Những thương vụ doanh nghiệp ngoại “gom” bất động sản Việt: Có đáng lo ngại?
Khi thị trường bất động sản trầm lắng, đó là cơ hội cho những doanh nghiệp ngoại “săn tìm” dự án và quỹ đất đẹp. Xu hướng này có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh một số doanh nghiệp địa ốc đang cần “phao cứu sinh” giữa lúc nguồn vốn hạn hẹp.
- 24-03-2023Bất ngờ hời tiền tỷ khi mua căn hộ chung cư
- 24-03-2023Mặt bằng bán lẻ "ế ẩm” lâu ngày, Giám đốc Savills lý giải nguyên nhân
- 24-03-2023Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)
Trong cuộc trò chuyện thời điểm cuối năm 2022, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc đã từng lo ngại rằng, sự trầm lắng của thị trường, tâm lý bi quan các nhà đầu tư sẽ kéo dài gam màu ảm đạm của bất động sản. Khi các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, giá bất động sản hạ, đó là cơ hội cho những doanh nghiệp ngoại “săn tìm” và “thâu tóm” quỹ đất.
GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, nhiều quỹ đầu tư bên ngoài đang chuẩn bị sẵn tiền chờ cơ hội thâu tóm các dự án này khi các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn phải bán.
Thực tế, kể từ đầu năm 2023 tới nay, thông tin về thương vụ mua – bán dự án lớn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây nhất, theo nguồn tin Reuters. Tập đoàn CapitaLand đang đàm phán mua tài sản trị giá khoảng 1,5 tỷ USD từ Công ty CP Vinhomes. Nguồn tin này còn tiết lộ CapitaLand sẽ xem xét mua một phần dự án Ocean Park 3 của Vinhomes hoặc một dự án khác ở phía bắc TP Hải Phòng.
Trước đó, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình thông báo về việc rao bán khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake (Hà Nội) với giá 250 triệu USD. Lý do mà ông Đường đưa ra, đó là “công ty hết tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên”.
“Các thương vụ M&A sẽ giải quyết vấn đề thiếu vốn của doanh nghiệp và giúp nhiều dự án được hoàn thành”, ông Dylan Yip, Phó tổng giám đốc phụ trách Chiến lược của Tổ chức Giải thưởng châu Á (AAO) nhận định.
Trong khi đó, ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cũng cho rằng, M&A được xem là chiếc phao cứu sinh giữa lúc nguồn vốn trong nước chưa thể khơi thông một sớm một chiều đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước.
Tuy nhiên, khi đánh giá về hiện tượng này, ông David lại cho rằng, dù doanh nghiệp bất động sản Việt bán đi một phần quỹ đất hay dự án cho doanh nghiệp ngoại nhưng họ vẫn có lợi thế riêng.
“Cần phải nói là doanh nghiệp Việt có những thế mạnh riêng, không dễ thay thế bởi các đơn vị nước ngoài”, ông David nhấn mạnh.
“Thị trường bất động sản Việt Nam còn khá non trẻ, chưa có nhiều sự đa dạng. Một thị trường đa dạng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh giữa các bên tham gia trong đó và nhờ đó sẽ sự phát triển hơn nữa. Tại Việt Nam, thị phần vẫn nghiêng về khối nội, do đó các khó khăn trên thị trường hiện nay mở ra nhiều cơ hội mới để hợp tác hơn là thâu tóm.
Các nhà đầu tư nước ngoài gặp khá nhiều rào cản về tiếp cận thông tin (hạn chế về ngôn ngữ, cơ sở dữ liệu) cũng như một số quy định hiện nay chưa cho phép sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (chẳng hạn như tham gia phát triển NOXH). Trong bối cảnh chi phí gia tăng, họ sẽ tìm kiếm hình thức liên doanh hay các mô hình hợp tác khác với doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn”, Tổng giám đốc Colliers phân tích.
Theo ông David Jackson, sự quan tâm của nhà đầu nước ngoài với thương vụ chuyển nhượng lớn sẽ tạo nên luồng sinh khí cho thị trường địa ốc.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, xu hướng M&A sẽ còn gia tăng khi doanh nghiệp địa ốc đứng trước thách thức về dòng tiền. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, đó là diễn biến tự nhiên của thị trường. Doanh nghiệp Việt không chỉ có dòng vốn mới còn cơ hội học hỏi, hợp tác với tập đoàn lớn nước ngoài.
Bất ngờ hời tiền tỷ khi mua căn hộ chung cưNhịp sống thị trường