Những thương hiệu vang bóng một thời đang vực dậy
Xá xị Chương Dương, Biti’s, mì Miliket, Wonderfarm,…đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc trong định hướng kinh doanh và tạo dựng lại thương hiệu đã vang bóng một thời.
- 22-07-2018Nghi vấn thương hiệu Con Cưng gian lận tem nhãn như "Khaisilk”
- 21-07-2018Ý tưởng kinh doanh đồng hồ độc đáo: Lắp ráp ở Trung Quốc, máy Nhật, chỉ thiết kế vỏ rồi gọi vốn trên Shark Tank với thương hiệu đồng hồ Việt, vậy là bạn có 5 tỷ
- 20-07-2018CEO đồng hồ Curnon chia sẻ “hậu” Shark Tank: Chúng tôi là thương hiệu đồng hồ đầu tiên của Việt Nam, cho thị trường Việt Nam, thiết kế bởi người Việt Nam
Cách đây hàng chục năm, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tên tuổi gắn với các sản phẩm như xà bông cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, mì Miliket, xá xị Chương Dương, giày Thượng Đình…được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập với thế giới, không ít tên tuổi dần rơi vào quên lãng hoặc bị thâu tóm.
Với uy tín thương hiệu và sự hoài cổ của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu hàng chục năm tuổi đang quyết tâm thay đổi, cấu trúc và vực dậy tên tuổi của mình như Wonderfarm, Biti’s, Bông Bạch Tuyết, Miliket, Xá xị Chương Dương,…
Mì Miliket sống khỏe nhờ thị trường ngách
Người tiêu dùng hoài cổ có lẽ thấy vui khi thương hiệu mì 2 con tôm của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket (CMN) đang dần hiện diện nhiều hơn và kinh doanh tốt lên.
Trong nửa đầu năm 2018 qua, doanh thu của Miliket đạt mức 283 tỷ, tăng trưởng 11%. Lợi nhuận sau thuế thu về 11,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2017.
Từng sở hữu thương hiệu vang bóng một thời mì 2 con tôm Miliket, bao bì giấy gói kiểu xi măng đặc trưng, nhưng với sự gia nhập của nhiều thương hiệu mới trong và ngoài nước đã làm lu mờ dần hình ảnh Miliket.
Đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ lắm tiền nhiều của, mặc dù không có điều kiện chi nhiều tiền quảng cáo, Miliket vẫn tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đó là tập trung vào phân khúc nông thôn, những người thu nhập thấp và phân phối sản phẩm cho các quán lẩu, chứ không bán rộng khắp. Nhờ đó, mì 2 con tôm vẫn sống khỏe trong thị trường ngách với tập khách hàng riêng của mình và đang lớn mạnh về doanh thu.
Xá xị Chương Dương dưới thời người Thái
Từng được mệnh danh là ‘vua’ nước giải khát Sài Gòn một thời với sản phẩm xá xị Chương Dương, CTCP Nước giải khát Chương Dương (HOSE: SCD) đang trải qua giai đoạn khó khăn về công nghệ lạc hậu, ngân sách tiếp thị yếu, thị trường bị cạnh tranh lớn,…
Đỉnh điểm của sự xuống dốc là năm 2017, SCD lỗ 3 tỷ và là năm thua lỗ đầu tiên sau hơn một thập niên kinh doanh. Theo lãnh đạo công ty, ngoài việc doanh thu sụt giảm do kinh doanh bị thu hẹp thì chi phí phải bỏ ra để duy trì kênh bán hàng, đại lý… không giảm nhiều đã khiến kết quả kinh doanh lao dốc.
Tuy nhiên, SCD đã bắt đầu có những động thái tái cấu trúc và tín hiệu khả quan hơn trong kinh doanh. Tình hình kinh doanh trong quý II/2018 có sự khởi sắc khi ngắt mạch lỗ bốn quý liên tiếp; doanh thu tăng 25% trong khi lợi nhuận quý II đạt 1 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ gần 8 tỷ cùng kỳ năm trước.
Sự hiệu quả bước đầu của Chương Dương đến từ việc quản trị chi phí bán hàng hiệu quả hơn, nhất là sau khi ông chủ mới của Sabeco (Thaibev) có những động thái can thiệp mạnh hơn vào công ty nước ngọt này.
Cụ thể, Sabeco đã yêu cầu Chương Dương phải chia cổ tức năm 2017 để tạo sức ép tăng trưởng và cũng ngay sau đó nhân sự người Thái (ông Neo Bennet) được bổ nhiệm làm Chủ tịch của SCD. Với kinh nghiệm về rượu và nước giải khát của Thaibev tại Đông Nam Á, nhà đầu tư kỳ vọng Xá xị Chương Dương sẽ tăng trưởng mạnh trở lại.
Trà Wonderfarm và Bông Bạch Tuyết: Đi để trở về
Sau thời gian rời sàn chứng khoán do kinh doanh thua lỗ, CTCP Bông Bạch Tuyết và CTCP Thực phẩm quốc tế (Interfood) đã có những thay đổi lớn và đặt bước chân quay về sàn chứng khoán cùng vị thế mới.
Với Interfood (IFS) - ông chủ thương hiệu trà bí đao Wonderfarm - trong thời hoàng kim của mình 2005-2006, IFS chiếm khoảng 50-60% thị phần nước trái cây không gas, cạnh tranh trực tiếp với Xá xị Chương Dương, Tribeco hay Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên việc thay đổi nhà máy và cạnh tranh khốc liệt đã đưa thương hiệu này rơi vào vòng xoáy thua lỗ từ năm 2007.
Sau gần thập kỷ "đắm chìm" trong thua lỗ, Interfoods dần hồi sinh hơn 2 năm trở lại đây và đã giao dịch lại trên sàn chứng khoán. Nút thắt kinh doanh được giải quyết với tỷ lệ biên lợi nhuận gộp được cải thiện nhanh chóng đạt 40% trong nửa đầu năm 2018.
Trong đầu năm nay, tổng doanh thu công ty đạt 758 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 104 tỷ đồng; tăng lần lượt 18% và 84% so với nửa đầu năm ngoái. Với khoản tiền lãi nói trên, Công ty tiếp tục giảm lỗ lũy kế xuống còn 590 tỷ đồng.
Tương tự Interfood, Bông Bạch Tuyết (BBT) cũng từng là thương hiệu Việt đình đám một thời khi chiếm tới 90% thị phần bông y tế, nhưng cái tên này dần bị lu mờ bởi kết quả kinh doanh thua lỗ trong quá khứ và phải rời sàn chứng khoán từ 2009.
Hai năm trở lại đây, BBT đang cho thấy những tín hiệu hồi sinh sau quãng thời gian dài chật vật. Doanh thu thuần năm 2017 đạt trên 92 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016. Hai năm liên tiếp 2016 và 2017, công ty cùng báo lãi trên 14 tỷ đồng. Theo đó, công ty cũng trở lại sàn chứng khoán từ ngày 12/6/2018.
Nhắc đến cụm từ ‘đi để trở về’ cũng không thể thiếu thương hiệu giày dép nổi tiếng Biti’s của công ty TNHH sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên với những chiến dịch truyền thông gây bão cùng những sản phẩm ăn khách như Biti's Hunter, Biti's Mdnight,...
Những điều đó cho thấy Biti’s cùng với nhiều thương hiệu hàng chục năm tuổi khác đã và đang có những hướng đi phù hợp với cuộc chơi mới kinh tế thị trường, bắt kịp xu hướng người tiêu dùng để dần vươn lên lấy lại những tên tuổi đã từng có.
Người đồng hành