Những tuyến đường "dát kim cương", đường đắt nhất hành tinh tại Việt Nam
Phá vỡ mọi kỷ lục về con đường đắt nhất hành tinh trước đó tại Việt Nam, tuyến đường do Đại Quang Minh làm chủ đầu tư được ví von là đường "dát kim cương".
1. Đường "dát kim cương" tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), Đại Quang Minh được giao xây dựng 4 tuyến đường tổng chiều dài gần 11,9 km. 4 tuyến đường này bao gồm đại lộ vòng cung (dài 3,4 km, mặt cắt ngang 55 m); đường ven hồ trung tâm (dài 3km, mặt cắt ngang 29,2 m); đường ven sông Sài Gòn (dài 3km, mặt cắt ngang 28,1 m); đường vùng châu thổ (dài 2,5 km, mặt cắt ngang 11,6 m).
Đại Quang Minh công bố đầu tư tới 12.000 tỷ đồng (tổng mức đầu tư của dự án là hơn 8.265 tỷ đồng, tính thêm cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay 3.917 tỷ đồng).
Điều đáng nói là, tuyến đường mà Đại Quang Minh đầu tư không phải giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, tính trung bình, mỗi km đường Đại Quang Minh làm có chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Với mức chi phí khổng lồ này, nhiều người dân ví von, đây là đường "dát kim cương".
Sau khi xây dựng 4 tuyến đường ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại Quang Minh được giao cho 79 ha đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản.
2. Con đường đắt nhất hành tinh: Đường Hoàng Cầu - Voi Phục
Đường Hoàng Cầu - Voi Phục tại Hà Nội được mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh với chiều dài 2,274 km. Đường Hoàng Cầu - Voi Phục được phê duyệt xây dựng từ năm 2017-2020 với tổng vốn đầu tư dự án này vào khoảng 7.780 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác.
Đường có mặt cắt ngang B = 50 m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Chi phí đầu tư tương đương 3.420 tỷ đồng/km.
Vì sao Hà Nội lại làm "con đường đắt nhất hành tinh"?
Tuy nhiên, hơn 80% tổng số vốn đầu tư này là kinh phí để giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân. Dự án dự kiến sẽ chiếm gần 160.000 m² đất, giải phóng mặt bằng 2.044 hộ dân (quận Ba Đình 1.241 hộ, quận Đống Đa 803 hộ), với nhu cầu tái định cư là 2.239 căn hộ ở khu Nam Trung Yên, khu Tây Nam Kim Giang 1.
3. Đường vành đai 1 Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái
Dự án này được phê duyệt năm 2005 và hoàn thành vào tháng 12/2016. Đường dài 570m, rộng 50m. Dự án đã thu hồi 41.240m2 đất tại các phường Đông Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng và Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng của 660 hộ dân và 7 tổ chức, cơ quan đơn vị.
Tổng mức đầu tư là 1.139 tỷ đồng, trong đó, chi pí đền bù, giải phóng mặt bằng là 850 tỷ đồng. Giá trung bình để làm mỗi mét đường lên đến 2 tỷ đồng.
4. Đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu: 740 tỷ đồng cho 547m
Tuyến đường vành đai 1 này dài 547m, được khởi công từ tháng 4/2010 với tổng đầu tư phê duyệt là 642 tỷ đồng từ ngân sách Hà Nội. Trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là trên 527 tỷ đồng. Dự án đã giải phóng mặt bằng 5 cơ quan và 450 hộ dân nằm trên quy hoạch mở đường. Tuy nhiên, thực tế, việc đền bù cho cho các chủ đất nằm trên tuyến đường này lên tới 743,5 tỷ đồng.
Mặt cắt ngang của đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu này rộng 50m gồm hai làn đường, mỗi làn rộng 16m, dải phân cách giữa rộng 3m, vỉa hè 7m. Mặt đường cũng sẽ được làm mới đồng bộ với các hệ thống cấp, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, biển báo, nhà chờ xe buýt…
5. Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính Vidifi làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Cao tốc này với điểm bắt đầu nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội (cách mố bắc cầu Thanh Trì 1,025 km thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) đi qua các tỉnh, thành phố là Hà Nội (6km), Hưng Yên (26,5km), Hải Dương (40), Hải Phòng (33km), và điểm cuối đường là đập Đình Vũ (thuộc quận Hải An, Hải Phòng).
Ảnh: Giao thông vận tải
Con đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A có 6 nút giao liên thông khác mức tại giao cắt với các quốc lộ. Tuyến đường có 9 cầu lớn, 21 cầu trung, 22 cầu vượt với tổng chiều dài cầu khoảng 11km. 124 cống chui và cầu vượt dân sinh.
Tốc độ ô tô thiết kế đạt 120km/giờ. Mặt cắt ngang bình quân là 100 m, mặt đường rộng 33 m với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải cây xanh hai bên đường, có đường gom ở các vị trí cần thiết.
Dự án khởi công từ tháng 5/2008 có tổng mức đầu tư 45.500 tỷ đồng cho 105km, trong đó chi phí xây dựng và lãi vay là 27.000 tỷ đồng. Tính ra suất đầu tư là khoảng 250 tỷ đồng cho mỗi km.
Nhịp sống kinh tế