Những triệu phú nuôi cá nước lạnh trên núi
Phát huy lợi thế nguồn nước sạch trong mát từ các dòng suối, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tập trung nuôi cá tầm, cá hồi. Đây là hướng đi mới, cho hiệu quả kinh tế cao giúp bà con xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
- 26-03-2023Một thành viên NATO "háo hức" trở thành trung tâm khí đốt của Nga: Nhiệm vụ bất khả thi?
- 26-03-2023Hàng triệu người tại nước này hối lộ để đăng kiểm mà không cần đem xe tới tận nơi, nhân viên có thể qua mắt hệ thống chỉ bằng chiếc USB
- 26-03-2023Thêm 900 xe VinFast VF8 sẽ được chuyển sang Mỹ trong tháng 4
Tuy nhiên hiện nay, việc nuôi cá nước lạnh của người dân đang đối mặt với nhiều khó khăn, khi các công trình thủy điện ngăn dòng đã ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn nước sản xuất của bà con.
Bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) là nơi sinh sống của gần 200 hộ đồng bào Mông. Sau nhiều năm cấp ủy, chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền, loại hình sản xuất nương rẫy đã dần được người dân thay thế bằng trồng lúa nước và chăn nuôi tập trung. Các cánh rừng một thời như tấm áo vá, giờ đây cũng đã xanh trở lại, tạo ra nguồn nước trong mát cho người dân phát triển kinh tế ở vùng hạ lưu.
Anh Hàng A Phàng - một người dân ở bản cho biết, anh làm quen với nghề nuôi cá tầm, cá hồi cách đây khoảng 6 năm, trong một chuyến thăm người thân tại Sa Pa (Lào Cai). Sau một thời gian làm thuê cho doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa, nhận thấy dòng suối Nậm Thi chảy qua bản có điều kiện tương đồng, năm 2019 anh quyết định đầu tư 5 bể nổi lót bạt để nuôi cá tầm. Mô hình mang lại hiệu quả đã tăng nguồn thu lớn cho gia đình và người dân trên địa bàn.
“Trước kia bà con không biết kỹ thuật nuôi cá nước lạnh, nhưng ra Sa Pa học hỏi và thấy thu nhập được cao thì bà con quay trở về bản để làm. Bây giờ làm ruộng và đi làm thuê thu nhập ít quá thì gia đình chuyển sang nuôi cá nước lạnh vì thu nhập được cao hơn. Năm 2022, ở trại cũ, gia đình tôi nuôi được hơn 2.500 con và cũng thu nhập được 900 triệu. Chuyển ra trại mới nuôi diện tích nhiều hơn, nên gia đình nuôi tăng lên 8.000 con và dự tính thuận lợi thì thu nhập mai kia phải cao hơn” - anh Hàng A Phàng nói.
Bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường nằm dưới chân núi Hoàng Liên, được bao quanh bởi các cánh rừng già nên có điều kiện khí hậu thuận lợi để nuôi cá nước lạnh. Không chỉ người dân địa phương phát triển nghề nuôi cá này, hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân cũng tìm đến để đầu tư nuôi cá và mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao tại địa phương.
Gia đình anh Nguyễn Gia Oanh ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai mua hơn 1 ha đất ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình để nuôi cá nước lạnh từ năm 2019. Với diện tích ao nuôi khoảng 6.000m2, gia đình anh nuôi theo quy trình khép kín gối vụ, để duy trì số lượng cá bán ra thị trường thường xuyên.
Anh Oanh cho biết, gia đình đã đầu tư mỗi ao nuôi 1.000 con giống, chi phí 230 triệu đồng, lúc bán ra được 540 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ nghề nuôi cá hồi, cá tầm, năm nay gia đình mở rộng mô hình làm thêm 7 ao, nuôi 7.000 - 8.000 con giống và dự kiến mỗi năm sẽ bán ra thị trường từ 25 đến 30 tấn cá thương phẩm.
“Cá tầm và cá hồi là một trong các dòng cá đặc biệt, nuôi ở những nguồn nước cũng kén, có nghĩa là phải là nước lạnh và phải sạch. Từ nhiều năm nay loài cá này tương đối ổn định về giá cả. Về mặt bằng phát triển kinh tế của dòng cá này tôi thấy nó tương đối tốt nên gia đình chọn dòng cá này để nuôi. Tính tạm và nhanh thì mỗi năm cơ sở của gia đình cũng cho thu nhập được từ 600 - 700 triệu đồng” - anh Nguyễn Gia Oanh chia sẻ.
Ngoài các hộ ở ngoại tỉnh đến đầu tư, hiện nay bản Chu Va 8 đã có gần 50 hộ dân tham gia nuôi cá tầm, cá hồi. Từ nuôi cá nước lạnh, nhiều hộ đã có thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm và vươn lên thành hộ khá, hộ giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của bản xuống còn 19/182 hộ.
Theo ông Hoàng Đình Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, dòng suối Nậm Giê và Nậm Thi chảy qua xã được đánh giá có nguồn nước lạnh ổn định và đây là điều kiện tốt để cá tầm, cá hồi phát triển. Tận dụng lợi thế này, đến nay, các doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư 26 cơ sở nuôi cá nước lạnh, với trên 300 bể; tập trung chủ yếu ở bản Chu Va 12 và Chu Va 8.
Với sản lượng và giá bán bình quân từ 200.000 - 250.000 đồng/kg như hiện nay, tổng doanh thu từ nuôi cá đã đạt từ 16 - 20 tỷ đồng mỗi năm. Từ nghề nuôi cá tầm, cá hồi, nhiều hộ đồng bào Mông đã có cuộc sống ổn định, không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành triệu phú, tỷ phú.
“Trước kia chỉ có một số doanh nghiệp, hợp tác xã vào để đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của ở địa phương. Nhưng đến nay một số đồng bào người Mông tại bản Chu Va 8 và Chu Va 12 cũng đã đầu tư để nuôi cá tầm, cá hồi, để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thông qua việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và khai thác tiềm năng, thế mạnh đối với điều kiện tự nhiên của xã, một số đồng bào người Mông cũng đã vươn lên trở thành triệu phú từ việc nuôi cá tầm, cá hồi trên địa bàn” - ông Hoàng Đình Quân cho biết.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, nhất là nguồn thu nhập từ nghề nuôi cá nước lạnh, đến nay, thu nhập bình quân ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường đã đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, nghề nuôi cá nước lạnh đang được coi là “chìa khóa” để người dân duy trì và nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Đây là điều kiện tiên quyết để địa phương phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí chưa đạt, cán đích nông thôn mới vào năm 2023.
Tuy nhiên, hiện người dân ở Sơn Bình đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, khi nguồn nước có nguy cơ bị xâm hại bởi các công trình thủy điện. Vấn đề này VOV sẽ tiếp tục đề cập.
VOV