Những Thông tư mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 02/2022
Ảnh minh họa.
Quy định về điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH từ năm 2022, lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tử, bổ sung trường hợp sửa chữa công trình đường bộ.. là những Thông tư mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 02/2022
- 27-01-2022Chính sách mới về lao động tiền lương có hiệu lực tháng 02/2022
- 31-12-2021Infographic: Chính sách bảo hiểm xã hội năm 2022: Những điểm mới
- 28-12-2021Chính sách mới về thuế, phí, lệ phí có hiệu lực từ tháng 1/2022
Lộ trình thực hiện kê đơn thuốc điện tử
Từ ngày 15/02/2022, Thông tư 27/2021/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử có hiệu lực thi hành.
Theo đó, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử quy định tại Thông tư 27/2021/TT-BYT theo lộ trình cụ thể như sau:
- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên: hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 01/12/2022.
Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử đáp ứng các quy định của Thông tư 27/2021/TT-BYT có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Đồng thời quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm:
- Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú;
- Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện;
- Thực hiện lưu trữ đơn thuốc điện tử như thời gian lưu trữ đơn thuốc giấy theo quy định của Bộ Y tế.
Bổ sung trường hợp sửa chữa công trình đường bộ
Theo đó, Thông tư 41/2021/TT-BGTVT đã bổ sung trường hợp sửa chữa công trình đường bộ định kỳ và sửa chữa công trình đường bộ đột xuất và có hiệu lực từ ngày 15/02/2022, cụ thể:
- Sửa chữa định kỳ bao gồm:
+ Sửa chữa hư hỏng công trình, hạng mục công trình đường bộ hoặc bổ sung, thay thế bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình bị hư hỏng được thực hiện định kỳ về thời hạn hoặc tần suất khai thác, sử dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình bảo trì được duyệt; sửa chữa, khắc phục điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông;
+ Sửa chữa, bổ sung các hạng mục an toàn giao thông đường bộ; trạm kiểm tra tải trọng xe, trạm thu phí đường bộ, trung tâm ITS và các công trình thiết bị phụ trợ khác quy định tại khoản 10 Điều 2 Thông tư 37/2018/TT-BGTVT nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng công trình đường bộ bình thường, an toàn và hiệu quả (bao gồm cả mua sắm thay thế các thiết bị và phần mềm hoạt động khi hết hạn sử dụng, không còn phù hợp yêu cầu quản lý, bảo trì, khai thác công trình đường bộ). (Nội dung mới bổ sung)
- Sửa chữa đột xuất công trình được thực hiện khi:
+ Bộ phận công trình, công trình bị hư hỏng do chịu tác động đột xuất như mưa gió, bão, lũ lụt, động đất, va đập, cháy, nổ và những tác động đột xuất khác phải sửa chữa cấp bách hoặc khi bộ phận công trình, công trình có biểu hiện xuống cấp ảnh hưởng đến an toàn sử dụng, vận hành, khai thác công trình;
+ Xử lý tai nạn giao thông, điểm đen tai nạn giao thông đường bộ; thực hiện các biện pháp bảo đảm giao thông cấp bách khi xử lý sạt lở, ùn tắc giao thông hoặc khi khắc phục các sự cố đứt đường, sập đổ công trình đường bộ; (Nội dung mới bổ sung)
+ Sửa chữa, thay thế thiết bị, mua sắm các phần mềm đang khai thác sử dụng khi bị hư hỏng, bị sự cố, bị tấn công mạng nhằm khôi phục hoạt động của hệ thống thiết bị phục vụ quản lý, bảo trì và khai thác công trình đường bộ. (Nội dung mới bổ sung)
Quy định về điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH từ năm 2022
Nội dung này được quy định tại Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH.
Theo đó, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với NLĐ đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng từ trước năm 1995 đến năm 2022, đơn cử như sau:
- Trước năm 1995: 5,10 (tăng 0,09 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1995: 4,33 (tăng 0,08 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1996: 4,09 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1997: 3,96 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1998: 3,68 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 1999: 3,53 (tăng 0,07 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 2000: 3,58 (tăng 0,06 so với mức điều chỉnh của năm 2021);
- Năm 2022: 1,00;...
Đối với NLĐ vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì:
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 01/01/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.
Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/02/2022; áp dụng từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư 23/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020.