA, BMP, VHC đã giúp quỹ có được thành tích này.

2 năm trước, SAM VEH và SAM VPH - 2 quỹ hạch toán bằng EUR, được hưởng lợi đáng kể khi 2014 chứng kiến sự rớt giá “thê thảm”. Tỷ giá EUR/VND rơi từ quanh mức 29.000 về 24.000. Năm 2016, yếu tố này không còn tác động mạnh mẽ do tình hình tỷ giá tương đối ổn định trong suốt cả năm.


Tỷ giá EUR/VND đã ổn định so với thời kỳ trước

Tỷ giá EUR/VND đã ổn định so với thời kỳ trước

Ở chiều ngược lại, hai quỹ ETF là những quỹ có thành tích kém nhất tại Việt Nam khi tăng trưởng âm trong năm qua. Năm 2015, đây cũng là 2 quỹ giữ vị trí cuối bảng với tỷ suất tăng trưởng âm mức 2 con số. Do giao dịch của các quỹ ETFs đều dựa trên chỉ số riêng, căn cứ trên một danh mục cổ phiếu được lựa chọn theo nguyên tắc nhất định, do đó, nhiều trường hợp các ETFs bị hạn chế bổ sung danh mục do tiêu chí về tỷ trọng cổ phiếu có thể giao dịch hay room đã hết.

Trong báo cáo của mình, Học viện chứng khoán DoBF cho rằng năm 2017 sẽ khó khăn hơn năm 2016. Nếu như năm trước, dòng tiền chọn lọc cổ phiếu cơ bản và những Bluchips hàng đầu có mức tăng trưởng ấn tượng vượt dự đoán thì năm nay, tính đầu cơ của thị trường sẽ cao hơn. Dòng tiền có xu hướng dịch chuyển nhanh hơn và tính chọn lọc sẽ nâng cao khi đón nhận những cổ phiếu mới niêm yết.

Hoài Thu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên